Thứ Bảy, 28/12/2024 Mới nhất
Zalo

Tản mạn M.U: Đừng chỉ đong đếm lòng trung thành bằng thời gian...

Thứ Ba 26/01/2016 15:47(GMT+7)

Theo dõi Bongda24h trên Google News

Điểm chung của những Paul Scholes, Paolo Maldini, Carles Puyol… ngoài tài năng, chắc hẳn đó là sự trung thành. Họ xuất thân từ lò đào tạo trẻ của CLB, thi đấu hết mình cho đội bóng dù trong giai đoạn khó khăn hay vinh quang trải dài. Quan trọng hơn, họ kết thúc sự nghiệp cầu thủ trong màu áo mà họ đã gắn bó từ khi là đứa trẻ cho đến ngày giải nghệ. Như một lẽ tất yếu, họ trở thành huyền thoại tại CLB, một cái kết ngọt ngào, một “happy ending” mà bất kỳ cầu thủ nào cũng ao ước được sở hữu.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian  hinh anh
"Thế hệ Vàng 1992" trong một ngày tái ngộ

Tất nhiên số lượng những cầu thủ làm được như vậy tại các CLB danh tiếng trên thế giới còn ít, nhưng số lượng na ná như vậy thì có cả trăm, cả nghìn. Thật không biết nên vui hay nên buồn, khi Nicky Butt và Phil Neville nằm trong danh sách “na ná” đó. Quá khó để viết về Nicky Butt và Phil Neville, trừ việc họ thuộc Thế hệ Vàng M.U 1992 huyền thoại dưới thời Sir Alex – Nhưng điều đó thì, dường như là điều duy nhất mà ai cũng biết về họ.

Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu kể đến những pha bứt tốc của Ryan Giggs, những cú nã đại bác từ xa của Paul Scholes hay rất nhiều cú đá phạt hoàn mỹ từ David Beckham. Nhưng đây là câu chuyện về Nicky Butt và Phil Neville, 2 mẩu khác của thế hệ Vàng 1992. Họ có gì nổi bật để nhắc đến đây? Chưa kể họ còn rời CLB sớm nữa…

Vậy tại sao lại là Nicky và Phil - 2 con người với phong cách thi đấu và ngoại hình trái ngược? Thực chất họ có rất nhiều điểm chung, cùng sinh vào ngày 21 tháng 1, đại diện cho cung Bảo Bình: những con người có suy nghĩ lạ lùng không giống với số đông. Họ rời United vào những năm 2004, 2005 – khi mà tình cảm vẫn còn đó, nhưng tiếc là không thể tiếp tục chung đường.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian hinh anh 2
Nicky Butt và Phil Neville có phần "mờ nhạt" hơn về mức độ nổi tiếng so với các đồng đội cùng thế hệ Vàng 1992

Hãy bắt đầu trước với Nicky Butt, người lớn tuổi hơn và vẫn đang khoác lên mình màu áo của United (nhưng là chiếc áo khoác với chức danh một HLV tại trung tâm đào tạo trẻ). Nicky có ngoại hình không đẹp nhưng… dễ nhớ. Đó là chiếc đầu trọc lốc không một sợi tóc của mình.

Không biết có phải do sinh ra ở Gorton, địa phương nằm ở tít tắp phía Nam so với thành phố Manchester, mà Nicky không mấy quan tâm đến vẻ bề ngoài, hình thức hay sự hào nhoáng mà thế giới quanh quả bóng tròn mang lại. Nicky thừa nhận mình khác với các thành viên còn lại của thế hệ Vàng 1992 ngay từ điểm xuất phát. Nơi cậu sinh ra không tràn ngập màu hồng của nhung lụa, không yên bình như phần lớn những nơi mà tụi trẻ thoải mái vui đùa. Nicky thường mang 1 cái xích to đùng (to hơn hẳn những loại xích bình thường) để khóa bánh xe ô tô lại, người ngoài nhìn vào ắt hẳn thấy kì cục, nhưng Nicky lại tếu táo chia sẻ: "Đó là cách tôi giữ xe của mình. Tôi bị trộm xe 2 lần rồi nên giờ tôi phải dùng xích to thôi"... Có phải chính nơi đầy tệ nạn đó, đã tôi luyện nên 1 Nicky dũng mãnh – 1 tiền vệ phòng ngự không ngán vào bóng bất cứ đối thủ nào?

