TP Hồ Chí Minh 2-2 Hà Nội: Đủ sức xứng tầm kinh điển?
Chủ Nhật 28/07/2019 13:13(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Xét về mặt tầm vóc, liệu trận đại chiến giữa TP Hồ Chí Minh vs Hà Nội đã đủ tiêu chuẩn để được xếp vào hàng “kinh điển”?
Thế nào là “kinh điển”?
Trên thế giới, những trận “kinh điển” thường được định danh theo nhiều tiêu chí: Lịch sử đối đầu dài lâu, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đua vô địch, thu hút được sự chú ý của NHM,…
|
Trận cầu giữa TP Hồ Chí Minh vs Hà Nội tại vòng 18 V-League 2019 được gắn mác "kinh điển". |
“Bầu không khí nóng bỏng” là điều thường được nhắc tới của mỗi trận kinh điển. Thông thường, các trận kinh điển sẽ được làm nóng từ vài ngày tới một tuần, dư âm sau trận đấu cũng kéo dài khoảng ngần ấy. Các huấn luyện viên, cầu thủ hai đội sẽ bắt đầu bằng việc công khai gửi chiến thư đến đối thủ cùng những màn đáp trả, khẩu chiến đầy thú vị qua truyền thông.
Mặt khác, mọi góc cạnh liên quan đến trận đấu sẽ được khai thác triệt để, không chỉ từ giới truyền thông mà người hâm mộ. Trên các diễn đàn, NHM hai đội có thể “thách đố” nhau để tạo nên sự khó chịu cho CĐV đối phương thông qua những chiêu trò cổ vũ trên sân.
Còn giới truyền thông sẽ tham khảo thêm ý kiến của những chuyên gia, những cựu cầu thủ, huấn luyện viên, những câu chuyện bên lề. Ví dụ như trận El Clasico ở Tây Ban Nha thời Jose Mourinho còn tại vị, trận đấu không chỉ gói gọn trong 90 phút mà kéo dài khoảng nửa tháng với những màn làm nóng và dư âm.
TP Hồ Chí Minh vs Hà Nội chưa là kinh điển?
Xét về nhiều yếu tố, màn đối đầu giữa hai đội trên sân Thống Nhất vào thứ Sáu vừa qua chưa thể gọi là “kinh điển”. Trận cầu ấy vẫn còn thiếu một chút ma sát giữa hai nhóm CĐV bằng những màn cổ động trên sân, cũng như yếu tố đối đầu truyền thống, thiếu cả những màn khẩu chiến.
|
HLV Chung Hae Song muốn cuộc đối đầu giữa TP Hồ Chí Minh vs Hà Nội trở thành kinh điển của bóng đá Việt Nam. |
HLV Chung Hae Song bắn phát súng đầu tiên khi tuyên bố muốn biến trận đấu này thành “kinh điển”. Trong bối cảnh hai đội đầu bảng chạm trán nhau, động thái này của vị chiến lược gia người Hàn Quốc hoàn toàn thích hợp, bởi diễn ra theo đúng quy trình vốn có của một trận kinh điển.
Với tính cách vốn “dĩ hoà vi quý”, hiếm khi bóng đá Việt có những màn khẩu chiến trên giới truyền thông trước trận đấu như bóng đá phương Tây. Tiêu biểu như phía CLB Hà Nội sau lời tuyên bố của HLV Chung Hae Song không đưa ra phản ứng mạnh mẽ nào, cũng không có phát ngôn thú vị nào để tiếp tục làm nóng thêm.
Trên thực tế, những màn khẩu chiến không phải “tự cao” hay vô tác dụng, đó cũng là một thủ thuật truyền thông để NHM nhớ đến trận đấu. Khi những phát ngôn công kích lẫn nhau dày đặc trên mặt báo, tự nhiên NHM sẽ được nhắc về sự kiện, cũng như gợi sự tò mò về trận đấu để dẫn tới hành động là mua vé đến sân.
Bóng đá Việt hiện cũng ít những cặp đấu kình địch từ chuyên môn dưới sân lên trên khán đài. Hiếm hoi lắm mới có cặp Hà Nội vs Hải Phòng hay gần đây là Hà Nội vs HAGL, nghĩa là không chỉ căng về chuyên môn mà còn gây chú ý bởi những màn cổ vũ kiểu “chọc tức” của các CĐV hai đội.
|
Trong cuộc gặp gỡ với HAGL, các CĐV Hà Nội FC kéo băng rôn có dòng chữ King of V-League. |
Tiêu biểu là cơn mưa pháo sáng trên sân Hàng Đẫy mỗi khi Hà Nội chạm trán Hải Phòng, hay màn chọc tức “hai trăm nghìn đô” mà CĐV đội bóng Thủ đô hô vang trên sân Lạch Tray. Gần nhất là việc CĐV Hà Nội dựng tifo “King of V-League” (vua của V-League) khi chạm trán HAGL, như một cách để khẳng định với nhóm CĐV đối phương cách đó vài chục mét.
Nhưng đó là chuyện về chuyên môn, còn trên sân bóng, Hải Phòng hay HAGL chưa phải đối trọng của Hà Nội trong cuộc đua vô địch. Thế nên cặp đấu này vẫn còn thiếu đôi chút về tầm ảnh hưởng đến cuộc đua VĐQG để trở thành kinh điển.
Dù chưa thực sự là kinh điển nhưng với phát súng mở màn, NHM bóng đá quốc nội có quyền kỳ vọng cặp đấu này sẽ thực sự xứng với chữ kinh điển. Miễn là năm sau và năm sau nữa, TP Hồ Chí Minh vẫn còn đủ “nhiệt” để đua vô địch với Hà Nội…