Thứ Năm, 14/11/2024 Mới nhất
Zalo

Argentina 0-0 Hà Lan (Luân lưu 11m: 4-2): Van Gaal "hết phép", Oranje chết trước ngưỡng cửa thiên đường

Thứ Năm 10/07/2014 02:07(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Chiến lược gia sẽ dẫn dắt Man Utd sau VCK World Cup 2014 đã không sai khi cho rằng Krul bắt 11m tốt hơn Cillessen và nhận định này đã phần nào được kiểm chứng ở trận bán kết thứ hai khi ông quyết định sử dụng thủ thành số 1 ĐTQG cho loạt luân lưu định mệnh để rồi Cillessen không bắt nổi một lần nào. Trong khi Romero của Argentina đã chơi quá xuất sắc khi đẩy được hai cú đá 11m của Vlaar và Sneijder để mang về thắng lợi chung cuộc. Trước đó, trong 120 phút thi đấu chính thức, dù đã có sự thay đổi về cả đấu pháp lẫn nhân sự nhưng tất cả đều không phát huy hiệu quả. Xem ra, khi cây đũa thần của Van Gaal hết tác dụng thì sự thất bại của Hà Lan là tất yếu và Argentina xứng đáng lọt vào trận đấu cuối cùng.

Khác với cặp bán kết đầu tiên khi mới chỉ gặp nhau đúng 2 lần, Hà Lan và Argentina có thể xem là cặp đấu khá duyên nợ tại ngày hội bóng đá lớn nhất bởi trước cuộc đối đầu tại Brazil, họ đã từng chạm trán 4 lần. Trong đó, ưu thế có phần nghiêng về Hà Lan với hai thắng lợi: 4-0 ở World Cup 1974 lúc Oranje đang sở hữu thế hệ cầu thủ xuất chúng được dẫn dắt bởi thiên tài Johan Cruyff cùng lối chơi bóng đá tổng lực lừng danh và 2-1 ở World Cup 1998 với điểm nhấn chính là tuyệt phẩm ấn định tỷ số của Dennis Bergkamp mà đến giờ vẫn được thừa nhận là một trong những bàn thắng đẹp nhất World Cup. Dù chỉ một lần đả bại được Hà Lan song đó lại là thắng lợi quan trọng và quý giá nhất của người Argentina vì diễn ra ở chung kết World Cup 1978 trên sân nhà. Lần gặp nhau còn lại và cũng là gần đây nhất diễn ra vào lượt cuối vòng bảng World Cup 2006, kết thúc với tỷ số nhạt 0-0 do cả hai đã sớm giành quyền đi tiếp.

Argentina đã giành chiến thắng trên chấm luân lưu 11m để lần thứ 5 có mặt ở chung kết World Cup
Argentina đã giành chiến thắng trên chấm luân lưu 11m để lần thứ 5 có mặt ở chung kết World Cup

Sau 8 năm họ gặp lại nhau với số chứng nhân còn sót lại của hai bên không nhiều. Snejder, Van Persie, Kuyt đã già đi rất nhiều nhưng vẫn là trụ cột của ĐTQG. Javier Mascherano cũng tương tự như vậy tuy nhiên có một cầu thủ thì lại có sự thăng tiến vượt bậc thành một ngôi sao hàng đầu thế giới. Đó là Lionel Messi. Năm 2006, M10 vẫn chỉ là một gương mặt tiềm năng ở cả cấp độ CLB lẫn ĐTQG thì nay anh đã là đầu tàu của cả hai cấp độ. Thậm chí, tại ĐTQG, vai trò và tầm ảnh hưởng của Messi còn khủng khiếp hơn nhiều so với ở CLB Barca. Nói một cách khác, Messi mà "hắt hơi xổ mũi" hay bị vô hiệu hoá thì coi như Argentina cầm chắc khả năng thất bại. May cho Albiceleste là Messi đủ thể lực để ra sân thi đấu ở bán kết chứ không rơi vào thảm cảnh như người đồng đội Neymar ở ĐT Brazil để rồi Selecao phải đón nhận thảm kịch khủng khiếp bậc nhất trong lịch sử tham dự World Cup vào đêm qua.

Song cũng chính vì yếu tố này mà giới chuyên môn lại có phần hơi nghiêng về Hà Lan, nhất là khi World Cup lần này càng chứng tỏ một xu hướng: Đội tuyển nào dựa trên nền tảng lối chơi tập thể, không quá phụ thuộc vào một vài ngôi sao nhất định thì thường tạo được ấn tượng tốt hơn, chơi xuất sắc hơn so với những đội xây dựng lối chơi xoay quanh 1-2 cầu thủ nhất định. Hà Lan của World Cup 2014 không sở hữu lứa cầu thủ vàng như cách đây 40 năm nhưng đổi lại, cực kỳ đoàn kết, thống nhất bất chấp tồn tại khoảng cách lớn về tuổi tác trong đội hình. Ngôi sao lớn nhất của Oranje không phải là gương mặt nào trong số 23 tuyển thủ đến Brazil mà là vị thuyền trưởng khó lường Louis Van Gaal. Chưa cần biết Hà Lan có lọt nổi vào chung kết hay huy hoàng hơn là lần đầu giành chức VĐTG thì có thể khẳng định Van Gaal là nhà cầm quân hay nhất giải khi để lại quá nhiều dấu ấn về mặt chiến thuật.

Trước các đối thủ tấn công, Hà Lan đá thực dụng. Trước những kẻ thực dụng, “Oranje” càng thực dụng hơn. Dựa trên nền tảng 5-3-2, Van Gaal có thể xoay chuyển linh hoạt sang đấu pháp 3-4-1-2, 3-5-2 nếu cần thiết và mỗi khi cần phản công nhanh có thể chuyển sang 4-3-3 truyền thống. 7 cầu thủ ghi bàn là sự phản ánh chính xác nhất hiệu quả mà “De IJzeren Tulp” (bông hoa tulip thép) đang làm. Chưa dừng lại ở đó, không một HLV nào thay người siêu đẳng như chiến lược gia sẽ dẫn dắt Man Utd mùa tới. Từ đầu giải, mọi quyết định điều chỉnh nhân sự của ông trong trận đấu đều phát huy hiệu quả và có tác động đến cục diện mà mới nhất là quyết định "thần kỳ" khiến cả thế giới phải ngạc nhiên rồi thán phục khi tung thủ thành Tim Krul vào sân chỉ để nhằm phục vụ cho loạt đá luân lưu 11m với Costa Rica và Krul thể hiện tốt ra sao thi chẳng cần phải nói thêm. Dường như nọi bước đi của Hà Lan trên cuộc hành trình ở Brazil như thể nằm trong toan tính của van Gaal và đến giờ, ông vẫn được xem là một bí ẩn lớn nhất giải đấu khi chưa một ai dám tự tin đã đọc được hết mọi ý tưởng, bài vở trong đầu vị HLV lão luyện 62 tuổi này.

Messi bị bắt chết trong suốt 120 phút thi đấu
Messi bị bắt chết trong suốt 120 phút thi đấu

Trong khi đó, chẳng khó để nhận ra lối chơi, thành tích của Argentina càng dựa dẫm quá nhiều vào Lionel Messi. Về cơ bản, cách đá của Argentina rất nhạt nhòa, và “tù túng” trong các pha tấn công. Sabellla luôn phải loay hoay trong việc phát triển lối chơi. Argentina chỉ có 79% pha chuyền bóng chính xác, và chuyền dài 19% (thấp nhất trong 4 đội bán kết). Với Sabella, Argentina di chuyển không hợp lý. Argentina chỉ di chuyển 548,1 km, thua xa 573,9 km của Hà Lan. Không những vậy,  những thay đổi của Sabella không phát huy bất kỳ tác dụng tích cực nào. Lối chơi đơn giản của Sabella còn thể hiện khi mọi cầu thủ ghi bàn hay kiến tạo của Albiceleste đều đá chính ngay từ đầu trong khi ai cũng biết, dự bị của Hà Lan đỉnh, đột biến đến mức nào. Tuy nhiên ở một trận đấu cụ thể, Argentina đã giành chiến thắng chỉ nhờ đá 11m tốt hơn chứ chẳng phải thể hiện xuất sắc, ấn tượng hơn địch thủ. Cả hai đều sử dụng lối chơi đề cao tính an toàn, khiến thế trận ở mức giằng co nhưng không hấp dẫn kéo dài suốt 120 phút thi đấu. Hai ngôi sao được chú ý nhất, Messi và Robben đều bị kèm chặt ngay khi chạm bóng. Robben không có nổi cú dứt điểm nào ra hồn trong khi Messi không thể chạm bóng trong vòng 16m50 đối phương.