Trong thế hệ Vàng 1992, người mà Nicky tìm thấy nhiều điểm chung với mình nhất, có lẽ là Paul Scholes. Thời còn thi đấu, Nicky có để tóc, nhưng là một mái tóc mỏng với những sợi tóc loăn quăn màu vàng giống Scholesy. Tuyệt nhiên không hứng thú với giới truyền thông hay quan tâm tới việc mái tóc mình có hợp mốt không từ năm này qua năm khác.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian hinh anh 3
Nicky Butt thời còn thi đấu dưới màu áo Manchester United


Trận đấu đầu tiên cho đội 1 United của Nicky là vào mùa giải 1992/1993. Nhưng phải đến tận mùa 1994/1995, khi Roy Keane liên tục gặp chấn thương và treo giò, Nicky Butt mới có cơ hội được ra sân và thể hiện mình nhiều hơn. Sau 35 trận khoác áo Quỷ đỏ, Nicky ghi được 1 bàn thắng và ngăn được vô số các đường tấn công nguy hiểm từ đối thủ. Một trong những trận đấu ấn tượng nhất của Nicky mùa đó có lẽ là trận chung kết FA với Everton. Chàng tiền vệ phòng ngự được ra sân ngay từ đầu, trong khi hai cậu bạn Ryan Giggs và Paul Scholes chỉ được vào sân từ ghế dự bị. Những cú tắc bóng, những pha xử lí bình tĩnh giúp Nicky được người hâm mộ United nhớ tên. Và rồi đến mùa giải 1996/1997, Nicky vinh hạnh nhận chiếc áo số 8, chiếc áo còn đang để trống chờ người thay thế xứng đáng sau khi Paul Ince rời United từ năm 1995.

Trong sự nghiệp cầm quân của mình, Sir Alex luôn tôn thờ một triết lý: Không có cái tôi nào được phép lớn hơn cái tôi của HLV. Người đứng đầu CLB phải là Huấn luyện viên trưởng. Nhưng không vì điều đó, mà Sir ghét Nicky – chàng cầu thủ trẻ có phần hơi ngỗ ngược, nhưng cá tính ấy vẫn nằm trong khuôn khổ. Nicky là người duy nhất dám “bật” ngay Sir Alex: "Tại sao tôi không được ra sân vậy?". Những lúc đó Sir cũng thẳng thắn trả lời: "Nicky à, cậu phải ngồi ngoài vì Scholes và Keane đá giỏi hơn cậu". Tuyệt nhiên không có câu nào "bật" lại tiếp theo. Đó chính là điểm khác biệt của Nicky so với phần còn lại. Mạnh mẽ, sẵn sàng bùng nổ nhưng biết đâu là điểm dừng.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian hinh anh 4
Đội hình ra sân của Manchester United trong trận chung kết UEFA Champions League

Việc của Paul Scholes, Ryan Giggs, Beckham là thăng hoa trong các pha bóng tấn công. Còn với Nicky Butt, anh là chốt chặn đề phòng mọi sự nguy hiểm về phía khung thành. Nếu chàng trai ít tóc này bị vượt qua, chắc hẳn hậu vệ United sẽ phải lao đao. Nhưng rất may, Nicky Butt không hề dễ dàng bị vượt qua như vậy. Trận đấu đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của Nicky trong màu áo Quỷ đỏ chắc hẳn là trận chung kết Champions League năm 1999 tại Camp Nou. Scholes và Keane không thể góp mặt nên người đồng hành cùng David Beckham ở vị trí tiền vệ trung tâm chính là Nicky Butt. Song hóa ra đây là sự thay thế tuyệt vời. Nicky trong ngày hôm ấy đã thi đấu xuất sắc, khóa chặt được một Stefan Effenberg to lớn và tinh quái bên phía Bayern Munich.

