Tháng 11/1989, một sự kiện lịch sử diễn ra ngay tại trái tim của nước Đức. Bức tường Berlin sụp đổ và chính thức tái hợp hai miền Đông-Tây đất nước trong niềm hân hoan của người dân. Sự kiện đánh dấu ngày tàn của Chiến tranh lạnh cũng là dấu mốc cho sự hợp nhất của bóng đá Đức. Đội tuyển Tây Đức hùng mạnh dĩ nhiên vẫn là nòng cốt của Cỗ xe tăng, nhưng không ai biết rằng một cậu bé tới từ Đông Đức sẽ trở thành thủ lĩnh của đội bóng áo trắng trong tương lai. Ngay cả bản thân Michael Ballack cũng không hề biết mình sẽ trở thành nhân vật quan trọng nhường ấy khi đang mải xem một trận bóng đá trên ti vi.
|
Michael Ballack vị Hoàng đế không ngai của nước Đức |
Khởi nghiệp tại Kaiserlautern, Ballack đã sớm gây ấn tượng với ban huấn luyện đội bóng với khả năng chơi bóng toàn diện và đặc biệt là tư chất hiếm có của một thủ lĩnh tiềm năng. Tính cách đó được anh rèn luyện khi còn nhỏ, từ những buổi thu lượm ve chai để lấy tiền tiêu hay những buổi quần thảo trên sân bóng gần nhà. Và người trao cơ hội đầu tiên cho Ballack chính là một cái tên quen thuộc, Otto Rehhagel. “Tiểu Hoàng đế” được “King Otto” nâng tầm, và phần còn lại là những trang sử hào hùng của Kaiserlautern. Trong mùa giải 1997/1998, đội bóng vùng Tây Nam nước Đức lập nên một kỳ tích vô tiền khoáng hậu khi vô địch Bundesliga ngay sau khi lên hạng, và Ballack trở thành một nhân tố quan trọng với 16 lần ra sân thi đấu.
Những tưởng như đó sẽ là khởi đầu trong mơ cho một ngôi sao mới trên sân cỏ, nhưng đáng tiếc nó lại mở đầu cho một chuỗi những trắc trở trong sự nghiệp của Ballack. Chiếc áo số 13 mà anh chọn khi chuyển tới thi đấu cho Bayer Leverkusen năm 1999 dường như báo trước một điềm chẳng lành. Với vai trò của một tiền vệ tấn công, Ballack rực sáng ở mùa giải đầu tiên chơi cho đội bóng mới. Sút xa, đánh đầu, kiến tạo, phân phối, tắc bóng, qua người, nhiệm vụ nào Ballack cũng làm tốt. Leverkusen băng băng về đích và họ chỉ còn cách ngôi vương Bundesliga đúng 1 trận hòa. Thế rồi pha đá phản lưới nhà của chính cầu thủ sinh ra tại Goerlitz trong trận gặp Unterhaching khiến đội chủ sân Bay Arena gục ngã với thất bại 0-2, đồng thời gián tiếp dâng cúp cho Bayern Munich. Ballack từ người hùng bỗng trở thành tội đồ trong chốc lát, nhưng đó vẫn chưa phải là cái kết bi thảm nhất.
Ngày 15/5/2002 đã đi vào lịch sử của
Champions League khi Zinedine Zidane tạo nên một kiệt tác có một không hai với cú vô lê chân trái tuyệt đẹp vào lưới Bayer Leverkusen. Bàn thắng được bình chọn là đẹp nhất trong lịch sử giải đấu đã giúp Real Madrid giành cúp bạc châu Âu lần thứ 9, đồng thời tô điểm thêm cho sự nghiệp vốn đã quá lẫy lừng của Zidane. Nhưng ít ai để ý rằng tiền vệ người Pháp đã thực hiện siêu phẩm để đời ấy ngay trước mắt một Michael Ballack đã chơi tuyệt hay trong cả giải đấu. Đó giống như một bức tranh tương phản giữa hai con người ở đỉnh cao và vực sâu. Zidane có một mùa giải trọn vẹn, trong khi Ballack trải qua một cú ăn ba về nhì đầy tiếc nuối. Leverkusen kém Dortmund 1 điểm trong cuộc đua đến ngôi vô địch Bundesliga, phơi áo trước Schalke trong trận chung kết cúp Quốc gia, và cuối cùng bị khuất phục bởi một Galacticos toàn mỹ ở đấu trường châu Âu.
