Tổng thuật Nhật Bản vs Vietnam Women
Nhật Bản chỉ đem sang Hàng Châu đội hình hai - với 16 trong 21 cầu thủ lần đầu được triệu tập lên đội tuyển, nhưng vẫn thể hiện sức mạnh vượt trội của đội tuyển từng vô địch World Cup. Họ ghi hai bàn trong hiệp một đều nhờ công đội trưởng Shiokoshi Yuzuho. Sang hiệp hai, dù thay ba người trong đó có Shiokoshi, Nhật Bản vẫn ghi thêm năm bàn, hầu hết đều là những pha xử lý đẳng cấp.
Việt Nam thua Nhật Bản không phải kết quả bất ngờ. Tuy nhiên, tỷ số 0-7 phần nào nằm ngoài dự tính, và khiến thầy trò ông Mai Đức Chung thất thế trong cuộc đua giành vé vào tứ kết với tư cách một trong ba đội nhì bảng có thành tích tốt. Lúc này, Việt Nam (hiệu số bàn thắng bại -5), Thái Lan (0) và Uzbekistan (+6) đều có ba điểm. Thái Lan đã giành vé. Uzbekistan sẽ làm được điều tương tự nếu không thua chủ nhà Trung Quốc với cách biệt ít nhất 12 bàn. Khi ấy, tấm vé còn lại sẽ được quyết định bởi tỷ số trận Philippines - Myanmar ở bảng E. Đội thắng sẽ đi tiếp còn nếu hòa, Việt Nam giành vé.
Đối đầu Nhật Bản, HLV Mai Đức Chung tung đội hình mạnh nhất. Thanh Nhã đá chính trận thứ hai liên tiếp, sau khi dự bị ở trận ra quân gặp Nepal. Tuy nhiên, bộ khung này không thể giúp Việt Nam tạo ra thế trận hiệu quả trước đối thủ đá kiểm soát và có trình độ vượt trội. Sau gần 20 phút chống đỡ, hệ thống phòng ngự của Việt Nam bị đánh gục bởi một pha tấn công trung lộ. Wakisaka Reina phối hợp với Koyama Shinomi rồi chọc khe để Shiokoshi hạ Kim Thanh. Nhật Bản chỉ mất năm phút để nhân đôi cách biệt. Đường căng ngang từ cánh trái của Nakashima chạm chân Diễm My nhưng vẫn đến vị trí của Shiokoshi, tạo điều kiện để tiền đạo số 10 ghi cú đúp.
Sau hai bàn thua chóng vánh, HLV Mai Đức Chung hy vọng tạo đột biến từ ghế dự bị. Ông đưa Thu Thương và Vạn Sự vào thay Thu Thảo, Hải Linh. Nhận thấy Việt Nam điều chỉnh chiến thuật, Nhật Bản chủ động giảm nhịp trận đấu. Điều này phần nào giúp Việt Nam có nhiều bóng hơn, nhưng các pha lên bóng của Thanh Nhã và đồng đội vẫn như đâm vào đường cụt. Tình huống nguy hiểm nhất Việt Nam tạo ra trong hiệp đầu là cú sút xa của Thái Thị Thảo khiến thủ thành Nhật Bản phải đẩy qua xà.
Hy vọng mong manh về màn ngược dòng của Việt Nam bị dập tắt đầu hiệp hai. Trong vòng bốn phút, Nhật Bản ghi thêm hai bàn. Từ pha phạt góc bên phải vào, nhờ chiều cao vượt trội, Chiba Remina băng cắt ở cột gần rồi đánh đầu trái phá, khiến Kim Thanh không kịp phản xạ. Không lâu sau, Nhật Bản được hưởng phạt đền sau pha để bóng chạm tay của Hải Linh, và Wakisaka không bỏ lỡ từ chấm 11m.
Dẫn bốn bàn, nhưng Nhật Bản không muốn dừng lại. Các cầu thủ dự bị của họ thậm chí quyết tâm hơn sau khi được tung vào sân, trong số đó có tiền đạo Osawa Haruka. Cầu thủ này di chuyển liên tục, khiến hàng thủ Việt Nam bở hơi tai. Chính sự năng nổ và khôn khéo này giúp Osawa thoát kèm để đón đường chọc khe từ trung vệ Koga Toko rồi bấm bóng qua Kim Than, nâng tỷ số lên 5-0.
