Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Tranh cãi xung quanh công văn “lạ” 1060/LĐBĐVN: Lợi bất cập hại

Thứ Sáu 21/12/2012 23:36(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Trong ngày hôm qua, nhiều tờ báo mạng thông tin về công văn “lạ” 1060/LĐBĐVN được truyền đi, với việc điều chỉnh lại thời gian chuyển nhượng đầu mùa là từ 25/10/2012 đến 16/1/2013, mặc dù mùa giải 2013 phải tới tháng 3 mới khai cuộc.

Người trong cuộc chưa lên tiếng, nhưng đã xuất hiện rất nhiều tranh cãi liên quan đến công văn nói trên. 2 trong số những điểm mấu chốt là quyền lợi của đội bóng và cầu thủ dường như bị lãng quên.

Lợi thì có lợi…

Khi VPF và VFF thống nhất thảo công văn 1060/LĐBĐVN, người ta hiểu rằng, VFF và VPF muốn các đội bóng sớm được kiện toàn, đi vào ổn định, như một sự cam kết cho mùa giải 2013 được báo hiệu là nhiều chông gai. Trong bối cảnh lịch sử như hiện tại của nền bóng đá, phải đưa ra được quyết sách mới có hy vọng.

Việc phải chốt danh sách đăng ký sớm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các CLB
Việc phải chốt danh sách đăng ký sớm sẽ gây rất nhiều khó khăn cho các CLB

Rất dễ hiểu, bởi sau bao biến cố đã và đang xảy ra, với cụ thể là hàng loạt các ông bầu rủ nhau bỏ cuộc chơi, khiến cả VFF và VPF phải lao đao suốt thời gian dài, nên họ cần phải phòng hờ và chặn đứng vết dầu loang. Theo đó, các CLB Việt Nam sau khi đã ký hợp đồng với cầu thủ, sẽ toàn tâm toàn ý chuẩn bị bước vào mùa bóng mới và cầu thủ cũng phần nào an tâm. Và đó là lúc VPF, cũng như VFF, sẽ không phải vận động năn nỉ đội bóng đừng bỏ cuộc nữa.

Cái lợi trước mắt, rất dễ nhận thấy, từ sự ổn định cấp CLB sẽ giúp giải đấu ổn định và xa hơn nữa là tạo nền móng vững chắc cho nền bóng đá. Tức là về mặt tiêu chí, công văn 1060/LĐBĐVN không sai và ngoài ra, nó ít nhiều còn bảo vệ quyền lợi cho CLB, ví như không mất nhiều thời gian thử việc cầu thủ dẫn đến hao tiền tốn của, nhưng quan trọng nhất vẫn là quyền lợi của nhà điều hành, đơn vị tổ chức giải. Cơ quan quản lý rõ là phải nắm đằng chuôi.

Sau rất nhiều cuộc bể dâu, V-League và hạng Nhất có nguy cơ tịnh tiến lùi, với kèm theo cả thất bại của ĐT Việt Nam tại AFF Cup 2012, VFF và VPF đã mất điểm rất nhiều trong mắt một bộ phận không nhỏ dư luận. Bản thân bóng đá không có lỗi, nhưng niềm tin vào những nhà điều hành bóng đá Việt Nam lúc này là thứ xa xỉ. Thế nên mới cần phải hành động ngay?!

Nhưng răng chẳng còn

Trong định nghĩa về khoa học và hoạt động sáng tạo có ghi, mọi sáng tạo luôn cần được sự ủng hộ của xã hội. Với các hoạt động bóng đá Việt Nam, VFF và sau này là VPF đã sáng tạo đến mức tối đa, ví như mới đây nhất là cái công văn 1060/LĐBĐVN vừa được ký. Tiêu chí để thảo và thông qua công văn không sai, nhưng vẫn có cảm giác bắt bí các CLB. VFF và VPF liệu đã thông qua hay ít nhất cũng hỏi ý kiến các đội bóng chưa?

VPF ra đời với nhiệm vụ tổ chức và thúc đẩy sự phát triển của các giải đấu chuyên nghiệp và xa hơn là sự phát triển của cả nền bóng đá về lâu về dài. VPF hoạt động dưới mô hình Cty Cổ phần, và những người đứng đầu luôn khẳng định, mọi CLB tham gia đóng lệ phí đều là cổ đông và quyền lợi được bảo vệ. “Chúng tôi tạo ra cuộc chơi công bằng và quyền lợi giữa các CLB cũng rất công bằng”, người trong cuộc đã nói thế.

Nhưng trên thực tế, việc các ông bầu (chỉ những người đứng đầu VPF) “vừa đá bóng vừa thổi còi” từng khiến dư luận dậy sóng. “Lợi ích nhóm” cũng manh nha xuất hiện. Giờ với sự ra đời của công văn “lạ” nói trên, chắc chắn số phận của mấy trăm cầu thủ và HLV đang thất nghiệp sẽ còn có thể bi đát hơn cả hiện tại.

Thay vì “mềm nắn rắn buông”, phải chăng người muốn gia tăng thêm áp lực cho một bộ phận lao động chính trong địa hạt bóng đá vốn đã và đang phải đối mặt với rất nhiều sức ép?! Cần nhớ rằng, việc để xảy ra tình trạng thất nghiệp hàng loạt của cầu thủ như bây giờ, lỗi không nhỏ thuộc về VPF và VFF.

(Theo Thể Thao Văn Hoá)

Khám phá thêm nội dung hấp dẫn trong các chủ đề liên quan:

Có thể bạn quan tâm

Video

Xem thêm
top-arrow
X