(Bongda24h) - ĐT Bỉ đến Euro 2016 với vị trí đứng thứ hai trong bảng xếp hạng FIFA cũng như một "thế hệ vàng" mà HLV Marc Wilmots đưa tới nước Pháp. Thế nhưng liệu thế hệ đó có trở thành một thế lực mới để đi vào lịch sử bóng đá thế giới, hay chỉ là nỗi thất vọng do sự đánh bóng quá mức của giới truyền thông?
Khởi nguyên của thế hệ vàng
Làm thế nào mà đất nước chỉ một lần lọt vào bán kết World Cup, sống trong gần chục năm trời mà không được cổ vũ tại các kỳ Euro có thể đứng đầu bảng xếp hạng FIFA suốt từ tháng 11/2015 đến đầu năm 2016? Đó là câu hỏi chung của rất nhiều người. Nhìn lại thành tích trong lịch sử của ĐT Bỉ, chẳng ai ấn tượng về họ cả. Họ tham gia ở 12/20 kỳ World Cup nhưng chỉ một lần tiến tới bán kết, còn lại là xếp ở vị trí của... kẻ lót đường khi bị loại khá sớm.
Thảm hơn ở đấu trường Euro nếu tính cả giải đấu trên đất Pháp hè này, người Bỉ mới 5 lần giành quyền tham dự ngày hội bóng đá lớn nhất châu Âu. Nên nhớ Euro 2016 là lần thứ 15 giải đấu này được tổ chức trong lịch sử. Bỉ cũng trải qua những quãng thời gian dài không thể tham dự Euro như 1960-1968 (3 kỳ), 1988-1996 (3 kỳ) và gần nhất cũng là quãng thời gian bỏ lỡ 3 kỳ Euro liên tiếp từ 2004-2012. Vậy bóng đá Bỉ làm thế nào để trỗi dậy nhanh đến thế?
|
ĐT Bỉ đang đến Euro 2016 với sự tự tin cao độ của "thế hệ vàng". |
Giới chuyên môn nhận định ĐT Bỉ mang đến Pháp một đội hình được đánh giá là "thế hệ vàng" với những Courtois, De Bruyne, Hazard, Lukaku,... Quãng thời gian là năm 2004-2012, Bỉ không đủ điều kiện tham dự cả Euro lẫn World Cup. Những người làm bóng đá nước Bỉ đã bắt đầu một cuộc đại tu mạnh mẽ khi chú trọng đến sự phát triển của các cầu thủ trẻ, đặc biệt ở hai cấp độ U-21 và U-17.
Hệ thống phát triển cầu thủ trẻ của bóng đá Bỉ có sự liên hệ chặt chẽ giữa cơ quan quản lý của Chính phủ về
thể thao với các trường học. Họ bắt đầu công cuộc tìm kiếm tài năng với sự hỗ trợ về mặt kiểm toán của Double PASS, một chi nhánh nghiên cứu của trường đại học Brussel sau này cũng được
Premier League thuê để phân tích sự phát triển của các cầu thủ.
Tại Bỉ, họ không chỉ phát triển cầu thủ trẻ theo các cấp độ của tuyển quốc gia hay riêng một câu lạc bộ, mà liên kết với đội bóng của các trường học. Trong các trường học, huấn luyện viên sẽ cho cầu thủ trẻ thi đấu dựa trên sơ đồ 3-4-3 với việc nhấn mạnh khả năng kiểm soát bóng, cũng như nâng cao khả năng xoay sở trong một số trường hợp đặc biệt.
Nhờ vào chiến lược phát triển ấy, Bỉ giành được những thành tựu đầu tiên tại Olympic Bắc Kinh năm 2008 khi tuyển U-23 kết thúc ở vị trí thứ tư. Đến World Cup 2014, "De Rode Duivels" (biệt danh của ĐT Bĩ, có nghĩa là "Quỷ đỏ" - PV) chỉ chịu dừng bước ở tứ kết khi để thua á quân Argentina với tỉ số tối thiểu. Điều đáng nói là 17 trong số 23 cầu thủ tới Brazil mùa hè năm 2014 có độ tuổi từ 27 trở xuống.
Đến Euro 2016, người Bỉ có quyền hy vọng "thế hệ vàng" của những Hazard, De Bruyne, Lukaku, Courtois,... có thể viết lại lịch sử cho nền bóng đá của đất nước 11 triệu dân này.
Chỉ là sự đánh bóng của giới truyền thông?
