(Xsbandinh.com) – Ban tổ chức V-League 2015 đã quyết định thuê trọng tài ngoại để tránh khỏi những vụ lùm xùm trong thời gian gần đây. Nhưng phương án mang tính “chữa cháy” này lại tái hiện lại sai lầm “nhổ cỏ trên ngọn” mà bóng đá Việt Nam vẫn thường mắc phải trong những năm lên chuyên nghiệp.
Thuê trọng tài ngoại liệu có ổn?
Người ta vẫn thường nói “nhổ cỏ, nhổ tận gốc”. Ý nghĩa của câu tục ngữ này quá đỗi đơn giản mà ai cũng có thể hiểu và diễn giải được nhưng không phải ai cũng thực hành được, ngay ở đối với những nhà quản lý bóng đá cấp cao. Sau hơn 15 năm giải bóng đá vô địch quốc gia V-League đi lên chuyên nghiệp, chúng ta đã thấy quá nhiều vấn đề không được giải quyết triệt để. Bóng đá Việt Nam không có những đối lối, hoạch định hợp lý về lâu về dài mà chúng ta thường chọn cách giải quyết đơn giản. Biến dài thành ngắn, biến phức tạp thành giản đơn.
Ngay từ khi giải bóng đá Nhật Bản (J-League) đi lên chuyên nghiệp (khoảng đầu những thập niên 90 của thế kỷ trước), họ đã đặt ra một chiến lược dài hạn lên tới… 100 năm. Tất nhiên họ không chỉ nói vậy cho vui. Trong thời gian của một thế kỷ ấy, họ đặt ra những mục tiêu mang tính hiện thực cao và chia làm những giai đoạn hết sức rạch ròi và chi tiết. Người ta nói người Nhật tỉ mỉ và cần mẫn cũng vì vậy. Đó là chưa kể vào thời điểm bóng đá Nhật bắt đầu lột xác và xây lại nhà từ móng vào những năm 70,80 của thế kỉ trước, người dân Nhật mới chỉ biết đến sumo và bóng chày. Còn bóng đá khi ấy đối với người hâm mộ thể thao Nhật có lẽ cũng chẳng khác gì môn bóng rổ đối với người Việt hiện nay, tức là gần như chẳng ai quan tâm.
Chính vì thế mà biện pháp được đặt lên ưu tiền hàng đầu đối với các nhà quản lý bóng đá là thay đổi tư duy, nhận thức và thị hiếu của người dân Nhật Bản về môn thể thao thịnh hành nhất thế giới này. Có thể lý ví dụ như việc họ tận dụng một thế mạnh của họ là manga (truyện tranh) bằng cách khuyến khích các họa sĩ nổi tiếng viết về bóng đá. Đi tiên phong trong số này chính là bộ truyện mà từng rất được hâm mộ ở chính đất nước chúng ta, Tsubasa. Cho đến thời điểm hiện tại, có lẽ môn bóng đá đã giành được một vị thế tương đối cạnh tranh so với hai môn thể thao huyền thoại của nước này là bóng chày và sumo.
Nếu như nói so sánh Nhật Bản với Việt Nam thì quá chênh lệch về nguồn lực kinh tế thì ta có thể lấy ngay trường hợp của nước bạn Thái Lan. Giải ngoại hạng của Thái (TPL) đi lên chuyên nghiệp sau V-League tới mấy năm, nhưng cho đến hiện tại thì họ đã hơn ta về mọi mặt. Xin nhắc lại chữ mọi mặt, từ chất lượng giải đấu, CLB, cầu thủ, lượng CĐV đến sân và theo dõi qua truyền hình đến chất lượng cơ sở vật chất, sân bãi, chất lượng quay phim đến các chương trình bình luận,… Có thể nói xem một trận đấu tại TPL mang lại cảm giác như xem giải ngoại hạng Anh. Trong khi đó, người hâm mộ lẫn ban tổ chức giải đều vẫn đang tranh cãi nhau xem liệu bóng đã chạm tay Đình Tùng hay chưa (trận Thanh Hóa thắng HAGL 2-1 ở vòng 15) mà không có một góc quay nào thực sự rõ ràng, cho dù trận đấu được phát trên sóng truyền hình quốc gia với tiêu chuẩn HD?
