(Xsbandinh.com) – Sau khi lên chơi ở giải hạng Nhất, CLB Viettel không giấu nổi tham vọng muốn trở lại V-League bằng chính lứa cầu thủ nhà nòi của mình. Nếu thành công, họ có thể sẽ xin phép Bộ Quốc Phòng làm sống lại cái tên “Thể Công”, và lúc này, những kỷ niệm của những người hâm mộ đội bóng áo lính đã ùa về.
Cho đến nay những mảnh ký ức manh mún vẫn còn đọng lại trong tâm trí tôi vẫn là tình huống ăn mừng bàn thắng đầu tiên mà tiền vệ Ngọc Duy từng ghi được trong màu áo Hà Nội T&T, không lâu sau khi anh ghi bàn từ chấm đá phạt đẹp mắt, cầu thủ này chạy đến vạch kẻ giữa sân khán đài A, đứng nghiêm trước mặt khán giả, giơ tay chào theo kiểu quân đội. Bất kỳ một CĐV trung thành nào của Thể Công cũng không khỏi xúc động khi bắt gặp cảnh tượng đó. Tất nhiên, phần lớn sẽ nghĩ ngay đến cái tên Nguyễn Hồng Sơn, cầu thủ đã mang màn ăn mừng này trở thành thương hiệu của riêng anh.
Thể Công từng là một biểu tượng |
Thể Công trong mắt tôi ngày bé là một đội bóng đại diện cho cả quốc gia. Lần đầu tiên nghe đến cái tên này tôi thắc mắc rằng tại sao lại là Thể Công, họ đến từ đâu. Nó chẳng rõ ràng như Công an Hà Nội, Công an TPHCM, hay là Cảng Sài Gòn, Nam Định hay SLNA,… Họ không đại diện cho một địa phương nào nhưng lại thi đấu ở giải vô địch quốc gia. Nhưng cũng chính cái sự mập mờ ấy mà tôi càng tò mò và muốn biết rõ hơn về đội bóng này.
Chỉ đến đó tôi mới vỡ lẽ rằng Thể Công chính là đội bóng được yêu thích nhất và người người, nhà nhà đều nhắc đến cái tên này trên sóng radio, truyền hình đến những câu chuyện nhỏ nhắt nhất ngoài đời thường. Bạn thức giấc vào buổi sáng và trò chuyện với những cụ già, họ sẽ nói cho bạn kết quả trận đấu chiều qua ra sao. Thể Công thắng bao nhiêu bàn, Hồng Sơn thi đấu ra sao và không khí của trận đấu náo nhiệt đến thế nào.
Ngọc Duy và Văn Quyết thuộc những lứa trẻ cuối cùng của Thể Công |
Là một cậu bé, bạn không cần xem một trận đấu cũng có thể yêu một đội bóng ra sao, thông qua những lời kể, ông kể cho cháu nghe Ba Đẻn đi bóng oai phong làm sao, Cao Cường sắc sảo như thế nào, cha kể cho con phải rắn rỏi như Mạnh Cường, Mạnh Dũng, anh kể cho em hãy khoác lên vai chiếc áo số 8 của Nguyễn Hồng Sơn với lòng tự hào. Thể Công trở thành một món ăn tinh thần, một chủ đề nói chuyện quen thuộc, khi mà bóng đá Việt Nam vẫn còn là niềm vui, thứ đức tin cuồng nhiệt của triệu triệu con người Việt Nam khi ấy.
Thể Công là đội bóng áo lính, vì thế các cầu thủ thi đấu vì hình ảnh những người đồng đội, đồng chí đã ngã xuống trong chiến tranh. Quan trọng hơn, họ là một tập thể mạnh được tạo nên từ sự đoàn kết. Hồng Sơn, Việt Hoàng hay Quang Hà và Đặng Phương Nam có thể toả sáng trên hàng công cũng là nhờ một hậu phương vững chắc. Một điểm nữa khiến cho người hâm mộ có cảm tình với Thể Công chính là màu áo đỏ. Nhưng đó không phải màu đỏ khiến cho người Anh yêu thích Manchester United và Liverpool, mà gần hơn với màu đỏ khiến người Nhật hâm mộ Urawa Reds. Những đất nước phải trải qua quá nhiều đau thương trong chiến tranh, họ tôn sùng màu đỏ, màu cờ, màu máu của những vị anh hùng dân tộc đã khuất. Thể Công là đội bóng đại diện cho một quốc gia cũng là vì thế.
