Thứ Sáu, 15/11/2024 Mới nhất
Zalo

Góc nhìn: Hàng Đẫy là sân nhà của tất cả, trừ... Hà Nội

Thứ Hai 09/05/2016 15:42(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Thêm một lần nữa, sân Hãng Đẫy lại được sưởi ấm bởi các CĐV của một đội đến làm khách trên đất Hà Nội. Sự nhiệt huyết của người Hải Phòng hôm qua một lần nữa đặt ra câu hỏi cho những người làm bóng đá thủ đô.

⇒ Theo dõi thông tin Euro 2016lịch euro 2016.

Những khán đài lạnh lẽo

Có thể nói, CLB Hà Nội T&T là một trong những đội bóng giàu thành tích và có lối chơi đáng xem nhất của bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại. Đội bóng này có sự thăng tiến rất nhanh khi chỉ sau vài năm thành lập đã vươn mình trở thành một thế lực mới của bóng đá Việt Nam. Không những vậy, họ cũng sở hữu dàn cầu thủ chất lượng với nhiều tuyển thủ quốc gia như Thành Lương, Văn Quyết hay ngoại binh “khủng” như Hoàng Vũ Samson, Gonzalo Marronkle.

Đội bóng này cũng có sự hậu thuẫn lớn từ ông chủ mê bóng đá là Đỗ Quang Hiển. Dưới triều đại của HLV Phan Thanh Hùng, họ xây dựng cho mình được một lối chơi có bản sắc là kiểm soát bóng và ban ngắn. Tóm lại, Hà Nội T&T có tất cả mọi thứ mà những CLB khác thèm muốn, chỉ trừ... khán giả.

Hình ảnh các CĐV Hải Phòng quậy tung sân Hàng Đẫy vừa qua thật sự không phải điều mới mẻ. Trên thực tế, nó diễn ra ở hầu hết các trận đấu khi mà những vị khách phương xa đến đây mới thực sự là người làm ấm sân bóng này và những hội CĐV lớn như SLNA hay Hải Phòng biến nó thành lễ hội.

CDV Hai Phong bien Hang Day thanh... San Siro
CĐV Hải Phòng biến Hàng Đẫy thành... San Siro. Ảnh: Zing

Có một hình ảnh tương phản khá thú vị trên khán đài B sân Hàng Đẫy hôm qua giữa hai hội CĐV chính thức của Hà Nội T&T và Hải Phòng. Trong khi những vị khách đất cảng liên tục hò hét, ca hát, giăng cờ đánh trống và trút mưa pháo sáng xuống sân bất chấp đội bóng của họ thua, thì những người chủ nhà cách đó không xa tỏ ra tương đối trầm lắng. Thi thoảng chỉ có một vài tiếng hô cổ vũ cho Hà Nội T&T nhưng rồi cũng nhanh chóng rơi vào im lặng.

Ở bên phía khán đài đối diện, mọi thứ diễn ra còn có phần yên ắng hơn và thậm chí rất nhiều người còn bận trầm trồ tán dương sự nhiệt tình của người Hải Phòng. Những người khách phương xa kia có thể đã sai khi đốt pháo sáng, dùng những lời lẽ chưa phù hợp để cổ vũ, nhưng họ mới thực sự là khán giả bởi họ làm cho một trận đấu trở nên “sống”. Sân bóng phải thực sự là một vũ hội chứ không phải một thư viện.

Khan gia Nghe An nhuom vang san bong
Khán giả Nghệ An nhuộm vàng sân bóng

Bên cạnh Hải Phòng, có lẽ sân Hàng Đẫy cũng rất khoái đón tiếp các vị khách Nghệ An, những người luôn phủ kín một màu vàng của khán đài B và biến đây thành sân nhà của họ. Người Nghệ An vốn đam mê bóng đá và cái cách họ cổ vũ cho đội bóng con cưng thật sự khiến nhiều nơi ghen tỵ, trong đó có Hà Nội.

Tuy nhiên, khi mà đội bóng đến làm khách ở Hàng Đẫy là CLB không có được lượng CĐV bóng đá đông đảo và nhiệt huyết, sân bóng này lại trở về với sự lạnh lẽo và nhàm chán của nó. Có lẽ nào một sân chơi ở thủ đô sẽ mãi phải phụ thuộc vào một yếu tố thiếu ổn định là các CĐV đội khách?

