(Bongda24h) - Ba mươi năm trước, Gianni De Biasi đá cho Palermo rồi chơi thân với người hậu vệ Claudio Ranieri. Và trong cùng một năm, cả hai gã đàn ông từng bị nước Ý bỏ rơi đều đang làm nên những câu chuyện cổ tích của riêng mình.
De Biasi là mẫu đàn ông điển hình kiểu Italia: áo vải lanh màu xanh với gile bên ngoài, luôn cười duyên với tiếng chuông điện thoại không ngừng. Bước vào quán đồ biển quen thuộc, cậu bồi bàn nhanh nhảu chào theo tiếng Italia để gã cảm thấy như ở nhà: "Professore". De Biasi chỉ chọn đúng Pinot Grigio để cảm nhận hương vị Ý. Nhưng kể cả thế, đó vẫn là một gã người Italia đặc biệt, một người anh hùng dân tộc của Albania.
De Biasi dẫn dắt Albania vì muốn... trả thù những người làm bóng đá tại Italia khi bị sa thải khỏi Udinese chỉ sau hai tháng. |
So với nhiều quốc gia châu Âu khác, bóng đá Albania được đánh giá là có bước phát triển tương đối muộn. Phải đến năm 1919, vị linh mục người Malta đến xứ sở này với một quả bóng thì câu lạc bộ đầu tiên của Albania mới được thành lập tại thị trấn phía bắc của Shkodra. Cho đến tận thế chiến thứ hai, bóng đá tại Albania gần như độc quyền cho giới thượng lưu. Thế nên chẳng có gì khó hiểu khi Albania chỉ khiến bóng đá trở thành thứ thể thao quốc dân dưới chế độ xã hội chủ nghĩa sau thời điểm chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, dưới chế độ Enver Hoxha.
Dưới thời kỳ Hoxha, các đội bóng nước ngoài tới Albania thi đấu đều phải cạo râu ở sân bay. Nhưng ông thực sự khiến cho bóng đá trở thành môn thể thao đại chúng. Hoxha không thích những môn thể thao thuộc "phía Tây" nên Albania không tham dự Olympic trong bốn kỳ liên tiếp. Khi mà những chủ đề liên quan đến thể thao khác đều bị kiểm duyệt thì bóng đá là thứ duy nhất bạn có thể bàn tán mà không lo bị thẩm vấn bởi các "Sigurimi", mật vụ đặc biệt của Hoxha.
Bất cứ trận đấu lớn nào tại châu Âu cũng được bàn luận tại các trường học, nông trường, ngay cả trong quân đội nữa. Nhờ thế mà người Albania phát cuồng vì bóng đá. Nhưng định mệnh thật kỳ lạ bởi những gì ngọt ngào nhất của bóng đá Albania đều có mối liên hệ với con số 6 và người Italia. Năm 1946, một thủ thành người Italia đã giúp đội tuyển Albania vô địch Balkan Cup. Và năm 2016, một gã người Ý khác giúp họ giành quyền tham dự vòng chung kết Euro lần đầu tiên trong lịch sử.
Bắt đầu công việc tại Albania từ năm 2012, Gianni De Biasi khiến nhiều người phải phì cười với lý do dẫn dắt đội tuyển nhỏ bé này. Gã nói: "Tôi muốn trả thù bóng đá Ý, bởi vì tôi đã trải qua quãng thời gian cực kỳ tồi tệ ở Udinese. Chỉ sau hai tháng, họ sa thải tôi".
Cái đầu tiên mà gã thích trả thù đời ấy dạy cho đám cầu thủ ở Albania là lòng tin: "Giấc mơ của tôi cũng giống như Tổng thống của Hoa Kỳ: tin tưởng, tin tưởng, tin tưởng".
"Và cả khẩu hiệu chúng ta có thể nữa hả?" - Người phóng viên đến từ Anh nhắc lại.
"À đúng, chúng tôi có thể!" - De Biasi hét lên giữa nhà hàng.
De Biasi cũng học theo thói quen của người Albania, đó là không thích sắp xếp cuộc hẹn trước đó 30 phút. Phải mất rất nhiều thời gian, các phóng viên đến từ Anh mới có một cuộc hẹn phỏng vấn với chiến lược gia này. Và cũng thật tức cười, lý do De Biasi chấp nhận cuộc phỏng vấn với những phóng viên đến từ xứ sở sương mù là để... học thêm tiếng Anh một cách miễn phí. Giống với nhiều chiến lược gia khác, gã cũng mong muốn một ngày nào đó tới dẫn dắt một đội bóng tại Premier League.
