Chưa bao giờ ĐT Anh tập trung mà báo chí lại không có chuyện để mổ xẻ. Sự sôi động (hay soi mói, tùy bạn gọi) của báo chí xứ sương mù thì đã quá nổi tiếng, nhưng chính tuyển Anh quả là lúc nào cũng có vấn đề.
1. Thủ môn là một vấn đề. Suốt mấy chục năm trời người Anh chả thể tin tưởng được thủ thành nào. Kinh nghiệm lão luyện như David Seaman hay trẻ trung như Joe Hart cũng đều phạm sai lầm. Trung vệ thì lại có chuyện Rio Ferdinand và Wayne Bridge không thèm lên tuyển vì có John Terry. Tuyến giữa là bài toán: “Gerard, Lampard hay cả hai”. Còn trên hàng công thì ai sẽ đá cặp với Rooney? Trên khán đài, giới WAGs cũng là đề tài vô tận.
Đủ thứ chuyện như thế, hỏi sao tuyển Anh có thể ổn định? Cứ ra giải lớn là Tam sư thành mèo ngay. Fabio Capello lừng lẫy thế cũng phải bó tay. Lấy lý do hết sức vớ vẩn là FA tước băng thủ quân của Terry mà không hỏi ý kiến mình, Capello nộp đơn từ chức để không phải dẫn dắt “đội bóng không có tương lai” ấy.
2. Tuyển Anh mạnh không? Tất nhiên phải mạnh, nhưng không mạnh đến mức họ đang được kỳ vọng. Một đội bóng đá với Ukraine và Montenegro thôi cũng đau đầu, khổ sở thì dứt khoát không thể mang đẳng cấp vượt trội, không đứng chung chiếu được với những Italia, Đức, Tây Ban Nha...
Cầu thủ Anh giỏi, nhưng cũng không có nhiều cá nhân xuất chúng có thể tự định đoạt trận đấu. Michu đến tận bây giờ mới được gọi vào ĐT Tây Ban Nha trong khi anh đã làm mưa làm gió tại Premier League từ mùa trước. Những Carroll, Defoe, Welbeck, Lambet và cả Sturrdige chưa thể nói là trên tài Michu được.
Với đội ngũ như thế, việc đóng cửa với những cầu thủ nhập tịch là một sự phung phí theo kiểu “nghèo mà còn chảnh”. Phát ngôn “Tuyển Anh dành cho người Anh” của cầu thủ trẻ Jack Wilshere tạo ra những cuộc tranh luận trái chiều trên mặt báo. Cây bút Martin Samuel của tờ Daily Mail tán thành suy nghĩ này, nhưng cũng có rất nhiều chuyên gia phản bác nó. Họ bảo như vậy là bài ngoại, là phân biệt đối xử. Khi Tây Ban Nha đã làm xong mọi thủ tục để gọi Diego Costa vào đội tuyển, sự so sánh lại càng dữ dội.
Tài năng của Tây Ban Nha tất nhiên phải dồi dào gấp mấy lần Anh, nhưng họ vẫn mở cửa cho cầu thủ nhập tịch.
3. Xin dẫn lại đầy đủ phát ngôn gây tranh cãi của Wilshere: “Chỉ những người Anh mới nên khoác áo tuyển Anh. Cần phải nhớ mình là ai. Người ta nhớ đến người Tây Ban Nha vì sự kỹ thuật và nhớ đến chúng ta bởi sự dũng cảm và xoạc bóng quyết liệt”.
Chỉ trong phát ngôn ấy, Wilshere đã chỉ ra hai nét chưa được của người Anh. Thứ nhất là tính bảo thủ, không mở lòng và mở cửa với những cầu thủ có quyết tâm cống hiến. Thứ hai là cổ xúy những pha xoạc bóng nguy hiểm. Không ngờ những cầu thủ trẻ, xuất sắc như Wilshere lại có thể suy nghĩ xoạc bóng quyết liệt là dũng cảm?
Đấy rõ ràng là vấn đề về tư duy. Dũng cảm là chuyền vào nơi có đông cầu thủ truy cản nhất, là dốc bóng vào những vị trí không ai cần đến chứ không phải là xoạc bóng với nguy cơ tiềm ẩn chấn thương. Cũng vì sự “dũng cảm” ấy mà bàn chân của Djibril Cisse, Eduardo và Ramsey cứ như gãy lìa sau các pha va chạm.
Chừng nào vẫn còn những suy nghĩ như của Wilshere, tuyển Anh khó lòng mà khá được!
Trần Minh - Bongdaplus.vn