|
Zidane thực hiện cú volley để đời ngay trước mắt Ballack |
Cái năm 2002 đáng nguyền rủa ấy khép lại với một thất bại nữa dành cho Ballack, thất bại đau đớn trên miền viễn Đông xa xôi. Trong bối cảnh ĐT Đức hiếm muộn tài năng, một mình Ballack đã gồng gánh cả một tập thể vào tới trận chung kết World Cup 2002. Nhưng để đánh đổi lấy tấm vé vào tranh cúp vàng, anh đã phải chấp nhận hy sinh tấm vé của chính mình. Một pha phạm lỗi cần thiết ở trận bán kết với Hàn Quốc, một chiếc thẻ vàng, và thế là thủ lĩnh của Die Mannschaft đành bất lực nhìn Brazil tàn sát khung thành của Oliver Kahn. Bốn lần về nhì trong một mùa giải, có lẽ ngay cả những người không yêu mến Ballack cũng có chút chạnh lòng khi chứng kiến số phận trêu đùa con người ấy.
Những ký ức tăm tối nguôi ngoai đi phần nào khi Ballack liên tiếp gặt hái thành công trong màu áo Bayern Munich. Sau những tháng ngày khô hạn danh hiệu là một cơn mưa tươi mát. Ba lần giành cú đúp quốc nội vào các năm 2003, 2005 và 2006 là phần thưởng xứng đáng cho tài năng của Ballack. Nhưng những thành công của anh ở xứ Bavaria bị che lấp phần nào bởi mâu thuẫn với bộ ba quyền lực Uli Hoeness, Karl-Heinz Rummenigge và Franz Beckenbauer. Tất cả cũng chỉ vì tính cách quá mạnh mẽ của Ballack. Tư chất thủ lĩnh của anh bị hiểu nhầm là tính gia trưởng, sự mạnh mẽ trong con người anh bị coi là quá cộc cằn.
Thế nhưng đầu hàng là điều không có trong từ điển của một con người đã ngấm sâu chất Đức trong từng đường gân thớ thịt. Bỏ lại những vinh quang và tủi nhục trên đất Đức, chàng tiền vệ số 13 tìm tới London với một màu xanh hy vọng. Chelsea cho anh sự thừa nhận của một ngôi sao đích thực, và anh đáp lại bằng những màn trình diễn xuất sắc trên sân cỏ. Dù phải lùi về thi đấu ở vị trí tiền vệ trụ nhưng Ballack vẫn cho thấy đẳng cấp thật sự của mình bằng lối chơi xông xáo và khả năng điều nhịp tuyệt vời. Suốt những năm tháng đỉnh cao tại Stamford Bridge, Ballack cùng với Essien, Lampard và Deco tạo thành bộ tứ trụ giúp Chelsea giành đủ mọi danh hiệu quốc nội.
|
Khoảnh khắc không thể quên của Ballack ở Moscow năm 2008 |
Nhưng rồi vận rủi vẫn cứ đeo đẳng Ballack như một thứ dịch bệnh, anh lại một lần nữa gục ngã ngay trước cánh cửa thiên đường. Moscow một đêm mưa tầm tã, khi mà John Terry với cú trượt chân tai hại khiến cho giấc mơ Champions League của The Blues tan thành mây khói, người ta thấy Ballack ngã gục xuống như người mất hồn. Và khi Nicolas Anelka sút trượt quả penalty quyết định, họ thấy con người cương nghị ấy bật khóc nức nở vì những cái kết đầy trái ngang. Hình ảnh đó ám ảnh người xem, cũng giống như khi anh bất lực chạy theo trọng tài Tom Henning Ovrebo để đòi một quả phạt đền một năm sau đó. Tất cả duyên nợ với chiếc cúp bạc danh giá ấy được Ballack cô đọng lại trong một câu nói bông đùa nhưng cũng đầy chua chát: “Terry nợ tôi một chiếc cúp Champions League”.