Trong những năm cuối khoác áo Quỷ đỏ, Nicky Butt chơi không hề dở, chỉ trách là hàng tiền vệ Man United quá chật chội với những cái tên xuất chúng. Sau màn trình diễn đầy ấn tượng dưới màu áo tuyển Anh tại World Cup 2002, Nicky thậm chí còn được “Vua bóng đá” Pele khen ngợi là cầu thủ Anh thi đấu xuất sắc nhất giải đấu mà vốn ban đầu anh chỉ là sự thay thế cho Steven Gerrard dính chấn thương không thể tham dự. Nhưng rốt cục thì 2 năm sau đó, Nicky cũng rời thành Manchester để khoác áo Newcastle. 2 triệu bảng là cái giá quá rẻ so với thực lực của Nicky, song Sir Alex vẫn chấp nhận vì cho rằng, Newcastle sẽ là môi trường tốt để Nicky cống hiến nốt những năm còn lại của sự nghiệp. Dẫu vậy, về sau bản thân Nicky thẳng thắn thừa nhận rằng, rời M.U là một trong những quyết định khiến anh hối hận nhất trong đời.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian hinh anh 5
Phil Neville ăn mừng cùng đồng đội sau khi ghi bàn vào lưới Rangers năm 2003

Một năm sau khi Nicky ra đi, Phil Neville cũng quyết định tiếp bước người bạn rời khỏi Nhà hát của những giấc mơ. Everton là bến đỗ tiếp theo (và cũng là bến đỗ cuối cùng) của cậu em nhà Neville. Việc phải để Phil ra đi cũng khiến HLV Sir Alex tiếc nuối như trường hợp của Butt. Nhất là khi Phil thuộc tuýp cầu thủ biết vâng lời, sẵn sàng thi đấu ở mọi vị trí mà HLV muốn. Giá trị chuyển nhượng của Phil cũng chỉ là hơn 3 triệu bảng, quá rẻ và tất nhiên không tương xứng với những gì Phil Neville đã làm được cho CLB.

Nếu như Gary Neville được biết đến như một hậu vệ phải xuất chúng, lên công về thủ đầy hiệu quả thì Phil Neville kém nổi bật hơn. Cậu em trai có thể đảm nhận ở vị trí hậu vệ cánh, tiền vệ phòng ngự hay bất kì một vị trí nào khác ở hàng tiền vệ, theo lời Sir Alex. Vấn đề của Phil là mọi thứ chỉ dừng lại ở mức “ôn hòa” và “an toàn” chứ khó có thể đột phá như người anh. Nhà Neville nổi tiếng với truyền thống giáo dục tốt. Người anh trai tuy thấp bé hơn nhưng luôn được đánh giá là “đá hay” hơn so với người em. Đây là một nhận xét chủ quan, vì suy cho cùng, vị trí trên sân của Gary và Phil được HLV sắp xếp là khác nhau. Thứ Phil thua kém so với người anh, có lẽ là, sự kiên quyết. Phil không bao giờ có được những quyết định “dứt khoát” như Gary, luôn cam chịu và nhún nhường.

Phil chỉ được ra sân có 19 lần trong mùa giải 2004/2005. Đây rõ ràng là một hồi chuông cảnh báo cho chàng cầu thủ 28 tuổi. Anh vừa muốn ra đi để tìm cơ hội ra sân nhiều hơn, vừa muốn ở lại để cống hiến trong màu áo Quỷ đỏ. Kết cục là Gary Neville đã tới gặp Sir Alex để nói về vấn đề này. Là Gary chứ không phải Phil, nhân vật chính trong câu chuyện. Cuối cùng thì Phil cũng chuyển tới Everton vào tháng 8 năm 2005. Trận đầu tiên Phil khoác lên mình màu áo xanh là cuộc đụng độ với Villarreal mà đội chiến thắng sẽ được quyền tham dự vòng bảng UEFA Champions League 2005/2006. Rất tiếc trong trận đấu đó đội bóng nước Anh đã thất thủ với tỉ số 1 – 2, nhưng một tín hiệu đáng mừng là Phil được thi đấu suốt 90 phút của trận đấu.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian hinh anh 6
Hai anh em nhà Neville đối đầu trong một trận đấu thuộc giải Ngoại hạng

