Tính từ ngày bầu Thắng nhận nuôi đội bóng năm 2001, đây có lẽ là mùa giải mà ĐT Long An yếu nhất, gây thất vọng nhất. Thậm chí, với nhiều người, ĐT Long An của năm 2013 còn yếu hơn cả năm 2011 - thời điểm mà họ phải xuống hạng
Không tính mùa giải 2012 mà ĐT Long An phải đá ở giải hạng Nhất, thì năm nay có lẽ là năm mà Gạch gây thất vọng nhất, yếu nhất trong tất cả các năm tính từ ngày ông bầu Võ Quốc Thắng tiếp nhận lại đội bóng từ ngành TDTT Long An 12 năm trước.
Ngay cả thời điểm Gạch xuống hạng năm 2011, đội bóng miền Tây Nam bộ cũng không thiếu sinh khí như bây giờ. Năm ấy, dù gì thì Gạch vẫn còn sở hữu các tiền đạo ngoại rất nổi tiếng như Antonio, Danny David, hay Tshamala.
Long An (áo trắng) giờ đã hết thời hoàng kim,
Năm ấy, Gạch vẫn còn trung vệ đội trưởng Phan Văn Giàu đầy kinh nghiệm dẫn dắt hàng thủ, họ vẫn còn thủ môn Tiến Phong có một mùa bóng xuất thần, liên tục làm nản lòng các chân sút đối phương.
ĐT Long An rớt hạng năm 2011 cũng một phần do họ thiếu may mắn, do quyết định đầy oan nghiệt của trọng tài Vũ Bảo Linh trong trận đấu quyết định giữa ĐT Long An và HP.HN trên sân Long An ở vòng đấu áp chót. Khi đó, trọng tài Linh cho HP.HN hưởng một quả phạt đền tưởng tượng khiến Gạch phải thất trận. ĐT Long An rớt hạng năm 2011 còn bởi 2 đối thủ chính của họ trong cuộc đua giành quyền trụ lại V-League là K.Khánh Hòa và HP.HN năm đó chẳng phải là đối thủ tay mơ.
Còn với năm 2013, 2 đối thủ chính của Gạch trong cuộc đua giành quyền trụ hạng là Kiên Giang và Đồng Nai không thể nói là mạnh. Trước giờ mùa giải khởi tranh, dù gì thì Gạch cũng được đánh giá cao hơn 2 đội bóng quá yếu nọ, nhưng sau lượt đi thì Gạch lại trở thành ứng cử viên hàng đầu cho suất rớt hạng, chủ yếu do đội bóng của bầu Thắng đá quá tệ.
Nhìn vào lực lượng của Gạch, không khó để nhận ra đội bóng vùng đồng bằng sông Cửu Long xuống cấp đến mức nào. Chủ công hiện nay của ĐT Long An là Nguyễn Việt Thắng, một tiền đạo đã hết thời. Ngay ở giai đoạn đỉnh cao của mình, Việt Thắng cũng chưa sánh được với Antonio thời điểm năm 2011, huống hồ là bây giờ khi anh đã đi xuống.
Ở tuyến giữa, Gạch không có lấy nổi một tiền vệ biết cách giữ nhịp, còn ở hàng hậu vệ, từ nội binh đến ngoại binh của ĐT Long An toàn thuộc loại vô danh. Có thể hậu vệ biên Võ Nhật Tân là một ngoại lệ, nhưng Nhật Tân trước giờ chỉ nổi ở giải hạng Nhất, chứ trước khi đầu quân cho Gạch, cầu thủ gốc Tiền Giang nay chưa hề đá cho bất cứ đội nào tại V-League.
Sở dĩ ĐT Long An vẫn chưa đứng cuối bảng sau lượt đi là vì B.Bình Dương bất ngờ sa sút thảm hại. Nhưng ngay cả khi đó thì người ta vẫn đánh giá đội bóng đất Thủ Dầu cao hơn nhiều so với đội bóng của bầu Thắng, chí ít là về mặt con người và thực lực.
Lực lượng kém, ĐT Long An còn bất ổn ở vị trí HLV. Từ sau ngày Calisto ra đi năm 2007, chỉ trong hơn 5 năm, Gạch có đến 10 HLV khác nhau: Patricio, Stefen Hansson, Trần Công Minh, Jose Luis, Formosinho, Zuleta, Barbosa, McMenemy, Ranko, Vital. Riêng Trần Công Minh làm HLV ở ĐT Long An 3 lần, Zuleta làm 2 lần. Có nghĩa là Gạch đã mưới mấy lần thay HLV chỉ trong hơn 5 năm. Thế thì tìm đâu ra sự ổn định?
Có thể Kiên Giang và Đồng Nai đều là các đội bóng yếu, nhưng nhìn họ đá vẫn còn thấy lối ra, vẫn còn thấy đường để họ đánh bại đối thủ. Còn với ĐT Long An, xem lối chơi khá tự phát của Gạch, chẳng thể hình dung rằng Gạch sẽ thắng các đối thủ của Gạch bằng con đường nào?
Cái khổ cho ĐT Long An tiếp theo là họ đều đã thua 2 đối thủ chính của họ trong cuộc đua đến suất trụ hạng gồm Kiên Giang và Đồng Nai trong các trận đối đầu trực tiếp. Chính vì vậy, tình cảnh của Gạch càng thêm khó.
Nhiều năm qua, người ta đã nói nhiều đến chuyện mỗi lúc Gạch mỗi đi xuống, và năm 2013 có lẽ chỉ là thời điểm mà ĐT Long An của bầu Thắng chính thức chạm đáy. Một thực tế khá đau lòng cho một trong những đội bóng từng có thời mạnh nhất, được hâm mộ nhất nước. Nhưng thực tế đau lòng ấy trớ trêu thay lại là thực tế không thể chối cãi!
(Theo Dân Trí)