De Biasi giúp Albania viết nên câu chuyện cổ tích khi lọt vào vòng chung kết Euro 2016. |
Ngay sau khi bắt đầu cuộc sống tại Albania, De Biasi lập tức xác định phương hướng công việc: "Nền tảng của bóng đá Albania ở mức rất thấp. Họ có cơ sở hạ tầng kém, sân vận động, học viện nhưng chỉ có vài nơi cho các cầu thủ trẻ học bóng đá. Tôi nghĩ rằng việc gọi trở lại những cầu thủ mang quốc tịch Albania đang thi đấu ở nước ngoài là điều cần thiết".
Dân số Albania chỉ vào khoảng 3 triệu nhưng rất nhiều người đang sinh sống rải rác ở khắp nơi trên thế giới. De Biasi bắt đầu đưa các tuyển trạch viên đi khắp thế giới. Gã bắt đầu xem rất nhiều đoạn băng thu thập được về các cầu thủ có gốc gác Albania sống ở Thụy Sĩ, Đức, Italia hay bất cứ nơi nào trên thế giới. Một số cầu thủ có gốc Kosovo thi đấu nổi bật ở miền Tây châu Âu, nhiều người đồng ý trở lại khoác áo Albania.
Nhưng cũng có nhiều trường hợp chẳng bao giờ có hồi âm. Tiêu biểu như Adnan Januzaj, một cầu thủ người Bỉ có gốc gác Kosovo. Cha của tiền vệ này chẳng thèm hồi âm khi De Biasi đưa ra lời đề nghị. May mắn cho De Biasi bởi đa phần cầu thủ được triệu tập cho Euro 2016 nói tiếng Italia. Thậm chí, nhiều người nói đùa rằng gã chọn Lorik Cana làm thủ quân bởi cầu thủ này có thể giao tiếp thông thạo bằng... 5 thứ tiếng.
Và cứ như thế, De Biasi mang về cho Albania những tài năng từ khắp châu Âu. Để rồi gã người Ý đó giúp nền bóng đá nước này đi vào lịch sử bằng cách giành quyền tham dự Euro 2016, giải đấu lớn đầu tiên của nền bóng đá nước này. Đồng thời cũng được đánh giá là đỉnh cao trong lịch sử thể thao của Albania.
Nhờ thế, De Biasi được đối xử như một vị anh hùng dân tộc. Không chỉ có cậu bồi bàn ở quán ăn thân thuộc phục vụ các món Italia chào De Biasi theo cách đầy tôn kính. Khi chiến lược gia người Italia đi qua một quán bar, chàng thanh niên trẻ với râu quai nón nhìn thấy gã. Và như thế hàng loạt người trong quán bar thi đấu vỗ tay thật to khi gã đi qua. De Biasi bảo gã quen rồi, chẳng còn thấy ngại như ban đầu nữa.
"Anh hùng là một từ không dễ được sử dụng. Nhưng họ gọi như thế bởi tôi đặt tất cả tâm trí của bản thân mình vào công việc này. Như thế có xứng đáng không? Đây chính là nguyên nhân".
Các CĐV Albania đang coi De Biasi như một vị anh hùng dân tộc. |
Thật trùng hợp khi câu chuyện "cô bé lọ lem" đang là chủ đề nóng bỏng trong giới túc cầu trong năm 2016. De Biasi ba mươi năm trước chơi thân với chàng hậu vệ Claudio Ranieri khi còn thi đấu tại Palermo. Hai người trở nên thân thiết, De Biasi còn mời Ranieri làm chứng nhân cho đám cưới của ông. Thật không may, Ranieri bỏ lỡ ngày trọng đại của người bạn thân vì ông vừa tiếp nhận công việc đầu tiên trong vai trò một chiến lược gia ở Italia.
Đáng cười thay khi cả hai người bạn đều không có được kỷ niệm đẹp trong quãng thời gian dẫn dắt các đội bóng tại quê nhà Italia. Thế nhưng cùng vào năm 2016, cả hai đều làm nên những câu chuyện cổ tích cho giới bóng đá ở nước ngoài. Đó là ngôi vô địch không tưởng của Leicester tại Premier League mùa vừa qua. Và giờ là thành công của Albania khi hùng dũng tiến vào Euro 2016.
Với việc Kosovo gia nhập FIFA, Albania sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của Kosovo khi kêu gọi những cầu thủ từ nước ngoài trở về khoác áo đội tuyển. Nhưng giờ chưa phải là lúc lo, trước mắt hãy cứ mơ đi đã. Armand Duka, chủ tịch liên đoàn bóng đá của Albania tuyên bố: "Ai nghĩ rằng Hy Lạp giành chức vô địch châu Âu năm 2004, vì sao Albania không thể?".
Như Đạt