Hôm qua, trao đổi với báo chí về vấn đề bản quyền truyền hình V-League, ông Phạm Phú Hoà, Phó TGĐ VPF, xác nhận cho đến thời điểm hiện tại VPF vẫn chưa nhận được đầy đủ số tiền 50 tỷ đồng từ việc bán bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp cho Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng/năm.
Ông Hoà không tiết lộ cụ thể còn những doanh nghiệp nào chưa chuyển tiền cho VPF mà chỉ nói rằng sở dĩ vì thủ tục chưa hoàn tất nên VPF chưa nhận được đầy đủ tiền từ các nhà tài trợ chứ không phải xảy ra khúc mắc hay sự cố nào.
Bất chấp những hình ảnh phản cảm thế này trên sân, V-League 2012 vẫn có giá bản quyền truyền hình lên tới 50 tỷ đồng
Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam với 10 doanh nghiệp bao gồm ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (Đạm Phú Mỹ), Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ngân hàng kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), ngân hàng Á Châu (ACB), ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VP Bank) và ngân hàng Bản Việt được thành lập chủ yếu theo sáng kiến của bầu Kiên, và giờ đây khi ông bầu tóc bạc này đang phải ngồi trong trại giam thì nhiều người lo ngại rằng VPF sẽ khó lòng nhận được đầy đủ số tiền 50 tỷ đồng từ Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam như bầu Kiên từng hứa hẹn.
Sau khi VPF được AVG bàn giao lại hợp đồng bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp Việt Nam thì ngay lập tức người ta đã nhận thấy sự xuất hiện dày đặc của các doanh nghiệp thuộc Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam trong các chương trình quảng cáo giữa trận đấu ở V-League 2012, nhưng điều này không có nghĩa là V-League thực sự có giá tới mức thu hút được sự chú ý của những doanh nghiệp có lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng/năm.
Hiện tại, khi bóng đá Việt Nam đang lâm vào một cuộc khủng hoảng cực kỳ nghiêm trọng, trong đó đã có 3 đội chuyên nghiệp rút lui không kèn không trống khiến VPF và VFF phải đôn đội đứng thứ 3 giải hạng Nhất 2013 là Đồng Nai lên thi đấu cho đủ 12 đội, còn giải hạng Nhất chỉ còn 8 đội, thì khả năng các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam bán được bản quyền truyền hình với giá hàng chục tỷ đồng có lẽ chỉ là chuyện trong mơ.
Tuy nhiên, ông Phạm Phú Hoà, Phó TGĐ VPF, vẫn tỏ ra rất tự tin khi tuyên bố: “Theo đúng như kế hoạch, năm nay VPF sẽ tăng số tiền bản quyền truyền hình từ 50 tỷ đồng lên 75 tỷ đồng, nhưng do số đội và số trận đấu ở mùa giải 2013 bị cắt giảm đi đáng kể mọi thứ đã phải thay đổi. Vừa qua, HĐQT VPF sau khi bàn bạc đã thống nhất, không tăng tiền bản quyền truyền hình như dự kiến nữa, cụ thể chúng tôi vẫn đưa ra con số 50 tỷ đồng như mùa giải 2012”.
Cũng theo ông Hoà, VPF sẽ tiếp tục bán bản quyền truyền hình các giải chuyên nghiệp Việt Nam theo cách của mùa giải 2013, tức là thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm 10 doanh nghiệp. Thế nhưng, ông Hoà cũng phải thừa nhận rằng thành phần của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam có thể sẽ có sự thay đổi do ảnh hưởng từ sự khó khăn của nền kinh tế.
Vì thế, ông Hoà cho biết VPF sẽ tiến hành rà soát để tìm hiểu xem có ai trong số 10 doanh nghiệp của Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam hiện tại có ý định rút lui, và nếu có doanh nghiệp nào thực sự muốn không tiếp tục tham dự Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam nữa thì VPF sẽ mời đối tác khác tham gia.
Ông Hoà khẳng định rằng dù nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng nếu mỗi doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam tiếp tục đóng góp 5 tỷ đồng như mùa giải 2012 (xét về lý thuyết) thì vấn đề bản quyền truyền hình của bóng đá Việt Nam không có gì đáng lo ngại.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)