Nếu như nhắc tới một nghệ sĩ sân cỏ với mái tóc dài, gương mặt phảng phất buồn và từng chơi bóng tại Serie A, người hâm mộ sẽ nhớ đến ai đầu tiên? Pirlo? Không sai, Pirlo là hiện thân của cái đẹp nước Ý, một nét đẹp man mác buồn với sự nhẹ nhàng bay bổng. Nhưng nếu như câu hỏi này được đặt ra vào khoảng hai mươi năm về trước, người ta sẽ chẳng ngần ngại mà nêu ra một cái tên khác: Manuel Rui Costa.
|
Rui Costa một trong những số 10 cổ điển xuất sắc |
Đúng thế, trong khi Pirlo vẫn còn là một tài năng mới nổi ở Brescia hay gặp khó khăn ở Inter Milan thì Rui Costa đã trở thành một biểu tượng của
bóng đá đẹp ở Serie A. Nếu như Pirlo được người ta ưu ái gọi với cái tên “Da Vinci của bóng đá” thì những người yêu mến Rui Costa gọi anh là “Il Maestro” – nhạc trưởng, một cái tên không thể nào hợp hơn với con người hào hoa ấy. Anh điều khiển trận đấu như một số 10 cổ điển đích thực, và còn hơn thế, anh tự soạn ra những khúc nhạc thăng trầm trong sự nghiệp mình.
Những gam màu Suite thời niên thiếu
Cuộc đời Rui Costa là một chuỗi những mảng tối sáng kỳ lạ, và dường như nó đã được báo trước kể từ khi chàng trai sinh ra tại Amadora ấy bước những bước đầu tiên trong sự nghiệp quần đùi áo số. Sau khi được đích thân huyền thoại Eusebio tuyển vào đội trẻ của Benfica khi mới 5 tuổi, Rui Costa trở thành một trong số những thành viên của “Thế hệ vàng” Bồ Đào Nha giành chức vô địch thế giới dành cho lứa tuổi U20 năm 1991, cùng với những Luis Figo, Fernando Couto hay Paulo Bento. Nhưng rồi lứa cầu thủ tài năng ấy lại gục ngã ở trận chung kết giải vô địch U21 châu Âu trước Italia của Fabio Cannavaro và Filippo Inzaghi, mở đầu cho một chuỗi những câu chuyện dang dở của Seleccao.
|
Rui Costa sớm đạt được thành công với U20 Bồ Đào Nha và Benfica |
Rui Costa được đôn lên đội một của Benfica và có những ngày tháng rực rỡ tại sân Da Luz. Ở cầu thủ mảnh khảnh ấy, người ta thấy được tư duy của một thiên tài và nhãn quan chiến thuật khó ai bì kịp. Anh không chơi bóng bằng sức mạnh cơ bắp, cũng không phải bằng tốc độ, mà bằng sự tinh tế và sự bình tĩnh đến lạ thường. Người ta đã bắt gặp dáng dấp này, lối chơi này ở đâu rồi thì phải? Đúng rồi, chính là chiếc áo số 10 huyền thoại của Michel Platini ngày nào. Rui Costa đã từng thừa nhận rằng anh coi Platini là hình mẫu của mình, và người xem dường như cũng thấy bóng dáng của huyền thoại người Pháp trong mỗi bước chạy của Rui. Thế rồi cuộc khủng hoảng của Benfica khiến anh buộc lòng phải ra đi. Trong tình cảnh các đồng đội ồ ạt chuyển tới thi đấu cho đại kình địch Sporting Lisbon, Rui Costa được Barcelona nhắm tới như một sự bổ sung lý tưởng cho Dream Team huyền thoại. Dưới sự dẫn dắt của Johan Cruyff, lẽ ra anh đã có thể trở thành một cầu thủ vĩ đại với ánh hào quang chói ngời. Nhưng rồi Manuel Damasio trở thành chủ tịch mới của Benfica và vụ
chuyển nhượng của Rui bị hủy bỏ vào phút chót.