Ở cánh phải, tiền vệ Chiba liên tục làm khổ Hoàng Thị Loan, Trần Thị Duyên. Cô nâng tỷ số lên 6-0 cho Nhật Bản bằng pha băng cắt dứt điểm từ đường căng ngang của Koyama. Cú sút đầu tiên của Chiba bị Trần Thị Duyên chặn lại, nhưng cô vẫn kịp đoạt bóng rồi bình tĩnh đánh bại Kim Thanh. Bàn cuối cùng của Nhật Bản được ghi ở phút bù giờ thứ hai, Osawa hoàn tất cú đúp với pha xoay người dứt điểm đẳng cấp bằng chân trái. Ba cầu thủ Nhật Bản ghi cú đúp trận này gồm Osawa, Chiba và Shiokoshi.
Kết quả 7-0 giúp Nhật Bản trở thành một trong bốn đội giành vé vào tứ kết, bên cạnh Thái Lan, Đài Bắc Trung Quốc và Hàn Quốc. Việt Nam không thể tự quyết số phận, mà phải chờ kết quả hai trận khác, và cơ hội của đội cũng rất mong manh.
Thông tin trước trận đấu
Tổng quan nữ Việt Nam vs nữ Nhật Bản
Sau hai chiến thắng, trước Nepal 2-0 và Bangladesh 6-1, ĐT nữ Việt Nam đang tạm thời xếp thứ nhì ở bảng D dù có cùng 6 điểm nhưng lại kém về hiệu số bàn thắng/bại so với đối thủ. HLV Mai Đức Chung sẽ phải hướng đến một trận hòa, nếu muốn cạnh tranh tấm vé vào tứ kết dành cho đội nhì bảng có thành tích tốt nhất. Nguyên do, hiện đang có ít nhất 2 đối thủ cạnh tranh với ĐT nữ Việt Nam có thể sẽ giành 4 điểm sau khi kết thúc vòng bảng.
Cho nên nếu giành 1 điểm trước ĐT nữ Nhật Bản, thầy trò ông Mai Đức Chung sẽ kết thúc với vị trí nhì bảng D khi có 7 điểm. Sau khi trừ đi 3 điểm với đội đứng cuối bảng (Nepal hoặc Bangladesh), ĐT nữ Việt Nam sẽ còn 4 điểm. Điểm số này cao hơn đội đứng nhì ở bảng E nên sẽ nằm trong Top 3 đội nhì có thành tích tốt nhất và tiến vào tứ kết. Trong trường hợp thua ĐT nữ Nhật Bản, ĐT nữ Việt Nam chỉ còn 3 điểm để so sánh với đội đứng nhì của các bảng khác. Khi ấy, thầy trò ông Mai Đức Chung sẽ phải nhìn vào kết quả các bảng mới biết có giành quyền đi tiếp hay không.
Rõ ràng, ĐT nữ Việt Nam sẽ phải tự quyết định số phận của mình trong cuộc đối đầu với ĐT nữ Nhật Bản. Mục tiêu có 1 điểm trước “đại nương” của bóng đá châu Á không hề dễ dàng chút nào dù ĐT nữ Nhật Bản không mang đến ASIAD 2023 đội hình mạnh nhất. Dù vậy, những người còn lại cũng giúp họ trở thành ứng viên nặng ký cho tấm HCV tại Á vận hội năm nay.
ĐT nữ Nhật Bản thể hiện phong độ “huỷ diệt” khi lần lượt thắng Bangladesh và Nepal cùng với tỷ số 8-0. Lần gần nhất ĐT nữ Việt Nam và ĐT nữ Nhật Bản đụng độ nhau là ngày 24/1/2022, tại Asian Cup. ĐT nữ Việt Nam khi đó thất bại với tỷ số 0-3. Lần gần đây, ĐT nữ Việt Nam chọc thủng lưới ĐT nữ Nhật Bản trong trận thua 1-6 là tại vòng loại Olympic hồi năm 2016.
Đáng chú ý, trong hầu hết các trận đối đầu với ĐT nữ Nhật Bản, chúng ta thường để thua 3 bàn trở lên. Rõ ràng, những chỉ số đối đầu trong quá khứ đang không ủng hộ thầy trò HLV Mai Đức Chung. Thế nhưng, nếu nhìn từ màn thể hiện tại World Cup nữ 2023, ĐT nữ Việt Nam hoàn toàn có quyền nghĩ đến một điều tốt đẹp khi đối đầu ĐT nữ Nhật Bản
Xem thêm: