Tổng thuật Việt Nam U17 vs Kyrgyzstan U17
Thi đấu trên sân khách, Kyrgyzstan chọn lối chơi phòng ngự phản công để tiếp cận trận đấu với U17 Việt Nam. Đội khách tập trung nhân sự khá đông ở khu vực trung lộ nên U17 Việt Nam không thể xuyên phá hàng thủ đối phương bằng những pha đánh trực diện. Tình thế buộc các học trò của ông Cristiano Roland phải sử dụng các pha đánh biên với hy vọng tạo sự đột biến. Hai cầu thủ chạy cánh Việt Long và Văn Bách tích cực có những pha đột phá cá nhân hoặc dốc bóng tốc độ. Tuy vậy, hàng thủ của U17 Kyrgyzstan tổ chức bắt người chặt, áp sát nhanh. Khi U17 Việt Nam đi bóng đến trước vòng 16m50 là ngay lập tức, các học trò của ông Igor Nikitin có mặt phong tỏa. Đó là lý do trong 45 phút đầu tiên, đội chủ nhà rất ít có những tình huống hãm thành nguy hiểm nên cũng không có cú dứt điểm nào đáng nhớ.
Bên kia chiến tuyến, U17 Kyrgyzstan chủ động nhường thế trận cho đội chủ nhà để đảm bảo hệ số an toàn trước tiên cho khung thành. Tuy nhiên, họ cũng sẵn sàng phản công mỗi khi có bóng. Trong hiệp 1, U17 Kyrgyzstan đã có 2 tình huống lên bóng nhanh nhờ nền tảng thể lực còn sung mãn. Đầu tiên là pha phất bóng dài ở phút 15 để Alisherov thoát xuống nhưng cầu thủ này tâng bóng chệch khung thành. Phút 41, Alisherov chuyền bóng từ cánh trái để Kanatov xâm nhập vào vòng cấm bên cánh phải rồi đệm bóng rất trống trải nhưng bóng lại đi chệch cột dọc.
Những điều chỉnh ở giờ nghỉ giúp U17 Việt Nam tạo thế trận sắc nét hơn trong hiệp 2. Các học trò của ông Cristiano Roland đã gia tăng áp lực mạnh mẽ bằng các pha áp sát cầu môn hơn cả ở trung lộ lẫn từ biên. U17 Việt Nam cũng tạo ra nhiều pha sóng gió hơn về phía cầu môn của đội khách. Ở phút 62, Văn Dương đi bóng rồi tung cú sút trực diện nhưng rất tiếc, thủ môn Shapkarin đã phán đoán chính xác để cứu thua cho đội nhà. Cũng cần biết rằng, các cầu thủ của U17 Kyrgyzstan giảm sút thể lực kể từ phút 60 buộc họ phải lên tục có đến 5 sự thay đổi người.
Tuy vậy, U17 Việt Nam vẫn không thể tận dụng được điểm yếu này của đối phương cho dù cũng trong khoảng thời gian đó, đội chủ nhà cũng liên tục có những điều chỉnh về nhân sự, qua đó, tạo được hàng loạt cơ hội ăn bàn rất rõ nét. Đơn cử như trong tình huống ở phút 85, Đức Duy tung cú vuốt bóng khiến thủ môn Shapkarin đã đứng nhìn nhưng bóng lại đi chệch cột dọc. Bốn phút sau, Gia Bảo còn đệm hụt bóng trong thế trống trải chỉ ở khoảng cách 3m so với khung thành hay ít nhất 1 pha ngon ăn trong 5 phút bù giờ. Cũng phải thừa nhận rằng, U17 Kyrgyzstan cũng có 2 tình huống ngon ăn trong hiệp 2 nhưng các chân sút không thể tận dụng thành công.
U17 Việt Nam có lý để tiếc nuối khi chỉ bỏ túi 1 điểm. Dù vậy, Gia Bảo và đồng đội chỉ có thể tự trách mình vì bỏ lỡ quá nhiều cơ hội ăn bàn.
