Vì một lý do nào đó mà trận đấu thứ hai của ĐT Đức ở các giải đấu quốc tế lớn phần lớn đều là những kết quả thất vọng, hoặc nếu có thắng cũng chỉ với tỷ số sát nút.
► Cập nhật tin tức về bóng đá Euro 2016 và lịch thi đấu Euro 2016. |
Như vậy là sau một loạt trận đấu 1-0, 1-1, 2-1 và 2-0, cuối cùng Euro 2016 cũng đã có trận đấu có tỷ số 0-0 đầu tiên và ít ai ngờ lại là giữa Đức và Ba Lan, hai đội bóng được xem là có trình độ tấn công cao và thậm chí Arkadiusz Milik bên phía Ba Lan đã có cơ hội ghi bàn nhưng lại bỏ lỡ.
Kết quả hòa 0-0 của Đức là tương đối thất vọng và cho thấy họ có vẻ chưa đạt điểm rơi phong độ sau khi phải tới phút bù giờ hiệp 2 mới chắc thắng Ukraine ở trận đầu tiên. Tuy vậy theo thống kê hơn 10 năm gần đây thì chơi thất vọng ở trận thứ 2 vòng bảng lại là một “truyền thống” của Đức.
Đức lại không thắng ở trận thứ hai |
Thống kê cụ thể như sau: kể từ World Cup 2002, Đức chỉ 2 lần thắng ở trận thứ 2 vòng bảng các kỳ World Cup và Euro, còn lại hòa 4 và thua 2. Hai chiến thắng của họ cũng chỉ sát nút, vượt qua Ba Lan 1-0 ở World Cup 2006 và thắng Hà Lan 2-1 ở Euro 2012, hai giải đấu mà rốt cuộc Đức không vượt qua được bán kết.
4 trận hòa của Đức đến ở World Cup 2002, Euro 2004, World Cup 2014 và trận hòa Ba Lan mới đây. Năm 2002 Đức đã dẫn 1-0 trước khi bị Roy Keane gỡ hòa 1-1 ở phút bù giờ, và 2 năm sau họ hòa 0-0 trước Latvia, góp phần khiến Đức bị loại ở vòng bảng. Đến năm 2014, Đức bị Ghana cầm chân 2-2, nhưng rốt cuộc vô địch.
Còn lại 2 trận thua của Đức diễn ra trong năm 2008 và 2010, Đức thua Croatia 1-2 ở vòng bảng năm 2008 và thua 0-1 trước Serbia 2 năm sau. Kết thúc hai giải Đức vào chung kết Euro 2008 và bị loại ở bán kết World Cup 2010.
Kết quả thi đấu của ĐT Đức ở vòng bảng đi theo một quy luật rất ổn định đến đáng ngạc nhiên. Dưới thời HLV Joachim Low, Đức toàn thắng ở trận mở màn mà không lọt lưới 1 bàn, nhưng thường xuyên nối tiếp kết quả đó với một trận đấu không thắng mà Euro 2012 là ngoại lệ duy nhất.
Khi được đặt câu hỏi về hiện tượng này, Joachim Low sau trận đã lắc đầu nói: “Tôi không thể nói điều gì về chuyện đó”. Trong khi đó, tiền vệ Sami Khedira tỏ ra khó khăn trong việc đưa ra một giải thích hợp lý. “Nếu có một công thức như vậy thì chúng tôi đã chặn đứng nó từ lâu. Tôi không rõ, có thể trong đa số trường hợp là chúng tôi khởi đầu quá tốt, trở nên quá tự tin”, anh nói.
Công thức World Cup?
Không chỉ có “hiện tượng trận đấu thứ hai”, ĐT Đức có vẻ còn nằm trong một hiện tượng khác dành cho những nhà ĐKVĐ World Cup tham dự Euro. Thống kê cho thấy kể từ năm 1992 cho đến giờ mọi nhà vô địch World Cup khi dự Euro đều không thể toàn thắng ở vòng bảng.
Cụ thể như sau, Đức tại Euro 1992 thắng 1, hòa 1 và thua 1. Pháp vào năm 2000 thắng 2 thua 1, Italia năm 2008 cùng thành tích với Đức năm 1992, và Tây Ban Nha thắng 2 hòa 1 năm 2012.
Còn kỳ quặc hơn nữa khi tất cả các trận thua được thống kê ở trên đều chứng kiến nhà ĐKVĐ World Cup bị đánh bại bởi một đội tuyển duy nhất: Hà Lan. Hà Lan hạ Đức 3-1 ở Euro 1992, thắng ĐT Pháp 3-2 năm 2000 và vượt qua Italia 3-0 năm 2008.
Tổng hợp