Nếu có thể chỉ ra nhân vật gây ấn tượng nhất trận bán kết hai thì đó chính là trung vệ Ron Vlaar. Cầu thủ thuộc biên chế Aston Villa chơi rất hay trong thời gian thi đấu, truy cản chính xác các pha đi bóng của hàng công Argentina. Thậm chí Vlaar còn thắng cả tình huống một chọi một với Messi với cú tắc bóng chuẩn xác, điều hiếm người làm được lúc này. Tuy nhiên mọi công sức của Vlaar đã đổ xuống sông xuống biển sau cú đá luân lưu mở màn không đủ hiểm của một trung vệ. Vlaar một lần nữa thể hiện gương mặt đặc trưng của người Hà Lan. Dù rất tài hoa nhưng một lần nữa gục ngã ở thời khắc quyết định. Hà Lan không thể vô địch World Cup lần đầu tiên dù sở hữu những ngôi sao đẳng cấp cùng một huấn luyện viên hàng đầu thế giới. Ngược lại với sự kỳ vọng vào Vlaar, Sergio Romero đã trở thành "người hùng bất đắc dĩ" của Argentina. Mùa giải vừa qua, thủ môn 27 tuổi chỉ bắt đúng 3 trận cho Monaco ở Ligue I và bị xem là điểm yếu nhất trong đội hình Argentina. Tuy nhiên Romero đang làm rất tốt công việc của mình khi giúp Argentina chỉ thủng lưới đúng ba bàn từ đầu giải, và góp công trực tiếp đưa vũ đoàn tango vượt qua Hà Lan. Bên cạnh đó, cần phải nhắc đến quyết định tin dùng Cillessen của Van Gaal. Thủ môn 25 tuổi này không cản được bất cứ cú đá luân lưu nào trong bốn lần đối mặt cầu thủ Argentina và thống kê cũng chỉ ra rằng anh chưa từng cản nổi quả phạt đền nào kể từ khi thi đấu chuyên nghiệp.

Argentina bước vào trận bán kết mà thiếu đi Angel Di Maria, cầu thủ chơi tốt thứ hai đội sau Lionel Messi, do chấn thương và lỗ hổng này được lấp lại bằng Enzo Perez, tiền vệ chưa thuộc diện đình đám ở châu Âu hiện khoác áo Benfica. Tại tuyến giữa, Lucas Biglia tiếp tục được tin dùng thay vì Fernando Gago bởi có kỹ năng phòng ngự trội hơn. Trên hàng công, Lavezzi vẫn được sát cánh bên cạnh thủ quân đáng kính Lionel Messi và Gonzalo Higuain, chân sút vừa chấm dứt nạn tịt ngòi ở trận tứ kết gặp Bỉ khi mà Sergio Aguero chưa bình phục hoàn toàn.

Robben cũng không phải ngoại lệ
Robben cũng không phải ngoại lệ

Bên phía ĐT Hà Lan, Van Gaal đã hân hoan chào đón sự trở lại đầy bất ngờ của "máy quét" Nigel De Jong, khiến tuyến giữa càng thêm chắc chắn. Tiền vệ kỳ cựu từng gây ra scandal lớn ở chung kết World Cup 2010 (song phi vào ngực Xabi Alonso) đã dính chấn thương ở trận đấu vòng 1/8 gặp Mexico và ban đầu tưởng như sẽ bị loại khỏi World Cup thì anh đã hồi phục thần kỳ để tái xuất ở trận này. Nhờ vậy, Sneijder đã được trả về vị trí hộ công quen thuộc phía dưới "cặp đôi vàng" Robben - Van Persie chứ không còn phải chơi thấp sát cánh với Wijnaldum ở trung tuyến như trận tứ kết. Gương mặt trẻ Blind cùng lão tướng Dirk Kuyt tiếp tục cai quản hai bên còn bộ ba trung vệ vẫn là Vlaar - De Vrij - Martins Indi. Đúng như Van Gaal từng tuyên bố, Cillessen chính xác vẫn là thủ thành số 1 Hà Lan và không hề bị mất vị trí vào tay người hùng Tim Krul. Tuy nhiên, nếu chỉ đánh giá sức mạnh của Hà Lan dựa trên đội hình xuất phát thì rõ ràng vô cùng phiến diện vì đột biến có thể xuất hiện từ bên ngoài đường piste.

