Hơn một tuần nữa mới đến thời điểm mà Tiểu ban nhân sự của VFF chốt lại danh sách ứng viên cho các cương vị lãnh đạo chủ chốt ở VFF cho Đại hội BCH VFF khoá VII (dự kiến ngày 10/4/2013), nhưng ngay từ thời điểm này đã có thể “khoanh vùng” ứng viên cho những vị trí được xem là nóng nhất.
1. Chẳng hạn, dù có tới 8 ứng viên nằm trong danh sách đề cử cho chức danh Chủ tịch VFF, nhưng ngay trong ngay VFF công bố bản danh sách nói trên thì đã có tới 3 ứng viên thông báo rút lui, và trong những ngày vừa qua lại tiếp tục có thêm ứng viên từ chối không ra ứng cử vì bận việc.
Việc chỉ có một chức vô địch AFF Cup sau hơn 20 năm hội nhập trở lại với bóng đá khu vực là quá ít với một quốc gia có dân số gần 90 triệu người như Việt Nam
Vì thế, nhiều khả năng cho tới ngày VFF chốt lại danh sách ứng viên cho ghế Chủ tịch VFF sẽ chỉ còn 2 cái tên là Phó Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó Chủ tịch Phạm Văn Tuấn, những người đã được xem là ứng viên sáng giá cho cương vị lãnh đạo đứng đầu VFF từ cách đây rất lâu.
Điều đó nghĩa là cuộc cạnh tranh cho chiếc ghế Chủ tịch VFF xét về lý thuyết tưởng như sẽ cực nóng, nhưng trên thực tế xem ra lại có vẻ không quá nóng, bởi những ứng viên nặng ký nhất đều đã lộ diện từ lâu, và thậm chí ngay từ thời điểm này có thể đưa ra dự đoán chính xác tới hơn 90% về danh tính của người thắng cuộc.
2. Tất nhiên, dự đoán vẫn chỉ là dự đoán, vì thực tế các kỳ Đại hội ở VFF trong mấy năm gần đây từng có ứng viên bị rơi rụng ngay từ vòng gửi xe, tức là không vào nổi BCH nên đương nhiên không có quyền ứng cử. Tuy thế, nếu cục diện hiện tại được duy trì cho tới ngày kết thúc Đại hội BCH khoá VII thì vị trí Chủ tịch VFF khoá mới sẽ là một cái tên nằm trong dự kiến.
Khác với cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF, cuộc cạnh tranh cho các vị trí còn lại như Phó Chủ tịch có vẻ khá gay cấn và quyết liệt, nhất là khi Điều lệ mới cho phép TTK có thể kiêm nhiệm cả chức Phó Chủ tịch chuyên môn.
Chỉ cần là vị trí TTK thì nguyên TTK Trần Quốc Tuấn cũng đã là một ứng viên vô cùng sáng giá, nhưng nếu kiêm nhiệm thêm cả cương vị Phó Chủ tịch chuyên môn thì hẳn cũng không phải là nhiệm vụ quá sức với ông Tuấn. Lý do là bởi ông Tuấn là quan chức thể thao hiếm hoi có bằng Tiến sỹ về bóng đá, và ông Tuấn lại từng có 2 năm làm trưởng BTC V-League, và hiện đang có chân trong Ban Thường vụ AFC.
3. Vì thế, xét về lý thuyết, sẽ không khó để xác nhận danh tính chủ nhân của 2 vị trí Chủ tịch và TTK VFF, nên kịch tính và bất ngờ bây giờ sẽ được dành cho cuộc đua vào các vị trí Phó Chủ tịch, mà thông tin từ hậu trường cho biết có những ứng viên đã tiến hành vận động hành lang hết sức tích cực.
Tuy nhiên, cho dù là ai thắng cử ở Đại hội BCH VFF khoá VII sắp tới thì cũng sẽ phải gánh vác những nhiệm vụ rất không đơn giản trong nhiệm kỳ của mình, khi bóng đá Việt Nam đang ở thời điểm khó khăn chưa từng có sau hơn 10 năm tiến hành chuyên nghiệp hoá.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi kết thúc Hội nghị BCH VFF khoá VI lần thứ 11 vào ngày 28/3 vừa qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã nói rằng BCH khoá VII cần những người biết làm việc thực sự vì bóng đá Việt Nam, không phải những người mà dù nhiệm kỳ của mình trong BCH khoá VI đã sắp hết nhưng vẫn chưa biết đã làm được những gì trên cương vị của một Uỷ viên BCH VFF.
Chọn một người hay một nhóm người để làm lãnh đạo VFF thì không khó, nhưng làm sao để một người hay một nhóm người được chọn làm đúng những gì như họ đã cam kết lúc tranh cử mới là việc thật khó.
(Theo Thể Thao Văn Hoá)