Kết quả trận Nga 3-1 Ai Cập đã chấm dứt giấc mơ cổ tích của đất nước Bắc Phi ngay từ vòng bảng, trong ngày vị anh hùng dân tộc Mohamed Salah đã chính thức trở lại và ghi bàn. Mòn mỏi đợi chờ và hy vọng bao nhiêu, đó cuối cùng cũng chỉ là một ngày buồn bã dưới chiều mưa St. Petersburg.
Lịch để bàn 2025 - ấn phẩm ĐẶC BIỆT dành riêng cho fan bóng đá. Mang cả thế giới bóng đá đến với bàn làm việc của bạn! Nhanh tay đặt mua ngay hôm nay: https://forms.gle/ed5b32S9hPR9vWvK7 |
Một tháng nước mắt của dân tộc Ai Cập
Sáng sớm tinh mơ sau đêm chung kết Champions League, báo chí Ai Cập hầu như không tập trung đề cập vào danh tính nhà vô địch, trong khi cũng lác đác vài mẩu tin về hai sai lầm của Loris Karius hay hai bàn thắng của Gareth Bale.
“Đêm mưa nước mắt của dân tộc Ai Cập.”
Ai Cập bị loại khỏi World Cup 2018: Giấc mơ cổ tích sớm đã tan tành mây khói khi Salah rời đêm Kiev trong nước mắt |
Giờ, người Ai Cập sẽ khóc thêm một lần nữa. Chiến thắng Saudi Arabia của Uruguay đã chính thức tiễn thầy trò Hector Cuper về nước, "may mắn" không phải đội tuyển đầu tiên bị loại khỏi World Cup 2018 khi Bồ Đào Nha cũng làm được điều tương tự trước Maroc.
Một đất nước đáng lẽ ra cần được lãnh đạo bởi vị thủ lĩnh toàn năng của mình, không còn cách nào khác ngoài đặt hy vọng mong manh vào cái bóng của anh trong một trận đấu buộc phải thắng trước chủ nhà.
Mohamed Salah có ra sân thi đấu ở St. Petersburg và thậm chí ghi bàn qua trọn vẹn 90 phút, nhưng đó hoàn toàn không phải cầu thủ xuất sắc nhất kiêm vua phá lưới Premier League mùa giải vừa rồi, hay người đã dẫn dắt Liverpool đến trận chung kết Champions League.
Tai họa ở Kiev, Ukraine đã lây lan sang tận Nga để không phải cường điệu khi nói rằng, nó đã hủy hoại kỳ World Cup đầu tiên sau 28 năm của Ai Cập. Hãy cứ thử tưởng tượng Argentina không có Lionel Messi hay Bồ Đào Nha không có Cristiano Ronaldo mà xem.
Ai Cập mến yêu và sùng bái Salah - biểu tượng hy vọng của một đất nước chia rẽ vì chính trị |
Mohamed Salah - Biểu tượng hy vọng của một đất nước chia rẽ vì chính trị
Ai Cập sùng bái anh hùng quốc dân Salah, mặc cho người ngoài có dè bỉu tư tưởng thần thánh hóa một con người, một chàng trai đá bóng mới 26 tuổi đó của họ. Sau cùng, bóng đá hay thể thao nói chung cũng chỉ là một trong rất nhiều khía cạnh của cuộc sống, thậm chí tầm thường đến độ vô nghĩa khi đặt cạnh chính trị hay kinh tế.
Ấy vậy, hiếm đất nước nào có thể thấu hiểu và đồng cảm cái trân trọng sự vĩ đại của thể thao như nhân dân Ai Cập, quốc gia bị chia rẽ bởi chính trị và cai trị bởi bàn tay sắt của những kẻ độc tài, đương thời như tổng thống Abdel Fatal al-Sisi. Nếu Mùa Xuân Ả Rập và sự sụp đổ của chế độ Hosni Mubarak hứa hẹn một tương lai bình yên, nó cũng chẳng kéo dài được lâu và gần như chỉ tựa một bình minh giả tạo.
Thể thao sẽ luôn là lối thoát, ít nhất về mặt tinh thần, nhưng rồi chính nó cũng không thể thoát khỏi bóng ma ảnh hưởng của chính trị. Tháng Hai 2012, ngót nghét 600 thương vong sau khi CĐV Al-Masry tấn công CĐV Al-Ahly trong một trận đấu thuộc giải vô địch quốc gia Ai Cập.
Nguồn cơn cho nỗi đau đớn tột cùng này xuất phát từ thái độ phản đối kịch liệt của lực lượng fan Al-Ahly đối với chế độ lực lượng vũ trang của đất nước, để rồi bị chính cảnh sát bao vây trong sân vận động và bạo loạn xảy ra. Rất nhiều người đã phải vào tù ra tội kể từ đó.
Bóng đá quốc nội bị xếp xó suốt hai năm sau đó vì tình hình chính trị phức tạp đến kinh hoàng nơi đây, để rồi Ai Cập bằng cách nào đó vẫn tìm ra ngôi sao dẫn đường cứu rỗi của nó.
