Tuyển Bồ Đào Nha được ví là 'Brazil của châu Âu', trong khi với số đông các cầu thủ Brazil, giải vô địch Bồ Đào Nha chính là trạm trung chuyển lý tưởng trước khi tìm đến với các sân khấu lớn hơn.
Mối quan hệ mật thiết giữa hai quốc gia Âu - Mỹ có lịch sử hàng trăm năm, với nhiều ràng buộc cả về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, ngôn ngữ, kể từ khi thực dân Bồ Đào Nha bắt đầu đô hộ Brazil từ thế kỷ 15. Bóng đá không nằm ngoài quy luật lịch sử đó, nhưng lại là một phạm trù đặc biệt.
Scolari là hiện thân cho sự kết hợp thành công trong bóng đá giữa Brazil với Bồ Đào Nha.
Brazil 'đồng hóa' Bồ Đào Nha về bóng đá
Nếu Brazil bị Bồ Đào Nha đồng hóa ở hầu hết các khía cạnh khác, thì điều ngược lại diễn ra trong bóng đá. Bóng đá ở quốc gia Nam Âu chịu ảnh hưởng rất lớn từ vùng đất mà họ từng đô hộ và khai sáng suốt nhiều thế kỷ. Bên cạnh dòng người nô lệ da màu được đưa từ Brazil sang sinh sống, làm việc mẫu quốc, người gốc Bồ Đào Nha sang làm ăn cũng lấy bóng đá làm môn thể thao giải trí, để rồi mang theo thứ bóng đá phóng khoáng, giàu ngẫu hứng khi trở về cố quốc. Dần dà, chất bóng đá đó trở thành một bản sắc của Bồ Đào Nha.
Không phải ngẫu nhiên mà tuyển Bồ Đào Nha được ví như một "Brazil của châu Âu", hay danh thủ Eusebio được xem như bản sao của Pele ở cựu lục địa, dù đều ở mức độ kém thành công hơn nhiều. Cho đến khi Tây Ban Nha trình làng nghệ thuật tiki-taka, Bồ Đào Nha vẫn nổi tiếng với thứ bóng đá đẹp, vị nghệ thuật và đề cao yếu tố ngẫu hứng, khu biệt hẳn với lối đá thực dụng, lấy kết quả làm tôn chỉ cao nhất phổ biến trên khắp châu Âu.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà bóng đá Bồ Đào Nha, ở cấp độ đội tuyển, đều gặt hái thành công lớn nhất với những HLV người Brazil. Tại World Cup 1966 trên đất Anh, dưới trướng Otto Gloria, HLV sinh ở Rio de Janeiro, Bồ Đào Nha đạt thành tích tốt nhất lịch sử, khi đoạt hạng ba chung cuộc và sở hữu giải Vua phá lưới với chín bàn thắng của Eusebio. Trong năm năm được chỉ đạo bởi Luiz Felipe Scolari, 2003-2008, Bồ Đào Nha luôn nằm trong số những đội bóng mạnh nhất châu Âu và thế giới, về nhì ở Euro 2004 (thành tích tốt nhất lịch sử ở tầm châu lục), vào bán kết World Cup 2006.
So với các đồng nghiệp cùng thời người Bồ Đào Nha, Gloria hay Scolari đều ăn đứt về trình độ kỹ chiến thuật, sự am hiểu bóng đá, độ nhạy bén - những yếu tố mà hai ông chỉ sở hữu nhờ được tôi luyện ở Brazil - nền bóng đá từng năm lần vô địch World Cup.
Gloria thậm chí còn tạo tiếng vang lớn ở cả cấp độ CLB với bóng đá Bồ Đào Nha, khi gặt hái nhiều danh hiệu cùng Benfica, Belenenses, Sporting Lisbon và có thời gian dẫn dắt Porto - đội bóng lớn nhất ở quốc gia Nam Âu. Trong khi đó, ảnh hưởng của Scolari trong tuyển Bồ Đào Nha đến giờ vẫn còn hiện hữu rất rõ trong cơ cấu nhân sự, với nhiều trụ cột nổi lên nhờ sự bồi dưỡng, dìu dắt của ông thầy người Brazil.
Bồ Đào Nha - mảnh đất lành cho cầu thủ Brazil
Bóng đá ở Brazil không chỉ là một trò chơi, một môn thể thao, như ý nghĩa nguyên bản của nó. Đó còn là phương tiện, là cứu cánh để nhiều cầu thủ cùng gia đình họ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó trong những khu ổ chuột để đến với thế giới no đủ hơn ở châu Âu. Nhưng sẽ rất mạo hiểm nếu một cầu thủ, nhất là những người trẻ, mới chân ướt chân ráo rời Brazil đến ngay với các giải đấu lớn, nơi áp lực cạnh tranh và sự khắc nghiệt có thể giết chết hy vọng của họ.
Giải vô địch Bồ Đào Nha vì thế trở thành điểm dừng chân, trạm trung chuyển lý tưởng cho số đông những "món hàng xuất khẩu" từ Brazil. Nhờ nói cùng thứ tiếng, sống trong một môi trường văn hóa - xã hội gần như tương đồng, các cầu thủ Brazil thường không mất quá nhiều thời gian để hòa nhập, thích nghi, để rồi tỏa sáng và tìm cơ hội đến với những bến đỗ lớn hơn về sau.
Một thống kê từ năm 2001 chỉ ra rằng, luôn có tối thiểu 30% số cầu thủ Brazil ra nước ngoài thi đấu hằng năm đều chọn Bồ Đào Nha làm điểm đến, cao hơn hẳn các nền bóng đá khác. Brazil cùng thời gian cũng luôn là quốc gia xuất khẩu đông cầu thủ nhất tại giải vô địch Bồ Đào Nha.
Deco có thể xem là một ví dụ điển hình. Cầu thủ người Brazil chính gốc này (sinh ở Sao Paulo) khởi nghiệp ở quê nhà trước khi sang Bồ Đào Nha năm 19 tuổi. Mất thêm ba năm để làm quen, hòa nhập ở các CLB nhỏ, anh bắt đầu thăng tiến với tốc độ tên lửa từ khi gia nhập Porto năm 1999. Cùng Porto, Deco hai lần vô địch cấp châu lục (Cup UEFA, Champions League) và được nhập tịch, trở thành trụ cột tuyển Bồ Đào Nha, trước khi đầu quân cho Barca năm 2004 và tiếp tục gặt hái thành công lớn cùng CLB khổng lồ xứ Catalan.
Không phải ai cũng có may mắn như Deco, nhưng với vô số cầu thủ Brazil khác, Bồ Đào Nha cũng là bệ phóng tuyệt vời cho sự nghiệp, giúp họ đổi đời. Mario Jardel từng là cây làm bàn cự phách của Porto, Sporting Lisbon rồi mới có cửa lên tuyển Brazil. Tiền đạo cánh Hulk, trước khi gia nhập Zenit với giá 40 triệu euro, cũng từng có bốn năm đá cho Porto. Trung vệ Luisao cũng nhờ tiếng tăm gầy dựng ở Benfica mà thường xuyên có chân trên tuyển Brazil.
Hai trong số các trụ cột của tuyển Brazil hiện tại cũng từng "ăn cơm" Bồ Đào Nha trước khi lên tuyển và đổi đời với những vụ chuyển nhượng lớn. Họ là David Luiz và Ramires, bộ đôi trụ cột của Benfica lần lượt lên tuyển vào các năm 2009, 2010, một năm trước khi họ được mua về với giá 22 triệu rồi 25 triệu euro. Những nét giao thoa đó, vì thế, có thể biến trận giao hữu Brazil - Bồ Đào Nha trên sân Massachusetts, Mỹ ngày mai thành một trận cầu giữa những người anh em.
Xem thêm: Video trận Albania vs Bồ Đào Nha
(Theo Vnexpress)