Thời niên thiếu của Rui Costa có đủ những sắc thái trái chiều như thế, và dường như nó làm người ta nhớ đến những giai điệu của một bản Suite cổ điển. Ở đó người ta thấy những nốt nhạc vui tươi, những điệu vũ khúc khiến người nghe muốn nhún nhảy, nhưng đan xen trong đó là cả những quãng trầm buồn như sự phản chiếu của cuộc đời. Sự nghiệp của Rui Costa khởi đầu một cách đầy truân chuyên, nhưng không ai biết rằng những nốt trầm trong điệu Suite ấy lại là mở đầu cho một thiên tình ca ở nước Ý.
Điệu Romance lãng mạn và màu tím thủy chung
Bỏ lại giấc mơ Catalunya sau lưng, Rui Costa đến với thành Firenze thơ mộng. Người ta biết tới vùng đất miền Trung nước Ý như cái nôi của nghệ thuật thời kỳ Phục Hưng, nơi những nghệ sĩ vĩ đại như Michenlangelo hay Dante đã từng ghi dấu ấn. Và rồi trong những năm cuối thế kỷ XX, tất cả lại được chứng kiến một người nghệ sĩ nữa ghi dấu giày của mình trên từng thước cỏ tại Artemio Franchi. Fiorentina thời vàng son nổi lên như một trong những đội bóng có lối chơi quyến rũ bậc nhất, với một “Vua sư tử” Batistuta và “Thú hoang” Edmundo. Nhưng đằng sau cặp song sát trứ danh ấy còn có bóng dáng chiếc áo số 10 của Rui Costa. Anh vờn quả bóng một cách từ tốn nhưng không quá chậm chạp, khoan thai nhưng không quá rườm rà, để rồi sau đó tung ra một đường chuyền xẻ nách chết người cho Batigol hay Edmundo băng xuống.
|
Rui Costa và Zidane thường xuyên so kè nhau ở vị trí số 10 hay nhất Serie A |
Nếu như người dân thành Firenze từng tự hào khi được chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc của Michelangelo hay vần thơ của Dante, thì có lẽ họ cũng nên cảm thấy may mắn khi được chứng kiến điệu Romance của Rui Costa trên sân cỏ. Anh điều phối trận đấu thong dong như một người nghệ sĩ thưởng thức cái đẹp, anh xoay compa có lẽ đẹp chẳng kém Zidane, anh kiến tạo, sút phạt, che bóng và thậm chí là hỗ trợ phòng ngự khi cần thiết. Anh làm tất cả mọi việc có trong định nghĩa về một trequartista mẫu mực. Trong những năm tháng đẹp đẽ ấy, Batistuta cùng với Rui Costa trở thành những biểu tượng của lòng chung thủy. Với tài năng của mình, họ đã có thể tới thi đấu cho những CLB lớn và đạt được vô số danh hiệu cao quý, nhưng cả hai lại chọn ở lại với Fiorentina mà không đòi hỏi bất cứ điều gì. Tuy nhiên những người yêu quý Rui Costa hẳn vẫn có chút chạnh lòng khi báo chí chỉ nhắc tới Batistuta trong mối tình nên thơ với màu áo tím.
Người ta ca ngợi quyết định dũng cảm của Batigol khi cùng Fio xuống chơi tại Serie B, và rồi trong cái mùa giải 2000/2001 đầy cảm xúc, người ta nói nhiều tới giọt nước mắt của “Vua sư tử” sau khi ghi bàn vào lưới Fio. Nhưng nào ai biết rằng trong lúc đó, Rui Costa vẫn ở đó trong màu áo tím và lặng lẽ với bản tình ca của riêng mình. Ai đó hẳn còn nhớ khoảnh khắc Rui Costa giúp Fio nhấn chìm một AC Milan hùng mạnh với tỷ số 4-0, khi anh kiến tạo cho Nuno Gomes và Enrico Chiesa trước khi tự mình ghi bàn thắng cuối cùng. Vài người có lẽ cũng chưa quên cách người đội trưởng số 10 ấy giúp đoàn quân áo tím giành chức vô địch Coppa Italia. Trong buổi hoàng hôn của La Viola, vẫn có một người nguyện trung thành đến cuối cùng và chỉ ra đi để giải cứu đội bóng khỏi nợ nần, liệu còn có bản nhạc nào lãng mạn hơn thế? “Il Maestro di Firenze” – người nhạc trưởng thành Firenze đã ra đi và để lại những điệu Romance da diết. Để rồi người ta cuối cùng cũng thấy anh vụt sáng ở một sân khấu lớn hơn.
