Ở giải đấu U22 Đông Nam Á đang diễn ra trên đất Brunei, U19 Việt Nam đã không phụ lòng tin và tình cảm của NHM trên khắp giải đất hình chữ S với thành tích lọt vào tới trận chung kết. Bên cạnh đó, trong khi ĐTQG hay U23 Việt Nam thường “khớp” mỗi khi đụng phải đối thủ kỵ giơ Thái Lan, thì các học trò trẻ của HLV Graechen không hề e sợ, chơi trên chân các cầu thủ trẻ xứ Chùa vàng. Đó là một tín hiệu vui cho tương lai.
Nếu ai đó còn nghi ngờ vào tuyên bố sẽ đôn lứa 1 của Học viện HAGL-Arsenal JMG lên đá V-League 2015 của bầu Đức thì hãy nhìn vào Trần Minh Vương. Ngay trong mùa đầu tiên thi đấu ở giải đấu hạng cao nhất Việt Nam, Trần Minh Vương đã được bầu chọn là Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V-League 2014.
Sau thành công của U19 Việt Nam, rất nhiều lời khen ngợi đã dành cho lò luyện cầu thủ “gà nòi” của ông chủ HAGL. Nhưng chuyện bầu Đức tốn bao nhiêu tiền hằng năm cho lò luyện này, lại là điều bí mật (Dĩ nhiên, không tính số tiền mà bầu Đức đã bỏ ra để xây dựng cơ sở vật chất).
Trước hết, bầu Đức đã mất gì cho Học viện HAGL-Arsenal JMG nói riêng và cho bóng đá nói chung? Theo chính người trong cuộc của HAGL, hằng năm bầu Đức chưa bao giờ tiêu tốn quá 50 tỷ đồng để nuôn 4 đội gồm: đội lớn HAGL dự V.League và 2 khóa Học viện Arsenal JMG và 1 lớp tuyến trẻ U19 được tập trung.
Điều đáng ngạc nhiên là, trong gần 50 tỷ đồng của bầu Đức để nuôi bóng đá, số tiền dùng cho đội lớn HAGL dự V.League đã chiếm đến 70% bao gồm những khoản “nặng” nhất là tiền lương, lót tay, tiền thưởng và tiền ăn ở di chuyển khi thi đấu. Do vậy, tiền đầu tư cho đào tạo trẻ với 3 tuyến hiện tại hằng năm chỉ tốn của bầu Đức khoảng 15 tỷ đồng.
Có nghĩa, số tiền mà bầu Đức bỏ ra cho lứa 1 Học viện HAGL-Arsenal JMG phần lớn là nòng cốt của U19 Việt Nam hiện tại thực tế không quá lớn. Song cái được mà vị tỷ phú này thu về với thành công của U19 Việt Nam là không thể đo đếm được.
“Cá nhân bầu Đức và HAGL được khá nhiều: Cả hình ảnh thương hiệu (Brand image) lẫn uy tín thương hiệu (Brand reputation). Chính bóng đá đã "nuôi" thương hiệu HAGL rất nhiều: Được nhiều người biết đến ngoài biên giới Việt Nam; Có hình ảnh "quốc tế" nhờ gắn với CLB Arsenal; Tạo dựng được uy tín nhờ đào tạo và phát triển một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng và có văn hoá. Về lâu dài, HAGL sẽ còn "lãi" nhiều về thương hiệu nếu biết tận dụng thành công đã có được”, Ông Nguyễn Đức Sơn nguyên Giám đốc Chiến lược thương hiệu cho công ty tư vấn hình ảnh thương hiệu đầu tiên được cấp phép tại Việt Nam năm 1994 – Richard Moore Associates nhận định.
Theo ông Sơn: “Ở Việt Nam nhiều ông bầu cũng chọn bóng đá làm đòn bẩy cho thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu cá nhân. Bầu Thắng (ĐTLA), bầu Hiển (Hà Nội T&T), bầu Trường (Ninh Bình), bầu Đệ (Xuân Thành Sài Gòn), bầu XYZ… Tại sao ông Đức thành công hơn (ít nhất là về hình ảnh)? Vì ông ta là người đầu tiên và biết làm khác biệt”.
“Đầu tiên vì HAGL là CLB tạo trào lưu làm kinh tế dựa vào bóng đá (thuê Kiatisuk trả lương 10.000USD/tháng là ví dụ điển hình). Khác biệt vì đầu tư đào tạo cầu thủ trẻ kết hợp với thương hiệu toàn cầu Arsenal. Đúng là rất "khôn ngoan". Làm cái chưa ai làm!”, Ông Nguyễn Đức Sơn nói tiếp.
Có lẽ còn quá sớm để khẳng định rằng lứa U19 của Học viện HA.GL Arsenal JMG hiện tại (và cả các lớp sau này) sẽ gánh vác trọng trách nâng tầm nền bóng đá xứ sở, đưa chúng ta bơi ra biển lớn… Ví dụ đơn giản, ở Đức, cứ 5.000 cầu thủ thuộc các Học viện bóng đá mới sản sinh ra một tuyển thủ quốc gia như Mesut Ozil.
Mặc dù vậy, những gì ĐT U19 Việt Nam làm được (với nòng cốt là người của HA.GL Arsenal JMG), bầu Đức sẽ được nhớ mãi là người đi tiên phong trong cách làm bóng đá trẻ và chính bầu Đức cũng đã bóc trần những hạn chế trong công tác đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam!
Theo Thể Thao 24h