Tại sao mọi người lại cười khi tôi nói rằng mình đi xem V-League?
Thứ Ba 18/10/2016 19:34(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên (Bongda24h) - Người nước ngoài nghĩ sao về bóng đá Việt Nam? Trên tờ Guardian, tác giả Thomas Barrett đưa ra góc nhìn khá thú vị khi chia sẻ suy nghĩ về V-League cũng như đưa ra đánh giá rất khách quan về những tiêu cực đang tồn tại.
Khi tôi nói rằng mình sẽ tới sân để xem trận đấu của Hà Nội T&T, một gã bạn của tôi bỗng phì cười. Người sửa xe đạp tỏ ý ngạc nhiên rồi lầm bầm điều gì đó mà tôi không hiểu, nhưng dường như mang nghĩa chế nhạo. Còn cậu bồi bàn khi biết được ý định đó chẳng nói gì, cũng chỉ cười mà thôi.
|
Những nghi án tiêu cực đang làm xói mòn lòng tin của người hâm mộ Việt Nam. |
Tại sao mọi người đều coi đó là trò đùa nhỉ?
Việt Nam là một quốc gia rất cuồng nhiệt với bóng đá nhưng khi hỏi bất cứ người dân bản địa nào nơi đây về đội bóng nào mà họ yêu thích tại V-League, đa phần đều ngượng ngùng chẳng thể trả lời. Sếp của tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh dậy rất sớm để cổ vũ trận đấu giữa Manchester United và Southampton, cuồng nhiệt khi
Ibrahimovic ghi bàn thắng đầu tiên tại Premier League. Anh bạn chung phòng với tôi là fan của Arsenal thì cuồng nhiệt chẳng kém những người ngồi cổ vũ trên sân Emirates.
Dường như sự thích thú với Premier League của người dân nơi đây còn hơn cả giải đấu tại quốc gia họ. Sau khi tìm hiểu, tôi nhận được thông tin rằng V-League bị đánh giá là một trong ba giải đấu kém minh bạch nhất thế giới. Điều đó là nguyên nhân dẫn tới sự thờ ơ của người bản địa đối với giải vô địch quốc gia của đất nước họ khi cho rằng giải đấu này thật "xấu xí và bẩn thỉu".
Dàn xếp tỉ số, hối lộ và mua trọng tài,... là những thứ thường được nhắc đến ở đây. Năm 2014, câu lạc bộ Vissai Ninh Bình gửi đề nghị tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với mong muốn rút khỏi V-League sau vụ việc 13 cầu thủ của họ liên quan đến việc dàn xếp tỉ số. Hàng chục cầu thủ, huấn luyện viên và trọng tài bị bỏ tù kể từ khi hình thành giải đấu chuyên nghiệp năm 2000. Có đến gần 100 nhà cái ở nước ngoài chấp nhận cho người chơi đặt cược các trận đấu bóng đá diễn ra tại Việt Nam.
Tôi đi bộ quanh sân Hàng Đẫy tại thủ đô Hà Nội với tiếng gà quang quác cùng sự ồn ào của những chiếc xe máy. Nếu nói về sự thanh nhã trong bóng đá, nơi đây với Old Trafford hay Emirates dường như là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Dưới cái nắng chiều, SVĐ này toát lên vẻ cũ kỹ với lớp sơn nhiều nơi bong tróc tông màu vàng cam, là sự pha trộn giữa một chút kiến trúc Pháp mang hơi hướng Hà Nội.
Nhìn xung quanh, tôi giật mình bởi đám "cò" ở bất cứ nơi đâu đang vẫy vẫy những chiếc vé. Một chiến thắng cho Hà Nội ngày hôm nay trước FLC Thanh Hóa sẽ giúp họ lên ngôi vô địch. Trong khi CLB Hải Phòng hy vọng Hà Nội sẽ bại trận.
Manchester United công bố họ trở thành câu lạc bộ bóng đá đầu tiên trên thế giới thu về 500 triệu bảng một năm nhưng họ chẳng kiếm được một xu nào ở xứ sở này. Khắp mọi nơi quanh sân Hàng Đẫy bán những chiếc áo đấu Man Utd hàng nhái với logo y hệt và cái tên
Rooney đằng sau. Tôi còn thấy cả áo đấu của Leicester, mặt hàng mà một năm trước đó tôi cam đoan không hề xuất hiện tại đây.
Tôi bỗng nghĩ rằng nếu mình có kỹ năng bóng đá tương đối một chút, tôi sẽ chọn thi đấu ở những giải vô danh trên thế giới giống như V-League. Một tiền vệ chủ chốt ở Malta, một hậu vệ trái ở Lebanon và một tiền đạo ngôi sao ở Serbia. Cầu thủ số 9, Gonzalo của Hà Nội đúng mẫu người hùng theo định nghĩa của tôi. Làm thế nào anh ta có thể kết thúc sự nghiệp ở đây nhỉ?
Khi trận đấu bắt đầu diễn ra, tôi nhận thấy Gonzalo - chàng cầu thủ người Argentina - là chủ công với thể hình cao lớn của mình. Anh ta chạy quanh sân giống như chú trâu nước mà bạn có thể thấy ở bất cứ nơi đâu trên các miền quê ở Việt Nam. Nguyễn Quang Hải cũng là một cầu thủ được yêu thích của Hà Nội khi mới 19 tuổi và được các cổ động viên reo hò thích thú mỗi khi chạm bóng. Hiệp đầu tiên, cậu ta chạy đến 7 hay 8 phút mà chẳng mang tạo ra được điều gì.
Hiệp đấu thứ hai có lẽ đáng nhớ hơn cả với khoảng 5 quả pháo sáng được đốt lên gần như cùng một lúc. Các cổ động viên Thanh Hóa dường như nhận ra khó khăn cho đội bóng của họ nên dùng cách này để uy hiếp. Họ ném pháo sáng xuống sân, suýt trúng một trọng tài biên và hậu vệ trái của Hà Nội. Thế mà chẳng ai thèm quan tâm, dường như họ quen rồi.
Ở một giải đấu bị nghi ngờ về tham nhũng, khoảnh khắc Nguyễn Quang Hải nhảy múa trong vòng vây của 6 cầu thủ đối phương, hoặc những pha dứt điểm của Gonzalo có lẽ là điểm sáng hiếm hoi. Người dân nơi đây thích xem những cầu thủ thần tượng như Aguero hay Cris Ronaldo trên màn hình TV hơn. Nhưng dù sao cũng phải công nhận chẳng phải ai cũng muốn tới sân dưới cái nắng 40 độ của Hà Nội.
Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển theo cấp số nhân, dân số tăng khoảng một triệu vào mỗi mùa bóng mới. Có quá nhiều tiềm năng chưa được khai thác ở các trận đấu tại V-League, giải vô địch quốc gia của họ. Nhiều người xem V-League tê liệt lòng tin vào kết quả. Tôi nhìn các cầu thủ Hà Nội nâng cao chức vô địch và cố thuyết phục mình rằng họ thực sự xứng đáng với điều đó.