Thông tin trước trận đấu
Tổng quan U17 Việt Nam vs U17 Kyrgyzstan
Không có đối thủ nào bị đánh giá là “lót đường”, nhưng nếu “so bó đũa chọn cột cờ” thì cả U17 Việt Nam lẫn U17 Kyrgyzstan được đánh giá cao hơn so với U17 Yemen và U17 Myanmar. Đây cũng là hai đội và được coi là đối trọng của nhau trong cuộc đua đến ngôi đầu bảng I. Đây là một bảng đấu khó nên 2 đội đều có quá trình chuẩn bị rất chu đáo. Để làm quen với phong cách chơi bóng của các đội Đông Nam Á tương tự U17 Việt Nam, U17 Kyrgyzstan đã có trận giao hữu với U17 Thái Lan hồi tháng 9 vừa qua.
Cũng để làm quen với điều kiện thời tiết, sân bãi ở Việt Nam, đội bóng Trung Á này đã đến Hà Nội cách đây 10 ngày và có trận giao hữu với U19 Hà Nội. Trận thua 2-3 này giúp ích cho U17 Kyrgyzstan rất nhiều cả về chuyên môn lẫn làm quen với nhịp sinh học, điều kiện thi đấu… Nói cách khác, đội bóng này đã có sự chuẩn bị rất nghiêm túc và sẵn sàng cho trận đấu quyết định với U17 Việt Nam.
Hẳn nhiên, U17 Việt Nam cũng có sự chuyển động rất kỹ lưỡng. Sau khi chia tay giải U16 Đông Nam Á 2024 với vị trí thứ tư, U17 Việt Nam dưới trướng tân HLV Cristano Roland đã có những sự thay đổi về nhân sự và đặc biệt được LĐBĐ Việt Nam tổ chức kế hoạch chuẩn bị rất chu đáo với đợt thi đấu giao hữu ở Trung Quốc và chuyến tập huấn ở Nhật Bản. Trong đó, U17 Việt Nam đã để lại ấn tượng mạnh bằng 2 trận thắng trước U17 Nhật Bản và U17 Uzbekistan tại giải giao hữu ở Trung Quốc.
Như đã đề cập, U17 Kyrgyzstan là đối thủ đáng gờm nhất của U17 Việt Nam trong cuộc đua đến ngôi đầu bảng I. Ở cấp độ ĐTQG, Kyrgyzstan được đánh giá nhỉnh hơn so với ĐT Việt Nam nếu so sánh vị trí trên bảng xếp hạng của FIFA (106 so với 116 của ĐT Việt Nam). Nếu làm phép tính bắc cầu, U17 Kyrgyzstan được đánh giá cao hơn chút đỉnh so với U17 Việt Nam trong cuộc đối đầu này. Điểm mạnh của họ là thể hình tốt, nền tảng thể lực dẻo dai và lối chơi có tính kỷ luật khi tổ chức trận đấu hợp lý bằng việc giữ cự ly đôi hình khá hợp lý.
Để mở rộng cánh cửa đến ngôi đầu, U17 Việt Nam cần giành trọn 3 điểm trước đối thủ này. U17 Kyrgyzstan được đánh giá cao hơn nhưng nếu triển khai lối đá hiệu quả, đoàn quân của ông Cristiano Roland hoàn toàn có thể nghĩ đến chiến thắng.
Sân nhà và sự ủng hộ của khán giả nhà là một lợi thế. Quan trọng hơn, U17 Việt Nam sở hữu nhiều cầu thủ có triển vọng như Việt Anh, Việt Long, Văn Bách… HLV Cristiano Roland ít nhiều đã thổi được luồng gió mới vào lối chơi của U17 Việt Nam. Vấn đề còn lại là bài toán tâm lý. Cụ thể, BHL U17 Việt Nam cần có phương án đả thông tư tưởng, giúp các cầu thủ giải tỏa được áp lực phải thắng để đôi chân được thanh thoát khi xung trận.
Đội hình xuất phát của U17 Việt Nam: Xuân Tín (1), Việt Anh (3), Hồng Quang (4), Tấn Dũng (5), Hồng Phong (8), Việt Long (9), Văn Bách (11), Nguyễn Lực (12), Đức Duy (14), Văn Khánh (17), Thiên Phú (19).