Trước trận, hai đội đã dành một phút mặc niệm Alfredo di Stefano, huyền thoại vĩ đại bậc nhất trong lịch sử CLB Real Madrid với những chiến công huyền thoại ở thập niên 50, 60 của thế kỷ trước (8 chức vô địch La Liga, 5 cúp C1/Champions League), vừa qua đời cách đây vài hôm. Thậm chí, toàn thể đội tuyển Argentina còn đeo băng đen trên cánh tay dù rằng Di Stefano từng phản bội quê hương Argentina để chuyển sang khoác áo ĐT Tây Ban Nha. Từ đầu World Cup, Hà Lan lúc nào cũng chọn cách tiếp cận trận đấu vô cùng chậm rãi, bình thản như thể muốn ru ngủ đối phương và trận này cũng chẳng phải ngoại lệ. Ngay cả khi, Argentina chủ động chọn lối chơi thực dụng, lộ rõ ý đồ phòng ngự - phản công khi kéo đội hình xuống rất thấp thì Hà Lan cũng chưa thích đẩy cao nhịp độ thi đâu dù họ cũng phần nào đáp lại tấm thịnh tình của đối thủ bằng cách triển khai tấn công ngay khi có thời cơ. Thừa hiểu "bắt chết" Messi là chìa khoá dẫn tới chiến thắng nên Hà Lan luôn cắt cử 2-3 cầu thủ bám sát chặt "Quả bóng vàng FIFA" 4 năm liên tiếp, khiến Messi chẳng có nhiều khoảng trống để xoay sở. Tuy nhiên, Oranje có vẻ lại phạm lỗi khá nhiều bên ngoài vòng cấm, mở ra cơ hội giải quyết trận đấu bằng tình huống cố định cho đối thủ. Phút 13, chính ở một pha bóng như vậy (Vlaar phạm lỗi với Enzo Perez), Argentina được hưởng cú đá phạt khá gần vạch 16m50 và hơi chếch về cánh phải, rất thuận lợi cho một "kèo trái" như Messi. Kết quả, M10 tung ra cú sút khá hiểm mà chỉ có phản xạ nhanh nhạy mới giúp Cillessen cứu nguy thành công.

Càng sâu vào hiệp 1, Hà Lan càng chơi chắc chắn. Ngay cả thủ quân Percy cũng thường xuyên lui về hỗ trợ phòng ngự và họ chủ yếu sử dụng bóng dài khi triển khai tấn công. Phút 25, "đấu sĩ" De Jong phất đường chuyền dài mẫu mực không kém gì một nhà kiến tạo tài ba, loại bỏ hoàn toàn hàng thủ Argentina cho Van Persie nhưng động tác hãm bóng của tiền đạo khoác áo Man Utd không được chuẩn, khiến cơ hội trôi qua trong tiếc nuối. Do phía Argentina cũng rất thận trọng và thực dụng nên diễn biến rơi cảnh tẻ nhạt, nhàm chán đến hết hiệp 1. Kể ra, Albiceleste cũng thỉnh thoảng nỗ lực tìm cách tấn công bằng sự di chuyển linh hoạt, hoán đổi vị trí liên tục của các cầu thủ nơi tuyến đầu nhằm giảm áp lực lên Messi nhưng ở các thời khắc quyết định, họ vẫn thiếu chút đột biến.

Hai đội cống hiến trận đấu quyết liệt nhưng quá nặng tính chiến thuật và không hấp dẫn
Hai đội cống hiến trận đấu quyết liệt nhưng quá nặng tính chiến thuật và không hấp dẫn

Sau giờ nghỉ giải lao, HLV Van Gaal tung Jamaat vào sân thay cho Indi đồng nghĩa chiến thuật được điều chỉnh sang sơ đồ 4-3-3 quen thuộc khi Janmaat sẽ đá bên cánh phải của hàng thủ để Dirk Kuyt được đẩy lên phía trên, trở thành mũi tấn công mới. Phút 51, Cillessen đã phải rời bỏ khu vực cấm địa để lao lên ngăn chặn Messi từ trong trứng nước khi mà tổ trọng tài đã không nhìn thấy tư thế việt vị mười mươi của El Pulga khi băng xuống nhận đường chuyền dài từ phần sân nhà. Nhìn chung, cục diện không có gì biến chuyển khi cả hai vẫn thi đấu vô cùng chắc chắn, đề cao sự an toàn nơi khung gỗ chứ chưa chịu mạnh dạn vùng lên ào ạt. Phút 56, Vlaar đã can thiệp hết sức kịp thời, ngăn không cho Messi có thể tung ra cú sút chân trái sở trường đủ sức đe doạ Cillessen.

