- Với người Brazil, trận thua Đức còn tồi tệ hơn thảm họa 1950
- Miroslav Klose: Nấc thang lên thiên đường
- Thảm bại trên sân nhà, HLV Scolari vẫn không chịu từ chức
Quả thực, không một ai hâm mộ bóng đá, kể cả hời hợt không "chuyên sâu", có thể nghĩ đến viễn cảnh nước chủ nhà World Cup 2014, Brazil lại thua tan nát và khủng khiếp đến thế trước các vị khách Đức. Màn nghiền nát Selecao của "Xe tăng" được bắt đầu bởi bàn mở tỷ số của Muller nhưng phải trong vòng khoảng 6 phút đồng hồ (từ phút 23 đến 29), Brazil mới phải trải qua cơn ác mộng kinh hoàng mà đã khiến hàng triệu người phải nhỏ lệ và khóc ròng bởi quá sốc, quá thất vọng. Đức liên tiếp có thêm 4 bàn thắng trong sự hời hợt và kém cỏi thấy rõ của hàng thủ dưới sự chỉ huy của David Luiz, chàng hậu vệ đắt giá nhất hành tinh và phải gánh vác trọng trách nặng nề do Thiago Silva để lại mà rõ ràng hoàn toàn quá sức của anh. Phải bước sang hiệp 2, nhờ những điều chỉnh, chỉ đạo kịp thời của Big Phil cùng sự bình tâm trở lại, Brazil mới thi đấu khởi sắc hơn và không ít lần làm chao đảo khung thành Neuer nhưng đáng tiếc không thể kiếm nổi bàn thắng. Chính vì lẽ đó mà đội chủ nhà lại bộc lộ sự non kém ở khâu phòng ngự để rồi phải nhận lấy hai bàn thua nữa. Cuối cùng, đến tận phút 90, Brazil mới vớt vát được chút ít danh dự bằng bàn thắng của Oscar.
Đức làm nên một thắng lợi lịch sử |
Chưa bao giờ trong lịch sử World Cup, lại có đội ghi được đến 7 bàn tại trận bán kết và thắng cách biệt đến thế. Trước đó, kỷ lục thuộc về Argentina (6-1 Mỹ, World Cup 1930); Uruguay (6-1 Nam Tư, World Cup 1930) cũng như chính đội Đức (Tây Đức cũ) với thắng lợi 6-1 trước Áo tại World Cup 1954. Không những vậy, chỉ vòng 29 phút đầu trận, thầy trò Joachim Loew đã chọc thủng lưới Brazil tới 5 lần, nhanh hơn kỷ lục cũ do Nam Tư lập trước Zaire cách đây 40 năm đúng...một phút. Đức cũng là đội đầu tiên ghi được 5 bàn ngay trong hiệp Một sau ngày Ba Lan đè bẹp Haiti 7-0 ở World Cup 1974 (trận Nam Tư ghi được 6 bàn vào lưới Zaire trong hiệp Một diễn ra trước đó một ngày và chung cuộc Nam Tư thắng đến ... 9-0). Nếu tính từ vòng knock-out, đây là lần đầu tiên sau trận Áo hạ Thụy Sỹ năm 1954 (7-5).
Chưa dừng lại ở đó, bên cạnh kỷ lục 16 bàn của Klose đã được nhắc đến quá nhiều thì với 7 bàn thắng ghi được, Đức đã nâng thành tích ghi bàn tại World Cup lên con số 223 bàn, chính thức trở thành đội có hàng công mạnh nhất trong lịch sử giải đấu, vượt qua chính Brazil (220 bàn) dù cần lưu ý rằng, Brazil tham dự đủ 20 kỳ World Cup từng được tổ chức còn Đức chỉ góp mặt 18/20 kỳ. Ngoài ra, Mannschaft đã lần thứ 8 ghi tên vào chung kết, thành tích chưa từng có đội tuyển thứ hai thiết lập đươc. Chỉ có điều, Đức mới 3 lần vô địch (1954, 1974, 1990), ít hơn Italy 1 lần và Brazil 2 lần.
Niềm vui sướng tột bậc của đội này hiển nhiên là nỗi thất vọng vô bờ và xấu hổ khốn cùng của đội kia. Lần duy nhất trong lịch sử Brazil thất bại với cách biệt tới 6 bàn đã cách đây gần 100 năm: thua Uruguay 0-6 tại Copa America 1920. Cũng may là họ không bị thủng lưới vài lần nữa, bằng không kỷ lục "thủng lưới 8 lần" trong một trận thi đấu quốc tế đã bị phá vỡ (thua Nam Tư cũ 4-8 trong trận giao hữu quốc tế vào năm 1934). Xét trong phạm vi World Cup thì trước đó, thất bại nặng nề nhất của Selecao chỉ là thua Pháp 0-3 ở chung kết World Cup 1998 và chưa bao giờ họ để thủng lưới nhiều đến thế trong một trận đấu tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Hồi World Cup 1938, thê thảm lắm thì Brazil cũng chỉ để Ba Lan sút tung lưới 5 lần nhưng hôm đó, họ lại giành chiến thắng chung cuộc (6-5). Ấy thế mà, giữa thế kỷ 21 khi môn thể thao vua đã cực kỳ phát triển, không còn mông muội, sơ khai như thuở ban đầu mà Brazil lại thua đến 1-7 ngay trên sân nhà. Quá nhục nhã và khủng khiếp.
Thêm vài thông số "kỷ lục" làm nhói đau người hâm mộ Brazil: Từ năm 1998 tới nay, Brazil chưa bao giờ bị thủng lưới quá 5 bàn trong CẢ kỳ World Cup. Cụ thể, cả World Cup 2010, họ để thủng lưới 5 bàn, 2006 2 bàn và 2002 4 bàn. Thất bại 1-7 vừa rồi cũng là kỷ lục mới của một nước chủ nhà World Cup. Trước đó, cùng lắm quốc gia đăng cai giải đấu chỉ bị thua cách biệt tối đa 3 bàn. Cụ thể, Nam Phi từng thua Uruguay 0-3 năm 2010, Mexico thua Italy 1-4 năm 1970 và Thụy Điển thua Brazil 2-5 ở trận chung kết năm 1958. Đây cũng là lần đầu tiên Brazil thua trong 1 trận đấu chính thức trên sân nhà từ sau thất bại trước Peru tại Copa America 1975 (tức là chỉ tính World Cup và Copa America). Suốt gần 40 năm qua, qua 63 trận, Brazil chỉ biết thắng hoặc hòa trên sân nhà. Tại World Cup, đây cũng là lần đầu Brazil thua trên sân nhà từ sau thất bại lịch sử trước Uruguay năm 1950.
Bảo Phương