Bên cạnh chủ nhà Pháp, Bỉ cũng được kỳ vọng khá lớn tại Euro 2016 khi họ đứng thứ hai trong bảng xếp hạng FIFA tháng Năm, đồng thời cũng là đội có thứ hạng cao nhất tại giải đấu. Nhưng giới chuyên môn vẫn chưa thực sự đánh giá cao thầy trò HLV Marc Wilmots. Sau trận thắng Na Uy với tỉ số 3-2 hôm 5/6 vừa qua trước thềm Euro 2016, Tore Andre Flo - cựu tuyển thủ Na Uy nay đang là bình luận viên thể thao đã đặt ra một câu hỏi giống với rất nhiều chuyên gia khác: "Liệu họ có thực sự mạnh như giới truyền thông vẫn đánh giá?"
|
Danh sách chính thức của ĐT Bỉ tham dự Euro 2016. |
Người Bỉ đang dùng từ "Golden General" để mô tả về đội tuyển của họ dự Euro 2016 trên các trang truyền thông quốc tế. Nhưng từ ngữ ấy có thực sự chuẩn thì vẫn là sự tranh cãi. Dù sở hữu một dàn cầu thủ có chất lượng cùng thứ hạng khá cao trong bảng xếp hạng FIFA, thế nhưng ĐT Bỉ lại bộc lộ rất nhiều vấn đề.
Điểm tựa niềm tin của người Bỉ lúc này là hàng công với những Hazard,
Romelu Lukaku, De Bruyne là những người được mong đợi nhiều nhất. Thế nhưng Hazard vừa trải qua một mùa giải tồi tệ trong màu áo Chelsea, Lukaku chỉ ghi được 3 bàn cho Everton kể từ đầu năm 2016. Và để so sánh, hãy nhìn chính hình ảnh của Lukaku từ tháng Tám đến hết năm 2015 khi chân sút này ghi được 15 bàn. Nghĩa là thứ lớn nhất để ĐT Bỉ dựa vào cũng đang không thực sự... đáng tin cho lắm.
Khung trung tuyến ngoài Nainggolan, Dembele phần nào thể hiện được mình thì những Fellaini, Alex Witsel đều không được đánh giá cao. Với sự vắng mặt của Kompany, hàng thủ của ĐT Bỉ cũng chưa đem lại sự yên tâm bởi trong ba trận giao hữu trước thềm Euro 2016, ĐT Bỉ lọt lưới đến 4 bàn. Đáng nói là những đội tuyển như Na Uy, Phần Lan đều không có hàng tấn công được đánh giá cao nhưng vẫn ghi được bàn vào lưới các học trò của HLV Wilmots.
Đừng là thế hệ vàng giống người Anh
Nhìn lại lịch sử châu Âu, có không ít "thế hệ vàng" của các cường quốc bóng đá được sản sinh ra nhưng có những thế hệ tạo dựng dấu ấn thành công, cũng có những thế hệ chỉ mang lại sự tiếc nuối.
|
Hàng công tuyển Bỉ gây thất vọng trong những trận giao hữu khởi động cho Euro 2016. |
Gần đây nhất, Tây Ban Nha đã sản sinh ra một thế hệ chinh phục bóng đá châu Âu và thế giới từ năm 2008-2012 với hai chức vô địch Euro cùng một lần lên đỉnh tại World Cup. Trước đó là thế hệ của người Pháp những năm 1998-2006 với những Thierry Henry, Patrick Vieira và Zinedine Zidane khi tiến tới hai trận chung kết World Cup và một lần vô địch Euro năm 2000.
Nhưng không phải "thế hệ vàng" nào cũng thành công. Thập niên 30 của thế kỷ trước, ĐT Áo với "Wunderteam" đã gây ấn tượng mạnh nhưng chẳng thể đứng trên đỉnh cao do những nguyên nhân chính trị, cụ thể hơn là sự kiện World Cup 1934 với bàn tay của trùm phát xít Mussolini, hay cuộc chiến tranh thế giới thứ hai. Đến thập niên 50, Hungary sản sinh ra thế hệ "người Magyars ma thuật" với biểu tượng là Ferenc Puskas chỉ thua duy nhất một lần trong 6 năm, nhưng đó lại là trận thua quan trọng nhất khi bại trận trước Tây Đức ở trận chung kết World Cup 1954 một cách đầy khó hiểu. Và nền bóng đá Hungary mãi vẫn chưa sản sinh ra một thế hệ nào như thế nữa.
Gần hơn một chút ở thời hiện đại, đó là thế hệ 2001-2006 của Anh với những David Beckham, Frank Lampard, Steven Gerard,... hay thế hệ 2002-2006 của người Bồ Đào Nha khi để thua Hy Lạp trong trận chung kết Euro 2004 ngay trên sân nhà. Những dẫn chứng đã chỉ ra không phải cứ gắn mác "thế hệ vàng" là thành công. Liệu ĐT Bỉ có thể thay đổi lịch sử với "thế hệ vàng" của những Hazard, Lukaku, De Bruyne,... bắt đầu từ Euro 2016?
Như Đạt