Bản giao hưởng hùng tráng ở châu Âu
Tháng 7/2001, Rui Costa theo chân ông thầy Faith Terim gia nhập AC Milan với mức giá kỷ lục của đội bóng, 45 triệu euro. Áp lực dành cho chàng tiền vệ người Bồ lớn khủng khiếp, nhất là khi Milan đã có quá nhiều cầu thủ đẳng cấp ở hàng tiền vệ như Albertini hay Pirlo. Mùa đầu tiên trải qua vô cùng thất vọng với Rui Costa khi anh không thể hòa nhập với đội bóng, nhưng tới mùa thứ hai, anh trở lại là chính mình và bắt đầu viết nên những bản giao hưởng trong màu áo đỏ đen. Dưới sự dẫn dắt của Carlo Ancelotti, Rui được đặt ở vị trí số 10 trong sơ đồ cây thông, anh được hỗ trợ bởi Pirlo, bao bọc bởi Seedorf và cặp tiền đạo Shevchenko – Inzaghi luôn sẵn sàng chạy chỗ mỗi khi anh có bóng. Rui Costa đã có trong tay cả một dàn nhạc của riêng mình, và công việc của anh là xoay chiếc đũa chỉ huy để tạo nên những kiệt tác.
Những người yêu bóng đá hẳn đã ít nhất một lần cảm thấy sởn gai ốc khi giai điệu hùng tráng của bản nhạc Champions League vang lên, và với những Milanista, mùa giải 2002/2003 còn chứa đựng một giai điệu hào hùng hơn thế. Nhạc trưởng Rui Costa đã cùng với Rossoneri làm nên một bản giao hưởng tuyệt vời tại đấu trường châu Âu, đó là khi anh tung đường chọc khe sắc lẹm để Shevchenko thoát xuống sút tung lưới Real Madrid, là khi anh dọn cỗ để Inzaghi ghi bàn vào lưới Bayern Munich. Người ta nói mùa giải đó Rui chơi hay gấp 3 lần Zidane, đó có thể là một nhận xét mang tính chủ quan, nhưng không ai có thể đánh giá thấp màn trình diễn xuất sắc của tiền vệ người Bồ Đào Nha. Ngày Milan đăng quang tại Old Trafford, Shevchenko có thể là người hùng, Maldini có thể là đội trưởng, nhưng chính Rui Costa mới là ngôi sao sáng nhất.
Sau mùa giải huy hoàng đó, Rui Costa dần lui vào dĩ vãng khi một người Brazil xuất hiện và thế chỗ của anh. Chàng trai Kaka với lối chơi mạnh mẽ và đầy tốc độ như một luồng gió mới cho lối chơi của Milan, và ngay lập tức HLV Ancelotti nhận ra rằng đây sẽ là nhân tố thành công cho Milan. Người ta tiếc cho Rui Costa khi anh bị đẩy lên băng ghế dự bị ngay trong thời điểm đỉnh cao của sự nghiệp, và nhiều người hẳn vẫn còn nhớ tới hình bóng của một chàng nghệ sĩ với dáng người mảnh khảnh cùng đôi tất luôn được kéo xuống quá nửa bọc ống đồng. Hình ảnh ấy cũng như việc một nhà soạn nhạc đại tài luôn để lại dấu ấn của mình trong những kiệt tác. Mozart nổi tiếng với việc đưa kèn clarinet vào dàn nhạc giao hưởng, Beethoven là người đầu tiên thêm kèn trombone vào bản hòa tấu của mình. Còn với Rui Costa, anh để lại dấu ấn với đôi tất kéo xuống thấp nửa ống chân, một hình ảnh của sự tự do và phóng khoáng. Người ta đã từng thấy huyền thoại Paul Breitner và sau này là Thomas Muller kéo đôi tất của mình xuống như thế, nhưng không đôi chân nào có thể toát lên vẻ nghệ thuật như của Rui Costa. Lần cuối cùng người ta thấy đôi chân ấy ghi dấu ấn tại Serie A là khi Rui vẽ một đường cong tuyệt đẹp đưa bóng vào lưới Brescia năm 2005, trước khi biến mất mãi mãi.
