Cách đây đúng 10 năm, người Anh đã cho “trình làng” một thần đồng bóng đá mới sau Michael Owen. Anh là Wayne Rooney, người đã có trận ra mắt ĐT Anh trong trận gặp Thổ Nhĩ Kỳ tại vòng loại EURO 2004 khi mới 17 tuổi.
Dù không ghi bàn ở trận đấu đó (những người lập công là Darius Vassell và David Beckham, giúp Anh thắng 2-0), nhưng màn ra mắt của Rooney đã hứa hẹn một tươi lai tươi sáng cho cả bản thân tiền đạo này lẫn “Tam Sư”. HLV của ĐT Anh khi đó là Sven Goran Eriksson đã phải thốt lên rằng: “Tôi không thể tìm ra một lý do nào để tôi để một cầu thủ như Rooney ngồi ngoài”.
Kể từ đó, HLV nào của ĐT Anh cũng làm như Eriksson. Chỉ có chấn thương, treo giò hay sự thỏa hiệp với Sir Alex Ferguson ở M.U mới khiến Rooney phải ngồi ngoài mỗi khi “Tam Sư” thi đấu. Nhưng như một định mệnh nào đó, chưa bao giờ Rooney đáp ứng được sự kỳ vọng của người hâm mộ bóng đá Anh, kể từ màn ra mắt hoàn hảo ở một giải đấu lớn tại EURO 2004.
Chiếc thẻ đỏ lãng xẹt tại World Cup 2006
Chân sút đã đá cặp với Rooney ở trận anh ra mắt ĐT Anh với Thổ Nhĩ Kỳ là Michael Owen, người mới tuyên bố sẽ giải nghệ vào cuối mùa bóng này. Trong sự nghiệp khoác áo tuyển Anh, Owen đã ghi tròn 40 bàn thắng, trong đó có những pha lập công đáng nhớ như “siêu phẩm” vào lưới Argentina tại World Cup 1998, một hat-trick vào lưới ĐT Đức ngay trên sân đối phương tại vòng loại World Cup 2002, hay bàn mở tỷ số vào lưới Brazil tại Tứ kết World Cup 2002.
Còn đâu là điểm sáng của Rooney, cầu thủ trẻ nhất từng ghi bàn cho ĐT Anh? Một cú đúp vào lưới Bulgaria hay một bàn thắng vào lưới Nga chẳng thể nói lên điều gì. Đúng là cú đánh đầu cận thành tung lưới Ukraina tại vòng bảng EURO 2012 của Rooney đã giúp ĐT Anh giành vé đi tiếp nhưng nên nhớ rằng đó mới là bàn thắng đầu tiên của anh ở một giải đấu lớn sau 8 năm. Ở chiều ngược lại, người ta nhớ tới những chiếc thẻ đỏ ngớ ngẩn của Rooney hơn là các bàn thắng của anh. Tại Tứ kết World Cup 2006, pha dẫm chân lên người Carvalho của BĐN khiến Rooney bị đuổi và kết cục là ĐT Anh thất bại trên chấm 11m. Gần đây nhất, lại là một pha đá người khác trong trận đấu tại vòng loại EURO 2012 với Montenegro và hệ quả là Rooney bị treo giò 2 trận, khiến ĐT Anh khốn đốn.
Nhưng chỉ 2 năm sau đó là chiếc thẻ đỏ lãng xẹt tại World Cup 2006. Nhưng không vì thế mà đánh giá thấp những cống hiến của Rooney cho “Tam Sư” trong 10 năm qua. So với Owen, Rooney ghi ít hơn 7 bàn trong khi đá ít hơn 10 trận. Tuy vậy, đóng góp của tiền đạo này không thể đơn giản là đo đếm bằng những bàn thắng. Rooney có thể đá ở bất cứ vị trí nào mà HLV yêu cầu: trung phong cắm, tiền đạo lùi, đá cánh hoặc tiền vệ trung tâm. Và ở vị trí nào, anh cũng đá tròn vai trở lên. Chắc chắn, không một HLV nào lại không muốn sở hữu một cầu thủ toàn năng như Wazza.
Cú "phốt" gần đây nhất của Rooney trong màu áo ĐT Anh khi tiền đạo này đá nguội đối phương tại vòng loại EURO 2012. Fabio Capello có lẽ là HLV biết cách khai thác tối đa tài năng của Rooney nhất. Trong số 24 bàn thắng ở các giải đấu chính thức mà ĐT Anh ghi được dưới thời Capello, chân sút của M.U đã đóng góp tới một nửa. Và 9 trong số đó đến từ 9 trận tại vòng loại World Cup 2010 khi Rooney được xếp đá cặp bên cạnh Emile Heskey. Chính vì vậy, cũng có thể nói rằng Rooney chưa phát huy được hết khả năng một phần bởi chiến thuật mà HLV áp dụng.
Ở tuổi 27, Rooney vẫn còn thời gian để để lại dấu ấn trong màu áo ĐT Anh, đặc biệt là ở các giải đấu lớn, mà trước mắt là World Cup 2014. Với Rooney, ĐT Anh không chỉ cần các bàn thắng của anh, mà còn là tinh thần chiến đấu máu lửa và sự hy sinh, những thứ mà Wazza có thừa.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)