Trận đầu tiên tại giải Ngoại hạng còn đáng nhớ hơn bởi đó còn là màn chạm trán giữa Everton và... Manchester United. Kì cục thật, Phil lần đầu tiên phải thật sự đối đầu anh trai mình. Mà nói đúng hơn, lần đầu tiên Phil phải đá chống lại biết bao người thân mà anh đã gắn bó hơn 10 năm. Dẫu có khó khăn nhưng cậu bé hiền lành nhà Neville cũng đã làm được. Trong gần 8 năm thi đấu tại Everton, Phil Neville chỉ ghi được 5 bàn, nhưng đáng chú ý là 1 bàn trong số đó là ghi vào lưới... Man Utd. Đó là trận bán kết Cup FA năm 2009, khi Phil đang đeo trên vai tấm băng đội trưởng của đội bóng thành phố Cảng.

Những năm tháng tại sân Goodison Park không đem lại cho Phil Neville danh hiệu đáng kể nào. Nhưng nơi đó thực chất đã đem lại cho Phil rất nhiều: sự tin tưởng từ HLV, sự ngưỡng mộ từ các đồng nghiệp. Người đội trưởng của họ, một cầu thủ từ thế hệ Vàng 1992, đã thi đấu thực sự kiên cường và xuất sắc. Phil Neville và Nicky Butt cùng kết thúc sự nghiệp cầu thủ ở độ tuổi 36. Nhưng tình yêu của họ với bóng đá vẫn tràn đầy. Và dù nơi họ kết thúc không phải ở Manchester, nhưng họ luôn sẵn sàng quay lại Old Trafford bất cứ khi nào có cơ hội.

Tan man MU Dung chi dong dem long trung thanh bang thoi gian hinh anh 7
Ban huấn luyện M.U dưới thời HLV tạm quyền Ryan Giggs

Và như một phép lạ, cơ hội cuối cùng cũng đến thật sự. Sau khi HLV David Moyes bị sa thải, Ryan Giggs được bổ nhiệm vào vị trí HLV tạm quyền của Manchester United. Dường như ngay lập tức, Ryan Giggs lựa chọn Phil Neville, Nicky Butt và Paul Scholes là những người sát cánh bên mình trong ban huấn luyện. Trận đấu đầu tiên của họ thực sự đáng nhớ: chiến thắng giòn giã 4-0 trước Norwich với 2 cú đúp từ Wayne Rooney và Juan Mata.

Sau mùa giải ấy, Nicky Butt tiếp tục đồng hành với đội bóng thành Manchester với tư cách là HLV đội trẻ. Phil Neville thì thử sức với nhiều vai trò hơn. Anh trở thành bình luận viên bóng đá trên đài BBC trước khi sang Tây Ban Nha để làm trợ lý cho người anh trai Gary, HLV trưởng “Bầy dơi” Valencia.

"Bạn có thể hết yêu mối tình đầu, nhưng bạn sẽ không bao giờ quên được họ. Dù cho bạn có yêu bao nhiêu người tiếp theo nữa, mối tình đầu luôn chiếm được một khoảng riêng trong trái tim bạn". Manchester United chính là tình đầu của Nicky Butt và Phil Neville, của cả Paul Scholes và Gary Neville. Tuy rằng thời gian Nicky và Phil thi đấu tại United không được tính bằng con số 20 năm, họ không kết thúc sự nghiệp tại sân Old Trafford, nhưng họ vẫn mãi là đứa con trung thành tại nơi đây, nơi mà họ luôn nhận được sự chào đón nhiệt thành nhất.

Hoàng Ngọc - Page Trên Đường Pitch

Có thể bạn quan tâm

Xem thêm
top-arrow
X