Terry nợ anh một chiếc cúp, nhưng có lẽ cả nước Đức nợ anh một lời cảm ơn và xin lỗi. Cảm ơn vì anh đã trở thành một dấu gạch nối giữa hai thế hệ cũ và mới của Die Mannschaft, từ những Lothar Matthaus, Matthias Sammer, Jurgen Klinsmann cho tới lứa Philipp Lahm, Bastian Schweinsteiger. Bất chấp sự lạc lõng về trình độ trên sân cỏ, bất chấp mâu thuẫn với những bậc tiền bối, Ballack vẫn một lòng phụng sự cho đất nước. Thế mà họ đổ lỗi cho vận đen của anh khi ĐT Đức thất bại ở chung kết EURO 2008, rồi gạt anh ra như một kẻ bị bệnh phong. Tháng 6/2010, Lahm nói bóng gió về chuyện sẽ lấy luôn băng đội trưởng của Ballack khi anh vắng mặt tại World Cup ở Nam Phi. Bốn tháng sau đó, tờ Bild giật dòng tít “Tất cả đều chống lại Ballack” sau khi anh nhận một cú tát điếng người từ cậu em Podolski. Họ nói rằng Ballack quá khô cứng và có nét gì đó của một thế hệ cũ. Người Đức cần một điều gì đó mềm mại hơn, khôn khéo hơn để phù hợp với hình ảnh mới mà những nhà hoạch định đã cất công dựng lên, như Lahm chẳng hạn.
|
Sự nghiệp của Tiểu hoàng đế trong màu áo ĐT Đức chỉ là câu chuyện dang dở |
Vết thương lòng ấy khiến Ballack ngày một trở nên cay nghiệt hơn, anh công khai chỉ trích Lahm và từ chối trận tri ân mà Joachim Loew dành cho mình. 98 lần khoác áo ĐTQG, anh chỉ thiếu đúng 2 trận nữa để bước vào ngôi đền huyền thoại của “Câu lạc bộ 100”. Nhưng điều đó mãi mãi không bao giờ xảy ra, giống như cái kết dở dang của một câu chuyện buồn. Gary Lineker đã từng có một câu nói nổi tiếng: “Bóng đá là một trò chơi đơn giản, 22 cầu thủ thi đấu trên sân và người Đức luôn giành chiến thắng”. Điều đó có thể đúng với thế hệ giành cúp bạc EURO 1996 hay lứa cầu thủ tài năng lên ngôi tại World Cup 2014, nhưng nó không bao giờ đúng với Ballack. Định mệnh khiến anh trở thành một ngôi sao cô đơn trong đêm tối, một anh hùng trong thời loạn lạc, và trên hết, một kẻ về nhì vĩ đại.
Người ta vẫn thường nói “Thắng làm vua, thua làm giặc”, nhưng có lẽ với Ballack, những thất bại chỉ càng làm cho hình ảnh của anh bất tử trong lòng người hâm mộ mà thôi. Những lần về nhì với Leverkusen, những thất bại tại World Cup 2002 hay EURO 2008, và cả những nỗi tức tưởi cùng Chelsea, tất cả tạo nên sự vĩ đại của một Michael Ballack độc nhất.
Người Đức gọi anh là unvollendeter – một kẻ dang dở, còn tôi sẽ gọi anh bằng một cái tên quyền uy và đậm chất German hơn nhiều: Một Hoàng đế không ngai của nước Đức.
Xem lại video tổng hợp sự nghiệp của Michael Ballack
Thế Hưng - Trên Đường Pitch