U19 Viettel ăn mừng bàn thắng ở giải VĐQG |
Thể Công là một biểu tượng của một thứ bóng đá phi lợi nhuận, là một thú vui, món ăn tinh thần của các cổ động viên. Họ không chạy theo thành tích mà vẫn duy trì truyền thống, ngay cả khi bóng đá ngày càng nhuốm màu bạc của kim tiền. Những người ủng hộ có thể tôn trọng quyết định đó của đội bóng, song cũng có những người cho rằng Thể Công đã quá cứng nhắc. Vào một ngày nọ, khi toàn bộ những đội bóng tại V-League đều chuyển sang sử dụng một số cầu thủ ngoại, thì trong một chương trình truyền hình quốc gia, những nhà báo, bình luận viên nổi tiếng cùng ngồi lại để phân tích xem liệu Thể Công có nên dùng cầu thủ ngoại để trụ lại với V-League hay không.
Kết quả là chỉ nhỉnh hơn con số 50% chút xíu thôi những người được hỏi trả lời rằng không nên. Có lẽ họ cho rằng Thể Công là một đội bóng đặc biệt, đội bóng lính và không thể nào sử dụng những cầu thủ ngoại, nhưng trong thâm tâm họ cũng lo ngại rằng nếu không dùng cầu thủ ngoại, Thể Công sẽ chết. Họ tất nhiên đã tính đến bước đó. Cũng phải thôi, nếu Thể Công chết, họ cũng sẵn sàng chết, chủ động từ bỏ V-League, nói không với bóng đá nội, cất giữ những ký ức về màu áo đỏ tung bay tại Hàng Đẫy vào một góc nhỏ, để nó âm thầm chìm trong bóng tối. Với rất nhiều người, Thể Công có ý nghĩa đặc biệt như thế. Cuối cùng thì khi đội bóng rơi xuống đáy vực khủng hoảng, khoác lên mình mẫu áo mới của Viettel, họ mới chuyển sang sử dụng các ngoại binh.
Nhưng Thể Công Viettel cũng chỉ sống lay lắt được ở giải hạng Nhất, cho đến cái ngày 25/9/ 2009 lịch sử, Bộ Quốc Phòng chính thức xoá tên Thể Công ra khỏi bản đồ bóng đá Việt Nam. Sự biến mất của Thể Công đồng nghĩa với việc V-League mất đi khoảng một nửa lượng người hâm mộ. Nhưng Thể Công không chết, cái tên ấy không bao giờ bị tàn lụi, đội bóng ấy sẽ chẳng thể nào hoá thành trò. Ẩn giấu đâu đó vẫn còn những tinh thần bất diệt của một tượng đài. Nhìn những lứa cầu thủ trẻ của Viettel đều ăn mừng bàn thắng theo phong cách chào quân đội ở các giải U quốc gia, có lẽ người hâm mộ không khỏi nghẹn ngào. Thể Công là bất diệt, lực lượng quân đội vẫn là một hình ảnh đại diện cho quốc gia. Những người lính yêu nước, những cầu thủ yêu quân đội và những người hâm mộ yêu Thể Công, những anh lính. Đó là một vòng lặp khăng khít.
VĐV Đào Văn Thuỷ và hình ảnh đẹp tại SEA Games 28 |
Một ngày nọ, tại SEA Games 28, khi quốc thiều của Việt Nam được cất lên với việc Đỗ Thị Thảo giành huy chương vàng nội dung chạy 1.500m nữ, chúng ta thấy một chàng trai thở dốc vì anh vừa hoàn thành bài thi của mình, nhưng vẫn ráng đứng thẳng, và giơ tay chào cờ cho đến khi tiếng nhạc dừng lại. Anh lặp lại hành động đó khi Dương Văn Thái lên bục nhận huy chương vàng nội dung 1.500m nam. Đó là Đào Văn Thuỷ, người chỉ giành huy chương bạc ở nội dung nhảy cao nhưng hình ảnh đẹp mà anh đã tạo ra còn quý giá hơn cả vàng, kim cương. Thể Công cũng có một ý chí như thế, và họ sắp trở lại.