Có vẻ như mọi kỳ World Cup đều có bảng từ thần, với ít nhất hai đội bóng mạnh phải đối đầu với nhau. Với các đội bóng mạnh, bảng tử thần mang tính hai mặt. Họ gặp phải nguy cơ lớn bị loại ngay từ vòng bảng, làm đảo lộn mọi toan tính. Nhưng có nhiều bằng chứng cũng cho thấy rằng, nếu bảng tử thần không tiêu diệt bạn, nó sẽ giúp bạn mạnh mẽ hơn.
Cụm từ “Bảng tử thần” được viết lần đầu vào năm 1970 bởi một nhà báo Mexico, nhưng người đầu tiên đề cập đến nó với vẻ đầy sợ hãi là cựu HLV người Uruguay Omar Barros. Sau khi HLV này biết đội bóng của ông rơi vào bảng đấu gồm Tây Đức, Đan Mạch và Scotland ở World Cup 1986, ông đã nói về “El grupo de la muerte” (Bảng tử thần).
Tuyển Uruguay của Barros cuối cùng vẫn vượt qua bảng tử thần với vị trí thứ 3 trong bảng (thể thức khi đó cho phép 4 đội xếp thứ ba lọt vào vòng bảng thứ hai). Bảng đấu quá khó, khiến Uruguay buộc phải dùng lối chơi giàu thể lực ở Mexico 1986. Mặc dù hành trình của Uruguay kết thúc với thất bại đáng quên ở vòng 1/8 trước Argentina (Jose Batista đến giờ vẫn giữ kỷ lục nhận thẻ đỏ nhanh nhất các kỳ World Cup ở trận đó (phút thứ nhất), họ vẫn được nhớ đến bởi những tranh cãi liên quan đến bảng đấu của mình.
Tuy vậy, không phải đội bóng nào cũng may mắn như Uruguay. Bảng tử thần đã gây ra một số thiệt hại đáng kể cho các kỳ World Cup, mà các đội bóng mạnh bị loại quá sớm: Tuyển Anh năm 1958, Tây Ban Nha năm 1962, Pháp năm 1966, Liên Xô năm 1990, Tây Ban Nha năm 1998 và đáng ngạc nhiên nhất, tuyển Argentina của Marcelo Bielsa năm 2002.
Tính từ World Cup năm 1958, bảng tử thần đã xảy ra 15 lần. Trong số này, đã có 7 đội rơi vào bảng tử thần mà sau đó vô địch World Cup, có 5 đội rơi vào bảng tử thần rồi về nhì, và có hai đội vào đến bán kết.
1958 | Anh, Brazi, Liên Xô, Áo | Brazil (Vô địch), Liên Xô (Tứ kết) |
1962 | Brazil, Tiệp Khắc, Mexico, TBN | Brazil (VĐ), Tiệp Khắc (Chung kết) |
1966 | Anh, Uruguay, Pháp, Mexico | Anh (VĐ), Uruguay (TK). |
1970 | Brazil, Anh, Romania, Tiệp Khắc | BĐN (Bán kết), Hungary (TK) |
1978 | Argentina, Italy, Pháp, Hungary | Argentina (VĐ), Italy (TK) |
1986 | Đan Mạch, Tây Đức, Uruguay, Scotland | Tây Đức (CK), Đan Mạch, Uruguay (1/8) |
1990 | Argentina, Romania, Cameroon, Liên Xô | Argentina (CK), Cameroon (TK), Romania (1/8) |
1994 | Italy, Ireland, Mexico, Na Uy | Italy (CK), Mexico, Ireland (1/8) |
1994 | Brazil, Thụy Điển, Cameroon, Nga | Brazil (VĐ), Thụy Điển (BK) |
1998 | Nigeria, Paraguay, TBN, Bulgaria | Nigeria, Paraguay (1/8) |
2002 | Anh, Thụy Điển, Argentina, Nigeria | Anh (TK), Thụy Điển (1/8) |
2002 | Đức, Ireland, Cameroon, Saudi Arabia | Đức (CK), Ireland (1/8) |
2006 | Italy, Ghana, CH Czech, Mỹ | Italy (VĐ), Ghana (1/8) |
2010 | Brazil, BĐN, Bờ Biển Ngà, Triều Tiên | Brazil (TK), BĐN (1/8) |
Bảng trên cho thấy, rơi vào bảng tử thần chưa chắc đã là thảm họa. Bảng tử thần khiến mọi thứ rối tung lên ngay từ khi giải đấu bắt đầu, nhưng bắt các đội bóng tập trung ngay từ đầu và đạt điểm rơi phong độ sớm, nên chắc chắn đội nào thích nghi tốt sẽ tiến xa.
Hãy xem bảng tử thần World Cup năm 1958 tại Thụy Điển, từng được báo chí nước chủ nhà gọi là “cuộc chiến của những gã khổng lồ” (giganternas kamp). Trước loạt trận cuối cùng vòng bảng, Brazil chịu áp lực phải thắng Liên Xô và vì là một đội bóng mạnh, đứng trước nguy cơ bị loại ngay ở vòng bảng khi mục tiêu là vô địch, họ cực kỳ căng thẳng.
Tình thế rất khó khăn, khiến HLV Vicente Feola ra lệnh bắt đội bóng phải tập trung toàn lực để thắng. Khi rũ bỏ sự thận trọng, họ đã giới thiệu cho thế giới bóng đá ngôi sao Garrincha và tiền đạo 17 tuổi tên Pele. Kết quả ngay lập tức được tờ báo Pháp L'Equipe mô tả là “ba phút tuyệt vời nhất”. “Hãy nhớ”, Feola nói với cầu thủ kiến tạo Didi, “hãy chuyền bóng cho Garrincha”.
Trong 60 giây, cầu thủ chạy cánh này đã đánh bại Boris Kuznetsov 4 lần, bỏ lại Yuri Voinov phía sau và ghi bàn. Một phút sau, Pele dứt điểm trúng khung gỗ trước khi Vava ghi bàn sau đường chuyền tinh tế của Didi.
Mặc dù sở hữu những tài năng siêu việt như vậy nhưng thật trớ trêu, Brazil có thể sẽ không vĩ đại đến thế nếu họ không rơi vào tình thế ngặt nghèo của bảng tử thần. Ở trận bán kết, sau khi đã vượt qua cửa tử, họ thi đấu thật sự tự tin.
Đội bóng tiếp theo cần phải cảm ơn thần chết là Italy ở USA 1994. Họ đứng thứ ba trong bảng đấu gồm Mexico, Ireland và Na Uy, giành được chỉ 4 điểm và đủ điều kiện trở thành đội thứ ba có thành tích tốt vào vòng sau. Cuối cùng họ vào tận chung kết, và chỉ cú đá lên trời của Roberto Baggio mới giúp Brazil vô địch.
Năm 1966, tuyển Anh của Alf Ramsey gặp vấn đề ở ngay vòng bảng. Họ phải đối mặt với Uruguay, Pháp và Mexico. Họ hòa Uruguay ở trận đầu và bị căng thẳng. Nhưng sau đó, họ thắng 2 trận còn lại với tỉ số 2-0 để đi tiếp, và cuối cùng vô địch.
Theo Thể Thao Văn Hoá