Từ Nam Cực tới Bắc Triều Tiên
Từ Seoul tới Sydney, Bắc Kinh tới Bangkok, nơi đâu người ta cũng thấy sự chuẩn bị chào đón sự kiện giải bóng đá World Cup diễn ra tại đất Nam Phi cách đó hàng ngàn km. Những chuẩn bị này báo trước về một tháng trời sống trong bầu không khí bóng đá của người hâm mộ châu Á, với không ít người sẽ bắt đầu một ngày mới cùng đôi mắt thâm quầng và dáng vẻ uể oải mệt mỏi, sau nhiều đêm thức muộn.
"Chúng tôi tin rằng khu sảnh chính của khách sạn sẽ luôn chật cứng mỗi đêm" - Matthew Rashid, giám đốc khách sạn Equatorial ở Kuala Lumpur tâm sự.
Nhiều quán bar và hộp đêm ở thủ đô Malaysia đã hút khách bằng cách trưng ra những tấm poster nhiều màu sắc. Trong khi đó, hàng ngàn người hâm mộ Australia được cho là sẽ tụ hội ở cảng Sydney hoặc kéo nhau tới chật các quán rượu trên khắp đất nước để theo dõi các trận đấu.
World Cup hiện diện ở khắp mọi nơi trên thế giới |
Tuy nhiên không phải người Australia nào cũng được ngồi rung đùi uống bia và xem bóng... "kiểu Úc". Khoảng một chục người mê bóng đá ở xứ sở kangaroo sẽ phải nghe tường thuật các trận đấu qua sóng phát thanh trên internet, tại trạm nghiên cứu Casey đóng ở Nam Cực. Những con người này, phần lớn là thành viên đội bảo trì đang giúp trạm Casey chống chọi với mùa đông khắc nghiệt ở Nam Cực. Nơi gần nhất có người ở cũng cách họ tới cả ngàn km. "Vài người trong nhóm chúng tôi còn mặc cả áo len mang biểu tượng đội tuyển quốc gia. Ở đây chúng tôi khuyến khích mọi người cùng mặc chiếc áo này với hy vọng đội nhà lọt vào chung kết World Cup" - kỹ thuật viên điện lực Mark Baker tâm sự với hãng tin AFP qua điện thoại.
Tại Hàn Quốc, nơi đội tuyển quốc gia sẽ đối mặt với Hy Lạp trong ngày hôm nay (12/6), hàng loạt màn hình khổng lồ đã được dựng lên tại nhiều địa điểm công cộng, sân vận động và những nơi khác trong nước để người dân có thể theo dõi hoạt động thi đấu của các cầu thủ yêu quý. Trong khi đó ở phía bắc bán đảo Triều Tiên, người hâm mộ CHDCND Triều Tiên cũng sẽ hồi hộp dõi theo bước tiến của đội nhà, những người lần đầu đặt chân vào chung kết sau 44 năm. Tuy nhiên họ có khả năng sẽ không được chứng kiến giải đấu qua truyền hình, do chính quyền Seoul từ chối việc phát sóng miễn phí các trận đấu của đội tuyển Triều Tiên cho quốc gia láng giềng, theo sau những căng thẳng song phương liên quan tới vụ chìm tàu chiến Cheonan hồi tháng 3.
Tại Tokyo, mối quan tâm dành cho World Cup đã tăng lên rất cao kể từ khi Nhật Bản đồng tổ chức World Cup cùng với Hàn Quốc hồi năm 2002. Không ít lao động cổ cồn trắng đã rục rịch tính chuyện tạm nghỉ khỏi các hoạt động kiếm tiền bận bịu để có thời gian vui vẻ cùng bạn bè. Họ còn tổ chức một cuộc thi hét to để "khởi động" cho World Cup. Theo đó người chiến thắng là một nam giới, đã hét to từ "vào rồi" trong 32 giây. Với những người chỉ quan tâm tới diễn biến các trận đấu, hãng Sony sẽ giúp thỏa mãn nguyện vọng của họ bằng việc lắp hàng loạt màn hình 3 D tại 500 địa điểm khác nhau trên đất Nhật.
Đến các điểm nóng xung đột
Các quán bar ở Bangkok, dù vẫn còn điêu đứng sau những vụ biểu tình của phe "áo đỏ", hy vọng World Cup sẽ là dịp tốt để thu hút khách hàng trở lại, bất chấp lệnh tình trạng khẩn cấp cấm việc tụ tập đông hơn 5 người tại nơi công cộng.
Nhằm trấn an người hâm mộ, nhà chức trách tuyên bố họ sẽ không bắt những ai tụ tập để xem bóng, kể cả việc họ mặc trang phục của lực lượng biểu tình "áo đỏ". "Hoàn toàn không có vấn đề gì khi mặc áo đỏ và cổ vũ bóng đá chừng nào người ta không rờ tới cây súng" - một phát ngôn viên quân đội Thái Lan nói.
Mặc dù vậy, an ninh đã được tăng cao tại một nhà tù ở Bangkok, khi các tù nhân từ khắp nơi trên thế giới tụ hội về đây để tham dự một giải World Cup của riêng họ.
Trong khi đó, đội quân quốc tế đóng ở Afghanistan cũng sẽ bu quanh mọi chiếc tivi mà họ kiếm được. Christoph Schmidt, một hạ sĩ Mỹ 31 tuổi sinh ra tại Đức và đang đồn trú ở Kandahar, tuyên bố anh sẽ ủng hộ hết mình cho bóng đá và đội tuyển Đức. "Hiển nhiên tôi phải ủng hộ đội Đức" - anh nói.
Nhiều “ông chủ” lo bị thiệt hại
Lẽ dĩ nhiên trong khi nhiều doanh nhân vui sướng vì cơn sốt World Cup, vẫn có một bộ phận lo lắng sẽ bị thiệt hại trong một tháng trời diễn ra ngày hội bóng đá. Theo công ty nguồn nhân lực Randstad của New Zealand, một số lao động có thể xin nghỉ phép hoặc tới nơi làm trong tình trạng mệt mỏi hơn do thường xuyên thức đêm xem bóng.
Nhằm ngăn chặn tình trạng World Cup gây ra tác động tiêu cực, chính quyền thủ đô Jakarta của Indonesia đã dọa sẽ cắt lương những viên chức nhà nước nào đi làm không đúng giờ. "Hãy tưởng tượng nếu một người yêu bóng đá tới công sở muộn mỗi ngày, chúng tôi sẽ mất đi bao nhiêu tiền" - một phát ngôn viên chính quyền Jakarta tuyên bố -"Sẽ không có bất kỳ ngoại lệ nào. Mọi người đều mê bóng đá và họ được tự do thức tới tận bình minh. Nhưng họ sẽ không có lựa chọn nào ngoài việc phải đi làm như thường lệ".
(Theo Thể Thao Văn Hoá)