Dấu hỏi về cách làm bóng đá

Một Hàng Đẫy đông nghịt khán giả chen chúc mua vé đến xem các danh thủ trong những trận cầu đinh giờ đã là của dĩ vãng. Cần phải nhìn nhận một cách thực tế rằng Hà Nội T&T giờ là đại diện duy nhất của bóng đá thủ đô, đặc biệt là sau khi “đội trẻ” Hà Nội FC bất ngờ biến thành Sài Gòn FC, nên họ càng phải có trách nhiệm hơn với bóng đá ở mảnh đất này.

Trên thực tế, đội bóng của Bầu Hiển cũng rất cầu thị trong việc tiếp cận và lôi kéo khán giả tới sân. Họ hoạt động marketing khá tích cực và đặc biệt là xây dựng được trang mạng xã hội của CLB với cách làm nội dung không hề tệ. Tuy nhiên, sự quan tâm của khán giả vẫn là một điều gì đó khá xa vời. Hàng Đẫy hết mùa này qua mùa khác vẫn luôn là sân bóng có lượt khán giả vào sân thấp bậc nhất V-League.

Khan dai trong vang la chuyen pho bien
Khán đài trống vắng là chuyện phổ biến

Vấn đề lớn nhất trong chiến lược tiếp cận người hâm mộ của đội bóng này là vì họ đặt chưa đúng câu hỏi. Rất nhiều lần vấn đề người Hà Nội bản địa trong đội hình CLB này được đưa ra để kêu gọi CĐV đến sân ủng hộ nhưng không nhận lại được lời đáp trả tương xứng.

Rõ ràng tính địa phương là yếu tố lớn nhất khiến các CĐV của những đội bóng như Hải Phòng, Nghệ An hay Quảng Ninh nhiệt huyết đến vậy. Tuy nhiên, Hà Nội không phải là nơi có đặc thù giống những tỉnh thành khác. Thủ đô của cả nước là nơi tập trung thành phần dân cư cực kỳ đa dạng chứ không phải phần lớn là người bản địa nên vì vậy tinh thần “màu cờ sắc áo” cũng không rõ ràng. Trên khán đài sân Hàng Đẫy mỗi tuần, không khó để nhận ra có rất nhiều người đến xem nói giọng ở các địa phương khác nhau và phần đông không phải người Hà Nội.

Tiếp đến, với việc là trung tâm giải trí lớn, người dân ở Hà Nội có quá nhiều thú vui để tìm đến với những dịch vụ đi kèm vừa tiện nghi, vừa thoải mái so với một sân bóng cũ kỹ, nhàm chán và mỗi lần ngồi ghế phải mang báo lót kèm. Họ sẽ không quan tâm đến một trận bóng mà chẳng có một thứ gì thú vị được đưa tin. Vì lẽ đó, không ngạc nhiên khi trong trận lượt đi giữa HAGL và Hà Nội T&T ở thủ đô mùa trước, người ta chen chúc nhau xếp hàng mua vé, ngồi kín cả hai khán đài A và B để được tận mắt thấy những ngôi sao mới của bóng đá Việt Nam như Công Phượng hay Tuấn Anh trình diễn.

HAGL thua tran nhung lai keo duoc khan gia toi kin san khach
HAGL thua trận nhưng lại kéo được khán giả tới kín sân khách. Ảnh: Zing

Rõ ràng, khán giả ở đây, với thành phần đa dạng và bị nhiều nguồn giải trí khác chi phối, cần một điều gì thật sự hấp dẫn để kéo họ tới sân hơn là khẩu hiệu “người Hà Nội” nhàm chán. Hãy thử tưởng tượng, nếu mùa giải tới Công Phượng, Tuấn Anh hay Xuân Trường hồi hương và Hà Nội T&T chiêu mộ được họ thì chắc chắn khán đài Hàng Đẫy sẽ có thêm một lượng khán giả không nhỏ. Ba cầu thủ trẻ này chẳng ai là người Hà Nội, tuy nhiên, cái họ có là sức hút để kéo khán giả tới sân. Và đó cũng chỉ là một trong số rất nhiều cách làm bóng đá hiệu quả mà những nhà quản lý địa phương nên bắt đầu tính tới để thay đổi.

Tường Minh

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X