Ai Cập mến yêu và sùng bái Salah - biểu tượng hy vọng của một đất nước chia rẽ vì chính trị |
Bất luận những điều tuyệt vời đã làm nên ở Liverpool suốt 10 tháng qua, tất cả vẫn không là gì khi đặt cạnh sức mạnh phi thường của Salah đối với Tổ quốc quê hương anh.
Ai Cập hiếm khi nào là một quốc gia thống nhất thực sự trong cả thập kỷ đã qua, và rồi chỉ riêng mình Salah đến và mang mọi người kết đoàn lại với nhau. Thời khắc họ khát khao một vị anh hùng dân tộc, chính Salah đã đưa cả đất nước Bắc Phi đến World Cup với cú đúp bàn thắng tung lưới Congo.
Hơn cả một cầu thủ xuất sắc hàng đầu thế giới, Salah là tấm gương mẫu mực cho tất cả noi theo, là đại sứ của sự đoàn kết. Anh thành lập một quỹ từ thiện mang tên chính mình để giúp đỡ tất cả những ai cần đến nó. Mọi tuyên ngôn của Salah đều thận trọng câu từ phi chính trị, bởi anh không muốn mình là một biểu tượng chính trị. Một biểu tượng của niềm hy vọng có lẽ sẽ ổn hơn với anh rất rất nhiều.
Pha đá phản lưới nhà của Ahmed Fathy đầu hiệp 2 là khởi đầu cho sự sụp đổ của Ai Cập trước Nga dù các Pharaohs đã chơi không hề tồi trong hiệp 1.
Tháng 11 rồi 12 năm ngoái, niềm hy vọng đó không hề mong manh chút nào cho Ai Cập với lần đầu tiên tham dự World Cup sau gần ba thập kỷ mòn mỏi đợi chờ. Lễ bốc thăm ở điện Kremlin đã đưa họ vô một bảng đấu vô cùng thuận lợi, ít nhất trên giấy tờ và ít nhất khi so sánh với bảy đội tuyển hạt giống còn lại.
Thực lực hạn chế của chủ nhà Nga và “quân xanh” Saudi Arabia được thể hiện không chỉ qua hai thứ hạng FIFA thấp nhất giải đấu. Chính ra mà nói, anh quan tâm đối thủ là ai làm gì khi mình có trong tay một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới ở thời điểm hiện tại nào?
Vòng knock-out World Cup 2018 là một viễn cảnh sáng sủa khả thi, và rồi ai mà biết được chứ… Đúng vậy, ai mà biết được chứ, kể cả một thảm họa tai ương cập bến vỏn vẹn ba tuần trước ngày khai mạc.
Ai Cập bị loại khỏi World Cup 2018: Niềm hy vọng đã chết cùng biểu tượng Salah |
Niềm hy vọng đã chết cùng giấc mơ cổ tích ở World Cup
Cả dân tộc Ai Cập đã ngày đêm cầu nguyện, nhưng cuộc đời đã trả lời họ bằng hiện thực trần trụi phũ phàng hơn thế nhiều, dù rằng nó cũng đã đáp lời một cách chiếu cố. Anh đơn giản không thể hồi phục một chấn thương bả vai thần tốc đến như vậy và trông mong nó hoàn toàn lành lặn.
Nếu Ai Cập, dẫu lép vế đến khổ sở, vẫn có thể đổ lỗi cho thần may mắn trong thất bại 0-1 phút chót trước Uruguay ngày ra quân, họ đã hoàn toàn bị cuốn phăng dưới cơn mưa chiều St. Petersburg. Chủ nhà Nga đơn giản là đội bóng chơi tốt hơn rất nhiều, thậm chí vượt kỳ vọng của chính những người lạc quan nhất, nhưng họ cũng được hỗ trợ ít nhiều bởi khả năng phòng ngự ác mộng của các vị khách Bắc Phi.
Trên hàng tấn công, mọi con mắt tuyệt vọng hướng ánh nhìn về Salah nhưng nếu không phải vật lộn với chấn thương, anh cũng chẳng còn là chính mình khi đã rời xa sân cỏ cả tháng trời nay. Quả penalty muộn màng giúp ngôi sao Liverpool có được bàn thắng World Cup đầu tiên trong sự nghiệp, nhưng nó cũng chỉ tựa như sự an ủi hay đánh dấu ngày trở lại của anh mà thôi.
Ai Cập bị loại khỏi World Cup 2018: Niềm hy vọng đã chết cùng biểu tượng Salah |
Nhân dân Ai Cập sẽ không bao giờ đánh mất niềm tự hào vào đội tuyển quốc gia hay tình yêu vĩ đại dành cho cầu thủ xuất sắc nhất của mình, nhưng bản thân họ cũng phải thừa nhận rằng giấc mơ cổ tích ở Nga đã tan tành mây khói ngay thời điểm Salah chia tay trận chung kết Champions League trong nước mắt.
Còn đối với Sergio Ramos từ giờ đến cuối đời này, có lẽ trung vệ người Tây Ban Nha sẽ không còn cơ hội thăm thú và được tận mắt chứng kiến, chiêm ngưỡng những kỳ quan kim tự tháp được nữa rồi…
Cuối cùng, NHM đã được chứng kiến những bước chạy đầu tiên của Mohamed Salah trên sân cỏ sau khi dính chấn thương tại trận chung kết Champions League 2017/18...
Gia Khoa (TTVN)