Cuộc nổi loạn khó chấp nhận trên sân tập của các cầu thủ Pháp đã là câu trả lời cho tất cả. Vẫn là họ đấy, vẫn là ngôi sao kiêu hãnh trên ngực áo đấy. Vẫn một màu lam quen thuộc đấy. Và vẫn là những con người được xem là ở đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nhưng cái đội Pháp ấy đã sụp đổ từ tận nền móng rồi. Một chút lửa đã được thắp lên ở Bloemfontein, khi Malouda ghi bàn thắng danh dự cho nước Pháp ở sân chơi thế giới. Nhưng đâu có gì đáng ngạc nhiên. Hệt như một ngọn đèn sắp tắt vẫn còn bị ám ảnh bởi ánh hào quang xưa cũ, Les Bleus đã đá với tất cả những gì còn lại. Để thắng ư? Không. Làm thế chỉ để họ hy vọng đòi lại 1 chút thôi, sự cân bằng trong niềm tuyệt vọng.
8 năm trước, Pháp rời World Cup mà không ghi nổi 1 bàn nào. Còn bây giờ, 1 bàn thắng lại chẳng khác nào một dấu ấn, một nhát chém an ủi vào những trái tim đã chết.
Adieu, Raymond… Tất cả những gì ông làm đã trở thành lịch sử. Nhưng đó là một lịch sử trong ảo tưởng, trong dằn vặt, và để lại âu lo. Domenech không phải là phù thủy, nhưng ông lại luôn bị lạc trong cái thế giới của Harry Potter. Thế giới của những phép màu kỳ lạ mà chỉ ông mới hiểu, của sự bảo thủ khủng khiếp trong vương quốc đặc quyền. Khi mọi thứ kết thúc, có lẽ người đàn ông bóng bẩy ấy mới hiểu: Chiến thắng không thể tới chỉ với 1 cây đũa thần trong cổ tích. Vinh quang chỉ dành cho những chiến binh biết đổ mồ hôi và sức lực. Biết đau, khi danh dự bị dày xéo. Biết đứng lên, sau khi ngã. Và biết hạ mình, khi SAI.
Người Pháp dễ tha thứ lắm. Nhưng họ cũng không yếu đuối đến mức lúc nào cũng tạo nên một Napoléon Bonaparte để mà tôn thờ. Nước Pháp đang đau đớn. Nhưng sẽ không có đâu, những giọt nước mắt tiếc thương. Nếu như thất bại ở Nam Phi có cái gì đó còn hơn cả sự phản bội, thì tại sao người ta lại phải dành cho nó một sự vỗ về…?
Khi hàng ngàn người Pháp bất kể màu da cùng nắm tay trên đại lộ Champs-Élysées năm 1998, bóng đá Pháp đã thắng. Khi hàng trăm đứa trẻ ở Marseille rơi lệ vì tuyên bố giã từ sự nghiệp của Zizou, người Pháp đã cảm thấy thật tự hào. Khi Trezegol đá hỏng quả 11m giúp Italia giành Cúp Vàng năm 2006, người ta nói đó là số phận. Còn bây giờ, 12 năm sau thế hệ huy hoàng mà “thánh Aimé” tạo ra, tất cả chỉ còn lại một dấu chấm hết trong im lặng.
Nếu như nước Pháp sẽ còn sản sinh ra những Platini hay Zidane, thì hãy tin, vẫn còn nhiều lắm những Domenech. Và nếu như chiến lược “gia đình trị” còn tiếp diễn với bóng đá Pháp, thì rất có thể bi kịch chưa dừng lại đâu.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)