Việt Nam vẫn cần học hỏi nhiều hơn nữa từ Nhật Bản |
Quay lại với câu chuyện “nhổ cỏ”. Hãy cùng điểm lại một vài lần mà những nhà quản lý bóng đá chỉ “nhổ cho xong”. Có thể bắt đầu với trào lưu nhập tịch cầu thủ ngoại rồi cho họ lên đội tuyển quốc gia thi đấu. Thực ra đây cũng chỉ là một ván bài ăn theo các nước bạn là Singapore và Philippines. Bắt đầu từ bộ đôi của Ninh Bình là thủ thành Đinh Hoàng La và tiền đạo Đinh Hoàng Max cho đến Huỳnh Kesley và Phan Văn Santos của ĐTLA. Tuy nhiên chính vì cú phốt của thủ thành cao tới hơn 2m mà kể từ đó các chuyên gia bóng đá Việt Nam “cạch” mặt luôn cầu thủ nhập tịch trên tuyển. Thêm vào đó, việc cho cầu thủ nhập tịch đá cho đội tuyển không hẳn được dư luận đồng tình, đặc biệt là ở một đất nước giàu tính dân tộc như Việt Nam. Cả Singapore đều đã đạt được những thành tích nhất định, nhưng đội bóng hàng đầu Đông Nam Á là Thái Lan vẫn chưa bao giờ cho phép cầu thủ nhập tịch đá cho ĐTQG.
Việc VPF và ban tổ chức quyết định cho phép trọng tài ngoại có mặt ở V-League 2015 điều hành trận đấu ở giai đoạn tới cũng phần nào giống như cái cách họ thuê một trưởng giải người Nhật, ông Koji Tanaka, một người không hiểu rõ bản chất của bóng đá Việt Nam. Để rồi ông này nhanh chóng phải rời bỏ cương vị chỉ trong chưa đầy một năm. Câu hỏi được đặt ra là, tại sao lại thuê trưởng giải ngoại, thuê trọng tài ngoại mà không cho các quan chức VFF, các trọng tài đi tập huấn ngắn hạn ở nước ngoài, ở đây chính là Nhật Bản, đối tác chiến lược của bóng đá Việt Nam. Với sự giúp đỡ của đất nước xứ sở mặt trời mọc, các trọng tài, nhà điều hành bóng đá Việt Nam sẽ tiếp thu được những kinh nghiệm quý báu để áp dụng vào bóng đá Việt Nam. Một số nước Châu Á như Jordan, Tajikistan hay Singapore cũng đã thòng những điều khoản như vậy vào hợp đồng hợp tác với Nhật Bản, trong khi Việt Nam thì chưa thấy đâu.
Dẫu sao thì bóng đá Việt Nam thời gian qua cũng đã có một số bước chuyển biến nhỏ về mặt nhận thức của các nhà quản lý. Bóng đá trẻ đã được quan tâm hơn, cho dù muộn nhưng vẫn còn hơn không. Đây vẫn chưa phải biện pháp triệt để bởi họ chưa phối hợp được với các nhà quản lý giáo dục đưa bóng đá vào học đường. Bóng đá Việt Nam vẫn biết đến biệt danh lò xay HLV nhưng cho đến giờ chiếc ghế của HLV Miura vẫn được đảm bảo mặc dù ông trải qua hai giải đấu quan trọng nhất Đông Nam Á là AFF Cup 2014 và SEA Games 2015 mà chỉ giành được vị trí thứ ba. Một sự ổn định về HLV trưởng đội tuyển quốc gia cũng là điều rất cần thiết. Lại nói về chuyện trọng tài ngoại, người ta chỉ kỳ vọng cách làm “ăn xổi” này sẽ không tạo ra sự cố nào với những vị vua áo đen ngoại quốc ấy bởi ai cũng lo ngại một môi trường bóng đá đầy rẫy tiêu cực như Việt Nam sẽ khiến họ sớm.. biến chất.
Hàn Phi