Đến phút 62, thiên hạ lại phải "mắt tròn mắt dẹt" và không khỏi thắc mắc, tò mò bàn tán về sự có mặt của Jordy Clasie trên sân thay cho De Jong. Cần lưu ý rằng, tiền vệ sinh năm 1991 này chưa từng xuất hiện kể từ đầu World Cup 2014 song Clasie từng được xem là "nhân tố trẻ bí ẩn" của Van Gaal trước thềm giải đấu chứ không phải Depay, Leroy Fer, những sao trẻ đã tạo được dấu ấn của riêng mình ở giải đấu. Dù cũng chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm song Clasie không hoàn toàn chuyên về đánh chặn như người đàn anh mà giỏi kiểm soát, phân phối bóng hơn. Thi thoảng, Messi cố vẫy vùng bằng kỹ thuật cá nhân nhưng rất khó loại bỏ đến 2-3 bóng áo cam luôn tích cực áp sát. Phút 75, Higuain ập vào dứt điểm sau quả căng ngang mẫu mực của Enzo Perez và trái bóng trúng vào mành lưới phía ngoài.

Phải tới phút 81, Sabella mới thực sự mạo hiểm khi đưa đồng thời hai tiền đạo Palacio và Aguero vào sân, thế chỗ Perez và Higuain song chẳng có mấy khởi sắc, nhất là khi Hà Lan vẫn rất vững chãi. Lại cộng thêm điều kiện thời tiết không thuận (trời mưa tầm tã khiến bóng trơn sân ướt) nên tỷ số hoà không bàn thắng được duy trì đến hết trận. Thực ra, đúng phút cuối cùng, Robben mà không bị Mascherano truy cản thì hoàn toàn có thể thực hiện pha kết thúc đáng gờm về khung thành Romero. Trước đó, chính ngôi sao của Bayern đã có màn phối hợp tấn công ở trung lộ với Wesley Sneijder.

Van Gaal đã hết thiêng trong các quyết định thay chiến thuật, điều chỉnh nhân sự của mình
Van Gaal đã hết thiêng trong các quyết định thay chiến thuật, điều chỉnh nhân sự của mình

Không còn cách nào khác, hai đội phải trải qua hai hiệp phụ và sự thận trong không giảm đi bao nhiêu. Phút 95, Huntelaar được đưa vào sân thay cho thủ quân Van Persie như một sự khẳng định Van Gaal muốn thắng trong hiệp phụ và không mong muốn kéo dài trận sang loạt đấu súng cân não bởi ông đã sử dụng hết quyền thay người nên không còn cơ hội ra sân cho "cao thủ bắt 11m" Tim Krul như quan điểm của chính ông. Dẫu vậy, trên thực tế, Hà Lan không có vẻ gì muốn dâng cao đội hình hay đẩy mạnh nhịp độ tấn công. Thay vào đó, họ vẫn chơi đều đều như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Phút 99, lần hiếm hoi Robben có cú bắn phá từ xa nhưng không thể làm khó Romero.

Trong 15 phút của hiệp phụ thứ hai, khi mà thể lực đã bị hao mòn nghiêm trọng thì cả hai càng rất khó uy hiếp cầu môn của nhau. Tuy nhiên, phút 115, thoáng sơ hở hiếm hoi của hàng thủ Oranje đã mở ra thời cơ cho Palacio đối mặt với Cillessen, chỉ có điều pha đánh đầu của anh không đủ tầm đánh bại người gác đền đáng tin cậy của đối phương. Ngay sau đó, Messi nỗ lực thoát khỏi sự truy cản của Vlaar bên cánh phải rồi tạt vào trong để Maxi bắt volley đập đất song không đủ lực và hiểm để chiến thắng được Cillessen. Tỷ số 0-0 được duy trì đến hết thời gian thi đấu chính thức và hai đội đành phải kéo nhau vào màn thi đá luân lưu 11m đầy may rủi. Trận trước, với chiến thuật cực kỳ hợp lý và quyết định thay người lịch sử của Van Gaal, Hà Lan đã giành chiến thắng nhưng lần này, Jasper Cillessen chứ không phải Tim Krul sẽ phải đối mặt với chấm 11m trong khi Van Persie, người đội trưởng đã thực hiện thành công quả đá luân lưu đầu tiên ở trận trước, đã rời sân.

