Qua màn trình diễn trước Moldova, Tom Cleverley cho thấy anh đủ khả năng thi đấu như một số 10 thực sự trên sân cho ĐT Anh.
Con số 10 từng được mặc bởi Sir Geoff Hurst tại World Cup 1966, Michael Owen, Glenn Hoddle, Paul Gascoigne và Joe Cole. Nhưng tất cả họ đều không giữ vai trò của một tiền vệ công, đúng như truyền thống của chiếc áo số 10. Trước Moldova, HLV Roy Hodgson bất ngờ trao cho Cleverley số áo ấy. Điểm đặc biệt là, ngôi sao sinh năm 1989 được giao đảm nhiệm đúng vị trí tiền vệ công của ĐT Anh (chơi ngay sau Jermain Defoe) và đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình.
Cleverley là một tài năng trẻ triển vọng, đại diện cho một thế hệ mới của nền bóng đá Anh. Anh gia nhập Man Utd khi mới 11 tuổi từ Bradford và có tên trong thành phần đội 1 M.U, cách đây 4 năm. Chàng trai gốc Basingstoke từng được gửi đến Leicester City, Watford và Wigan thi đấu theo dạng cho mượn. Khoảng 1 năm về trước, anh khiến người ta phải gọi mình là Paul Scholes mới, với những màn trình diễn ấn tượng ở tuyến giữa của M.U.
Sau một thời gian bị hành hạ bởi liên tiếp các chấn thương, Cleverley đã hoàn toàn khỏe mạnh. Anh có màn ra mắt ĐT Anh vào ngày 15/8 ở chiến thắng 2-1 trước Italia. Trong màu áo M.U cầu thủ mang áo số 23 đá chính cả 3 trận đã qua tại Premier League 2012/13. Chỉ có điều, anh không được chơi như một số 10 trên sân, bởi vai trò đó thuộc về tân binh người Nhật Bản Shinji Kagawa.
Hodgson khác Sir Alex Ferguson. Ông tin rằng Cleverley đủ khả năng chơi như một số 10 thực thụ của ĐT Anh. Có thể Cleverley không khéo léo và sở hữu nền tảng kĩ thuật tốt như Kagawa. Nhưng bù lại, anh tỏ ra rất nhanh nhẹn và nhạy bén trong các pha xử lí. Tốc độ và nhãn quan chiến thuật cũng là những điểm mạnh của Cleverley. Khi ĐT Anh mất bóng, anh lúc nào cũng sẵn sàng lui về hỗ trợ phòng ngự và cướp bóng lại.
Chính Cleverley là người góp công lớn trong bàn mở tỉ số của ĐT Anh khi cú sút của anh chạm tay hậu vệ Moldova, và mang về cho Tam sư một quả penalty mà sau đó Frank Lampard thực hiện thành công. Ngoài pha bóng đó, Cleverley còn có rất nhiều tình huống đáng chú ý khác. Giữa anh và tất cả các cầu thủ khác trên sân luôn giữ được một sợi dây liên lạc, để lối chơi của ĐT Anh vận hành trơn tru.
Nếu quyết đoán hơn ở phút 74 để tung ra pha kết thúc luôn bằng chân trái sau đường chuyền cực kì thuận lợi của Danny Welbeck, Cleverley đã có thể có riêng cho mình một bàn thắng. Thực tế, khả năng lập công đều đặn chính là điểm yếu mà Cleverley cần khắc phục để trở thành một trụ cột đúng nghĩa của ĐT Anh.
Chẳng phải ngẫu nhiên mà cho đến giờ, Cleverley vẫn chưa nổ súng lần nào cho M.U. Trong khi đó tại Leicester, Wigan và đặc biệt là Watford, anh đã ghi lần lượt 2, 4 và 11 bàn. Hy vọng trong thời gian tới, Cleverley sẽ cải thiện được khâu dứt điểm và có thêm độ lạnh lùng khi đứng trước khung thành đội bạn.
Nếu thế, ĐT Anh và M.U chắc chắn sẽ rất được nhờ!
(Theo Bongdaplus)