Rất khó tin là tuyển Anh sẽ vô địch ở Brazil mùa hè năm tới. Thậm chí, chưa chắc họ đã tới được World Cup sẽ diễn ra sau đây một năm, với trận chung kết được tổ chức ở sân Maracana, nơi đội bóng của Hodgson gặp đội chủ nhà trong một trận giao hữu quốc tế rất được chú ý.
Tuyển Anh không có gương mặt nào thực sự xuất sắc.
Không chỉ là đội hình 4-4-2
Tam sư lâm vào hoàn cảnh này đơn giản bởi họ không có những cầu thủ đủ giỏi và không cần phải nhắc tới trận đấu thiếu thuyết phục trước Ireland tuần trước để khẳng định điều đó. Đơn giản, họ chỉ vào đến 2 trận bán kết giải lớn trong suốt 43 năm qua. Người Anh vẫn tự huyễn hoặc mình không ít về năng lực đội tuyển bóng đá của họ cho tới tận ngày nay, khiến cho ngay cả một chiến thắng ở Maracana vào Chủ nhật có lẽ cũng không thay đổi được điều gì.
Vấn đề chắc chắn không nằm ở lòng tin của Hodgson vào hệ thống 4-4-2, chủ đề tranh cãi chính trên báo chí Anh sau trận hòa 1-1 với Ireland. Cựu đội trưởng tuyển Anh, cựu vua phá lưới World Cup Gary Lineker cáo buộc Hodgson đã đưa tuyển Anh “trở về thời đồ đá với chiến thuật 2 hàng ngang 4 người”. Trên Twitter, Lineker nói thêm: “Brazil sẽ đè bẹp chúng ta nếu chúng ta lại cho ra sân đội hình như thế. Quá dễ đoán và cũ kỹ. Vấn đề không phải là chơi với hai đường thẳng, vấn đề là chơi giữa các đường thẳng. Chiều sâu mang tới sự linh hoạt, những lựa chọn chuyền bóng, sự sáng tạo”.
Tất cả đều rất sắc bén, nhưng thiếu một luận điểm cơ bản nhất. 13 năm trước, sau màn trình diễn nghèo nàn ở EURO của cả Anh và Đức, 2 LĐBĐ đều phải tự nhìn lại mình. Thật ra, vài năm trước đó nữa, cảm thấy sự suy sụp không thể tránh khỏi, người Đức suýt nữa đã bổ nhiệm một HLV ngoại, tên ông ta là Roy Hodgson, nhưng rồi quyết định không làm nữa vì điều đó sẽ làm xói mòn hệ thống đào tạo HLV và cầu thủ được tổ chức trên quy mô toàn quốc của họ.
Thay vào đó, năm 2000, LĐBĐ Đức (DFB) cải tổ toàn diện hệ thống đào tạo trẻ và đặt trọng tâm vào đội tuyển quốc gia. DFB đã lựa chọn một phương án thuần túy mang tính thể thao vì họ hiểu rằng bóng đá xét tới cùng, là những giờ chơi bóng không ngừng nghỉ bắt đầu từ trình độ phong trào.
Sự khác biệt giữa người Anh và người Đức
LĐBĐ Anh (FA) lại chọn con đường khác. Họ chi ra 750 triệu bảng cho sân vận động quốc gia Wembley và hoãn lại việc xây một học viện bóng đá trẻ toàn quốc. Họ tiếp tục bỏ rất nhiều tiền thuê các HLV nước ngoài "hợp thời trang" (ở thời của từng người), Sven Goran Eriksson, rồi Fabio Capello, trong khi để Premier League và ban tổ chức cai quản gần như mọi vấn đề chuyên môn. Đó là quan điểm trước giờ của tư duy kiểu Anh: tối đa hóa lợi nhuận.
Vì vậy mà thứ Bảy tuần trước, trong trận chung kết Champions League, người Anh có một sân bóng hoành tráng, một thánh đường bóng đá trong mơ, để những người Đức tranh tài. Vấn đề cũng không nằm ở sức mạnh tương đối của Bundesliga so với Premier League. Nói chung là lúc nào thì M.U, Manchester City hay Chelsea cũng có thể thách thức Borussia Dortmund hay Bayern Munich. 2 đội Đức đã chơi rất ấn tượng, nhưng thực lực giữa họ và các đội hàng đầu ở Anh không xê xích là mấy.
Vấn đề nằm ở chỗ khác. Đó là những đội bóng do các CĐV Đức sở hữu, có 2 HLV người Đức, 2 bậc thầy ở 2 đầu của một sự nghiệp huấn luyện, Juergen Klopp 45 tuổi và Jupp Heynckes 68 tuổi. HLV người Anh cuối cùng từng tranh tài ở một trận chung kết Champions League là Terry Venables, với Barcelona năm 1986.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)