Hà Lan là đội thực hiện đầu tiên và theo nghiên cứu do một nhà toán học người Israel công bố cách đây vài năm thì khoảng trên 60% số đội đá luân lưu trước giành chiến thắng. Tuy nhiên, Ron Vlaar, cầu thủ đã chơi rất tốt trước đó, đã không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Kể ra cũng cần thông cảm bởi Vlaar là một hậu vệ chứ không phải ngôi sao tấn công (trận trước, cả ba cầu thủ đá 11m cho Hà Lan đều thuộc về hàng công). Trong khi đó, đội trưởng Lionel Messi lãnh ấn tiên phong và bất chấp bị Cillessen "doạ dẫm" bằng vài ngôn từ nào đó, anh vẫn lạnh lùng sút thành công. Đến lượt thứ hai thì cả Robben lẫn Garay đều không mắc phải sai sót nào. Song đột biến đã xảy ra ở lượt thứ 3 khi Sneijder không đánh bại nổi sự xuất sắc của Romero. Cú sút của tiền vệ số 10 rất khó nhưng thủ thành số 1 Argentina đã chơi không thể ấn tượng hơn. Cần lưu ý rằng, những thủ thành gốc Argentina thường bắt penalty rất giỏi và có lẽ, Romero đã phần nào có được phẩm chất đó. Trong nỗ lực tuyệt vọng, Cillessen đã đoán trúng hướng sút của Aguero nhưng không thể chặn nổi đồng nghĩa Argentina tiến rất gần đến chiến thắng. Lượt thứ 4, Dirk Kuyt vớt vát lại chút hy vọng mong manh cho đội nhà khi dễ dàng đánh lừa Romero nhưng Maxi Rodriguez bằng cú sút uy lực đã hạ gục Cillessen mặc cho thủ môn 25 tuổi này chạm được tay vào bóng, qua đó đem về thắng lợi ngập tràn niềm vui xen lẫn những giọt nước mắt hạnh phúc cho Albiceleste.

Như vậy, Argentina đã duy trì thành tích không bao giờ thua ở bán kết World Cup để lần thứ 5 trong lịch sử lọt vào chung kết giải bóng đá lớn nhất hành tinh, chạm trán một đối thủ đầy duyên nợ khác, ĐT Đức. Tại World Cup 1986, họ từng vượt qua Mannschaft để lần thứ 2 trong lịch sử đăng quang ở World Cup nhưng 4 năm sau, họ đã thua cay đắng chính đối thủ này ở chung kết Italia 1990. Hay cách đây 4 năm, dưới sự dẫn dắt của huyền thoại Maradona, Argentina đã thua sấp mặt tới 0-4 trước Đức ở tứ kết. Nhưng lần này, mọi chuyện có thể sẽ khác khi họ đã vào chung kết với khát khao chinh phục cúp vàng ngay trên sân quốc gia láng giềng đáng ghét. Còn người Hà Lan đã ngậm ngùi chia tay World Cup và thêm một lần lỡ hẹn với giấc mơ VĐTG. Tuy nhiên, họ chỉ biết tự trách mình vì thiếu đi những khoảnh khắc bùng nổ để tung ra đòn dứt điểm. Đặc biệt hơn, Van Gaal cũng không còn sáng suốt trong quyết định thay người. Dù vậy, một trận chung kết châu Âu - Nam Mỹ vẫn là cái kết đẹp, hợp lý cho World Cup 2014. 

Đội hình thi đấu
Argentina
: Romero, Zabaleta, Demichelis, Garay, Rojo, Enzo Perez (Palacio 81'), Biglia, Mascherano, Lavezzi (Maxi 101')
, Messi, Higuain (Aguero 81')
Holland: Cillessen, Vlaar, De Vrij, Martins Indi (Janmaat 46'), Kuyt, Blind, De Jong (Clasie 62'), Wijnaldum, Sneijder, Robben, Van Persie (Huntelaar 95')

Bảo Phương

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

Argentina 1-1 Brazil (Kết thúc): Neymar tắt lịm, kinh điển Nam Mỹ bất phân thắng bại

(Xsbandinh.com) - Cập nhật liên tục diễn biến tường thuật trực tiếp tình huống video clip kết quả kèm link xem bóng đá trực tuyến chất lượng cao trận đấu Siêu kinh điển Nam Mỹ Superclasico Argentina vs Brazil thuộc vòng loại World Cup 2018 khu vực Nam Mỹ.

Xem thêm
top-arrow
X