Đã có 6 trọng tài bị VFF từ chối mời làm nhiệm vụ. Thậm chí, ông quyền chủ tịch VFF còn có đề xuất là thưởng tiển cho trọng tài cung cấp thông tin mình bị đề nghị… mua. Tất cả cho thấy ngay cả người trong nhà cũng chưa hẳn đã… tin trọng tài
6 cái tên bị cạch mặt và đề xuất lạ của ông quyền chủ tịch
VFF cho biết họ sẽ cùng với công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF (nơi đang trực tiếp điều hành các giải V-League, hạng Nhất và cúp quốc gia) không mời 6 trọng tài làm nhiệm vụ ở mùa giải 2014.
Trọng tài Đinh Hải Dương (thứ 2 từ trái sang) bị VFF và VPF từ chối mời hợp tác trong mùa giải 2014
Số này gồm các ông Đinh Hải Dương, Kiều Việt Hùng, Phạm Đắc Chiến, Đỗ Mạnh Hà, Ngô Quốc Hưng và Bùi Quang Thông. Trong đó, 4 cái tên đầu tiên là những người từng bị nghi ngờ sau trận Thanh Hóa – HA Gia Lai ở V-League mùa rồi, ông Ngô Quốc Hưng bị nhiều lời ong tiếng ve sau giải sinh viên toàn quốc, còn ông Bùi Quang Thông từng dính án cấm thi đấu suốt đời khi còn là cầu thủ, do tiêu cực, sau đó trở thành trọng tài bóng đá.
Không có bất cứ án kỷ luật nào được đưa ra, VFF và VPF đơn giản là không mời họ làm nhiệm vụ, vì không tin họ nữa. Mà trong cuộc chơi vốn rất nhạy cảm như bóng đá nội, đã không tin nhau thì cực khó làm việc chung.
Ngoài chuyện “cạch mặt” 6 trọng tài, quyền chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn có đề xuất khá lạ là sẽ thưởng tiền cho trọng tài nào tố mình bị đề nghị… mua. Cụ thể ông Dũng nói riêng và VFF nói chung sẽ thưởng gấp 3 số tiền mà trọng tài được đề nghị, thậm chí thưởng hàng tỷ đồng nếu số tiền mà trọng tài được đề nghị là tiền tỷ.
Một đề xuất có một không hai từ trước đến nay. Cũng chưa biết tính hiệu quả của đề xuất này. Nhưng tất cả những chi tiết ấy cho thấy một điều là những zíc-zắc trong giới trọng tài không phải là không có cơ sở, và ngay đến những người đang trực tiếp điều hành giới này là VFF bây giờ cũng chẳng còn dám… tin trọng tài.
Không siết e loạn
Chuyện người người làm bóng đá, nhà nhà làm bóng đá đem trọng tài ra ca thán sau mỗi mùa bóng gần như đã trở thành căn bệnh mãn tính của bóng đá Việt Nam. Không loại trừ khả năng người ta chủ động phê phán trọng tài với mục đích che dấu mặt hạn chế của chính họ.
Nhưng kỳ thực, cũng không thể nói giới trọng tài không có chuyện. Như chúng tôi từng đề cập, chưa chắc gì những thành phần khác của bóng đá Việt Nam đã chuyên nghiệp, chưa chắc gì những lời phản ứng nhằm vào giới vua sân cỏ tất cả đều đúng.
Chỉ có điều khi người ta luôn phản đối trọng tài mỗi khi các trận đấu có sự cố, có các quyết định nhạy cảm, vì nói cho cùng người ta không còn tin vào trọng tài. Còn chuyện vì sao phần còn lại của làng bóng đá không tin trọng tài thì chỉ có các trọng tài là biết rõ nhất.
Chất lượng trọng tài bóng đá Việt Nam đang đi xuống, bằng chứng là năm qua, lần đầu tiên trong lịch sử, người giành giải thưởng “còi vàng” Việt Nam (Nguyễn Trọng Thư) không phải là trọng tài đạt chuẩn FIFA. Cũng trong danh sách đề cử còi vàng để lại nhiều điều tiếng ấy, có cả cái tên từng dính kỷ luật là ông Hoàng Anh Tuấn.
Ban trọng tài có lẽ cũng là một trong những ban kỳ lạ nhất của VFF, nơi người có khả năng thì không muốn ngồi vào đấy (cựu trưởng ban Dương Vũ Lâm đã xin từ nhiệm, trong khi bản thân ông Lâm vẫn là trưởng Ban trọng tài của LĐBĐ Đông Nam Á), trong khi người muốn ngồi ghế trưởng ban hoặc chưa đủ khả năng, hoặc từng dính điều tiếng khi điều khiển giới này.
Muốn V-League yên thì giới trọng tài phải yên, muốn bóng đá nội ổn thì trọng tài phải ổn, bởi không thể để các đội bóng ra sân với tâm lý cứ nơm nớp lo sợ trọng tài “méo còi”. Hầu hết các ông bầu khi được hỏi đều cho biết họ không tiếc tiền đầu tư vào bóng đá, miễn là các trọng tài thổi công bằng. Đấy là mong mỏi thoạt nghe có vẻ hơi thừa, bởi tạo ra công bằng là nghề của các trọng tài.
Nhưng sự đời thường thì người ta chỉ mơ những điều mà người ta không có. Và tại sao những người làm bóng đá chỉ mong 2 từ “công bằng” từ các trọng tài là điều mà giới này, cũng như những người đang quản lý đội ngũ trọng tài phải suy ngẫm?
Theo Dân Trí