Bình thường, những vụ kiểu như “nghi án tin nhắn rác”, Ban Kỷ luật (BKL) đã phải xoắn cả lên thì hầu như chẳng thấy ông trưởng ban Nguyễn Hải Hường xuất hiện. Đơn giản bởi đã có Ban Tư vấn đạo đức (BTVĐĐ) gánh bớt việc.
Ông trưởng BKL Nguyễn Hải Hường từng có một ước mơ cháy bỏng là ban của ông được thất nghiệp, bởi như vậy đồng nghĩa với bóng đá nước nhà sẽ xanh-sạch-đẹp hơn. Đấy là ước mơ không tưởng, khi hầu như tuần nào ông Hường cùng các cộng sự (trong đó có cả luật sư) cũng có việc, thậm chí là cả núi việc, để làm. Quyền rơm, nhưng vạ đá. Vừa ra mắt chưa lâu, Ban Tư vấn đạo đức đã có ngay một “ca khó” là trận Siêu Cúp QG 2012. Ảnh: Quang Nhựt
BKL xử án tại hồ sơ, nhưng việc thu thập hồ sơ đầy đủ là cả một đoạn trường đầy nhiêu khê. Đấy là chưa kể có vụ người ta cố tình ém đi, bất chấp dư luận chỉ trích dữ dội, thành ra ban của ông Hường lãnh đủ. Hoặc, có vụ hồ sơ được chuyển nhanh đến bất ngờ. Các đối tượng bị xử luôn kêu oan, xin giảm án. Tệ hơn nữa là có những động thái tiêu cực, như dọa bỏ giải, khi đụng đến đội bóng thuộc dạng “tổ kiến lửa”. Nói chung, BKL của ông Hường xứng đáng là “ban khổ lực”!
Cái sự khổ tâm lớn nhất của BKL là khi xử những án mà đương sự yêu cầu phải có bằng chứng mới tâm phục khẩu phục. Như, nghi án bán độ, cá độ, nhường điểm, móc ngoặc…Có bằng chứng tiêu cực thì pháp luật đã xử, cần gì phải đợi BKL của ông. Thành ra, BKL phải đứng giữa hai làn đạn: xử thì bị CLB phản ứng, không xử thì mũi dùi dư luận càng khó sống hơn.
Xử những án như thế, nằm trong phạm trù đạo đức vì liên quan đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của đương sự. Việc thẩm định vấn đề đạo đức, tư cách của đội bóng, cá nhân là cực khó, dù bóng đá là sân khấu 4 mặt nhưng ở ta cái sân khấu đó đã quen diễn kịch song đa số không bị xử lý nghiêm khắc. Vì thế các màn diễn kịch ngày càng tinh vi. Ví như trận Siêu Cúp QG, đố ai nghi ngờ, kể cả BTVĐĐ, nếu như không có “tin nhắn rác”.
Giờ thì, BTVĐĐ đã gánh quá nhiều công việc cho BKL, BKL của ông Hải Hường xem ra khỏe. Chỉ mỗi việc nghi án “tin nhắn rác” đã đẩy cái ban mới ra đời ngập đầu trong công việc cùng những cảnh huống khó xử. Khó xử nhất là vẫn phải nhận xét dựa trên sự cảm tính, vì thiếu bằng chứng. Bầu Thụy đã cay cú, trách móc và rồi, một lần nữa, bầu Thụy dọa bỏ giải. Xin lỗi, nếu đội bóng bầu Thụy giải tán, có khi đấy là sự giải thoát cho ông cũng như cho khán giả TP.HCM. Dĩ nhiên, chưa hẳn đã tổn thất cho V-League, thậm chí ngược lại.
VFF (có thể cả VPF mai đây) vốn được coi là bộ máy quá cồng kềnh, nhiều ban bệ, phòng chức năng. Vấn đề, lập ra một cái ban thì dễ, nhưng để cái ban đó hoạt động hiệu quả, được tôn trọng là vấn đề quá khó. Khó nhất là những cơ chế trói buộc nội tại, sự thiếu chuyên nghiệp của các thành viên đang tham gia hoạt động bóng đá chuyên nghiệp.
BTVĐĐ hẳn đang khao khát: mong cho ban chúng ta thất nghiệp!
(Theo Thể Thao Văn Hoá)