Bản Sonate ánh trăng của bóng đá
Sẽ còn rất nhiều giai điệu nữa mà người ta có thể nói về cuộc đời của Rui Costa. Đó có thể là điệu Fado trầm buồn - điệu nhạc truyền thống của Bồ Đào Nha - khi người hâm mộ nhớ về cái kết dở dang của một “Thế hệ vàng” lừng lẫy. Đó có thể là điệu Concerto với những đoạn solo của một thiên tài khi khán giả được thưởng thức đôi chân ma thuật của Rui. Nhưng sau tất cả, có lẽ bản Sonate Ánh Trăng sẽ là cái kết trọn vẹn cho sự nghiệp của số 10 vĩ đại nhất lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha.
Chương một là sự da diết và có chút gì đó than vãn như chính sự nghiệp trắc trở của Rui Costa, chương hai là sự bình yên như bản chất con người của anh vậy, nhưng chương ba mới là khúc làm nên kiệt tác của Beethoven. Giai điệu mạnh mẽ, sôi nổi khiến cho người ta có thể say mê trong không gian của nghệ thuật và cảm xúc. Đó chẳng phải là điều mà Rui đã từng đem tới cho những CĐV của Benfica, Fiorentina, AC Milan hay toàn thể giới hâm mộ túc cầu giáo hay sao? Và cái kết có hậu của bản Sonate cũng như để mô tả đoạn cuối trong sự nghiệp của Rui.
|
Rui Costa người nhạc trưởng tài hoa |
Kaka từng tiết lộ rằng Rui Costa đã từng dạy bảo anh như thầy giáo với học trò ngay trong giờ nghỉ giải lao, một sự chuyển giao đầu tiên giữa số 10 cổ điển và số 10 hiện đại. Một cậu bé Indonesia đã thoát chết thần kỳ sau trận động đất sóng thần lịch sử năm 2004 khi đang mặc bộ quần áo số 10 của Rui Costa, để rồi giờ đây cậu trở thành cầu thủ trẻ của Sporting Lisbon. Hay đơn giản như cái cách anh rời bỏ Milan sau 1 năm vật lộn với chấn thương vì không muốn trở thành gánh nặng của đội bóng. Những câu chuyện lượm lặt như thế là đủ để người ta có thể mỉm cười và nhớ về một “Il Maestro” ngày nào.
Cả sự nghiệp Rui Costa luôn đứng sau những ngôi sao sáng nhất, từ Baggio và Zidane ở Serie A, Batistuta ở Fio, Kaka ở Milan cho tới Figo ở ĐTQG. Giá như anh đừng sinh nhầm thời, giá như anh đừng quá thâm trầm như thế thì có lẽ anh đã có được ánh hào quang xứng đáng với mình. Nhưng có lẽ anh cũng chẳng mấy quan tâm tới ánh mặt trời chói lòa ấy. Với anh, người ta sẽ nhớ tới ánh trăng dịu nhẹ khi mặt trời đã khuất rạng nhiều hơn.
Khi đó, anh sẽ xuất hiện với dáng người thanh mảnh, vuốt mái tóc dài tuyệt đẹp, kéo đôi tất xuống thấp quá nửa bọc ống đồng và bắt đầu bản Sonate bất hủ của riêng mình.
Thế Hưng - Trên Đường Pitch