Đằng sau màn đăng quang của hoa hậu là những soi xét, và “hoa hậu bóng đá” cũng không là ngoại lệ. Nếu năm nay SLNA vô địch với tinh thần như 6 vòng qua, có lẽ họ sẽ khiến tất cả những ai từng chỉ trích mình phải câm lặng.
Trong 2 mùa giải đăng quang trước đây (1999-2000, 2000-2001), “hoa hậu bóng đá” SLNA không được coi là toàn mỹ, thậm chí để nhiều tai tiếng. Ngay thời điểm đó, lối chơi “chém đinh chặt sắt” của họ vẫn còn như một thứ đặc sản không thể lẫn vào đâu được.
Với CĐV SLNA bây giờ, đội bóng thực sự là niềm tự hào của họ |
Bóng đá đẹp vẫn từng đăng quang
Mùa bóng 2012, nghĩa là sau 10 năm, đội bóng xứ Nghệ mới tìm lại được vinh quang xưa. Dù thế, ngôi vô địch của họ vẫn chỉ mới “đèm đẹp”, khi lối chơi ở nhiều trận vẫn rắn trên mức cần thiết. Bản năng “chặt chém” vẫn bị đánh thức khi lâm vào tình thế bị “lột số”.
SHB.ĐN vô địch năm 2012 đẹp không? Câu trả lời là không, cả lối chơi lẫn cái cách họ vô địch phút chót. Cũng nên nhớ, SHB.ĐN năm đó liên tục phản ứng trọng tài, đánh công văn xin tạm dừng giải, với tâm thế của một đội bóng luôn được trọng tài ưu ái nay trở chứng vì không được cưng chiều.
Nhưng, năm 2009, rõ ràng họ lên ngôi quá xứng đáng, rất hoàn hảo. Đấy là một mùa giải cầu thủ SHB.ĐN nhiều vị trí còn tinh khôi, thực sự khao khát được chơi bóng, được vượt giới hạn. Nó tương tự B.BD năm 2007, HA.GL 2003, CSG 2001-2002.
Như vậy, nhìn lại 13 năm lên chuyên thì thấy không phải bóng đá đẹp không thể lên ngôi. Không ai trong số các đội bóng và HLV ở ta (và có lẽ cả thế giới) không muốn chơi thứ bóng đá quyến rũ. Ai cũng muốn ra sân là chỉ tập trung đá bóng, cống hiến cho khán giả, thay vì nhăm nhăm chặt chém để tiếp cận thành tích bằng mọi giá, có quyền coi đôi chân đồng nghiệp là cái cây để đốn không thương tiếc.
Nguy hại hơn, nhiều đội bóng đã biện giải, lẫn lộn giữa sự thực dụng như một xu thế toàn cầu phải đồng nghĩa với đá bậy, đá láo. Dường như năm nào cũng vậy, cứ khi đối phó với bạo lực sân cỏ là lãnh đạo Ban Trọng tài luôn nhắc nhở quân mình phải nằm lòng là tăng cường rút thẻ. Những bản án nguội do Ban Kỷ luật đưa ra cho lối chơi bạo lực phải nói là nguồn thu không nhỏ của BTC giải.
Bất chấp những nỗ lực của bộ phận hành pháp, cầm cân nảy mực, lối chơi bạo lực vẫn gia tăng. Chuyện phạt ở ta với các trường hợp bạo lực chỉ mang tính chất giơ cao đánh khẽ. Những bản án nặng đa số đều được giảm, chúng ta không quá khó tìm ra những vụ như thế.
Và sứ mệnh của “người đẹp” SLNA
Bóng đá đẹp khó nảy mầm, đơn giản, bởi ngay bản thân cầu thủ không có ý thức (và được tạo môi trường đá đẹp). Lãnh đạo đội bóng vẫn sẵn sàng đá xấu (và phản ứng xấu) như phản xạ vô điều kiện thì làm sao sân cỏ đẹp đẽ cho được.
Đã mấy khi thấy một lãnh đạo đội bóng phạt thật nặng quân mình, khi đá láo khiến đồng nghiệp chấn thương nặng? Thậm chí, một đội đá đẹp, rất dễ bị coi là kẻ lạc lõng, nhiều khi còn thua thiệt.
Trong những tác nhân âm thầm khiến cho bóng đá bạo lực có điều kiện phát tác, không thể không nhắc đến tình trạng cay cú ăn thua ở các đội bóng ngày càng cao, cùng với việc treo tiền thưởng bất tận. Với một đội bóng đầu tư tăng đột biến về tiền nếu muốn tìm thấy văn hóa chấp nhận thắng thua như lẽ tất yếu của bóng đá (mạnh được yếu thua) thì xem ra ít tồn tại ở bóng đá nội địa.
Chống bóng đá bạo lực cũng như những dạng tiêu cực khác, cần sự chung tay của các thành phần đang tham gia hoạt động bóng đá. Trong đó, sự thay đổi mang tính đột phá từ phía CLB (ý thức cầu thủ, biện pháp mạnh tay của lãnh đạo) và từ phía BTC giải, Ban Kỷ luật (VFF) là quyết định.
Một đội bóng thiên về kỹ thuật, nếu kết hợp với tinh thần chiến binh bằng lối đá tranh chấp quyết liệt nhưng không phạm luật, chơi áp sát, ít tạo khoảng trống cho đối phương chắc chắn sẽ mang lại thích thú cho khán giả.
Có vẻ như SLNA đang trên đường chinh phục khán giả bằng lối chơi đẹp cả nội dung lẫn hình thức. Vẻ đẹp trên các khán đài của khán giả họ cũng rực rỡ không kém.
Liệu trong mọi hoàn cảnh, nhất là nếu có đăng quang, SLNA còn duy trì được tâm thế của một “hoa hậu bóng đá”, như cách họ đang phấn đấu hay không?
(Theo Thể Thao Văn Hoá)