(Bongda24h) - Ở Bỉ, chế độ quân chủ và đội tuyển quốc gia là biểu tượng cho sự thống nhất. Bởi vậy, việc thế hệ của Hazard, Courtois, De Bruyne,... vừa phải nhận thất bại ở tứ kết Euro 2016 sẽ gây nên những tác động to lớn lên xã hội và đừng ngạc nhiên nếu năm sau, chính phủ bị giải thể.
Sự thật là tại Bỉ, ít nhất ba ngôn ngữ được sử dụng song song tạo nên những rào cản trong chính một quốc gia. Mọi chuyện bắt đầu từ thế kỷ thứ năm, hai phái Flemings có nguồn gốc từ Đức, còn Walloons khởi nguyên từ Celtic đều bắt nguồn từ ngôn ngữ. Bỉ trở thành một chính thể độc lập sau một cuộc khởi nghĩa ngày 4/10/1830 khi cả hai phái Flemings và Walloons cùng đạt được sự thống nhất.
Một năm sau, chế độ quân chủ tại Bỉ ra đời với Leopold là vị vua đầu tiên trong lịch sử. Cho đến ngày nay, Bỉ vẫn là một quốc gia theo chế độ quân chủ khi Chính phủ dường như chẳng có sức hiệu triệu đáng kể nào. Nhà nước non trẻ khi ấy được điều hành bởi những nhà tư sản nói tiếng Pháp đến từ cả hai phe. Nhờ thế, tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ chính trung hòa giữa hai phái. Flemish cũng như Walloon chỉ được coi là thổ ngữ (tiếng địa phương) và không được công nhận.
|
Chế độ quân chủ và đội tuyển quốc gia là hai biểu tượng cho sự thống nhất của Bỉ. |
Mâu thuẫn xã hội không dừng lại ở đó, những người thuộc phe Flemish đòi hỏi quyền lợi khi họ bị xem thường vì không nói tiếng Pháp lưu loát. Tiếng Pháp dần bị đẩy khỏi vị trí độc tôn khi Napoleon III - cháu trai của Napoleon Bonaparte - thua trận Sedan và sau đó là cuộc chiến tranh Pháp-Phổ. Từ năm 1873, tiếng Hà Lan đã được công nhận tại tòa án. Đó là sự thắng thế đầu tiên của phái Flemish trong xã hội.
Đến năm 1898, tiếng Hà Lan được công nhận ngang bằng với tiếng Pháp trên lý thuyết. Năm 1893, người Flemish thành lập đảng chính trị phục vụ cho nhu cầu của những người nói tiếng Hà Lan. Từ đây, Đảng Nhân dân Flemish (VVB) chính thức được thành lập.
Trong Thế chiến thứ nhất, những người Flemish, với sự giúp đỡ của Đức đã thành lập các trường đại học hoàn toàn sử dụng tiếng Hà Lan ở Ghent. Sau chiến tranh nhờ Hiệp ước Versailles, Bỉ sát nhập các khu vực nói tiếng Đức ở phía đông bao gồm các thị trấn Eupen, Malmedy và St Vith. Đến năm 1980, một lần nữa xã hội Bỉ lại có sự chuyển biến lớn khi Đức được công nhận trở thành ngôn ngữ chính thức.
Với những sự phân rẽ xã hội phức tạp bắt nguồn từ ngôn ngữ như thế nên từ thập niên 30 của thế kỷ trước, Pháp là ngôn ngữ duy nhất được sử dụng tại vùng Wallonia và tương tự như thế, vùng Flanders thuộc phái Flemish chỉ sử dụng tiếng Hà Lan. Brussels là thành phố song ngữ nhưng Bỉ chấp nhận chính sách ngôn ngữ kép.
Năm 1970, Bỉ bị chia thành ba cộng đồng dựa trên ngôn ngữ được sử dụng là Pháp, Hà Lan và Đức. Đến năm 1980, Bỉ được chia thành ba khu vực: Wallonia, Flanders và Brussels. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc Bỉ là nhà nước Liên bang với các đảng chính trị chia ra theo từng ngôn ngữ. Ngày nay, Bỉ không có báo quốc gia, các kênh truyền hình hay các kênh radio. Một người thuộc Walloon không thể bỏ phiếu cho một chính trị gia Flemish và ngược lại.
Năm 2010, Bỉ đã trải qua 589 ngày - một kỷ lục thế giới - mà không có chính phủ điều hành. Chỉ đến khi vua Albert ra mặt điều đình với biện pháp đưa chính trị gia Elio di Rupio thuộc Đảng Xã hội nói tiếng Pháp lên làm Thủ tướng, mọi chuyện mới trở lại bình thường.
Chế độ quân chủ và đội tuyển quốc gia là biểu tượng cho sự thống nhất tại Bỉ. HLV Marc Wilmots, cũng là một cựu thượng nghị sĩ nói tiếng Pháp tuyên bố: "Chính trị làm chia rẽ mọi người. Là huấn luyện viên đội tuyển quốc gia, tôi có thể hàn gắn tất cả".
HLV Marc Wilmots được các phe phái tại Bỉ thừa nhận bởi ông theo dòng nói tiếng Pháp thuộc phái trung hòa. Vị chiến lược gia này thông thạo cả ba ngôn ngữ chính thức của Bỉ và kết hôn với một người phụ nữ thuộc dòng Flemish. Ông yêu cầu các học trò tại đội tuyển phải luôn nhìn vào dòng chữ trên cánh tay áo khoác của đội "L’union fait la force" (có nghĩa là Sức mạnh từ sự đoàn kết - PV).
|
Các cầu thủ Bỉ hiểu được sứ mệnh hàn gắn xã hội khi tham dự Euro 2016. |
Năm 2010, trung vệ Nicolas Lombaerts khi đi bỏ phiếu bầu ra chính phủ mới nói với tờ The Guardian: "Chúng tôi vẫn chưa có chính phủ nhưng chẳng ai không quan tâm. Tất cả mọi người sẽ giữ cho đất nước thống nhất".
Eden Hazard của
Chelsea cũng cân nhắc về vấn đề này: "Với tôi ư? Tôi chỉ biết mình đang đá bên cạnh những đồng hương người Bỉ chứ không phải với những chiến hữu thuộc dòng Flemish".
Ngoại trưởng Bỉ, Dixie Reynards thừa nhận tác dụng gắn kết xã hội của bóng đá: "Điều đó cho thấy người Bỉ có thể làm những điều tuyệt vời cùng nhau. Nhưng rõ ràng đội tuyển Bỉ không thể làm nên tất cả. Chúng ta không nên phóng đại tác dụng của đội tuyển, tương lai của đất nước không phụ thuộc vào các trận đấu".
Nhưng có một thực tế phũ phàng rằng xã hội Bỉ phụ thuộc rất nhiều vào bóng đá, cũng giống như chính trị phụ thuộc vào chế độ quân chủ. Bởi lẽ đó là hai tồn tại duy nhất mang tính tượng trưng cho nước Bỉ thống nhất. Nếu nhìn lại thất bại của Bỉ khi chạm trán Argentina với Maradona vĩ đại trong trận bán kết của World Cup 1986 thì chỉ một năm sau, Chính phủ bị giải thể vì những chia rẽ trong xã hội khi người ta đổ lỗi cho những cầu thủ thuộc hai phái là nguyên nhân gây nên trận thua đó.
Sự phức tạp trong thành phần đội tuyển Bỉ còn đến từ việc các cầu thủ không chỉ đến từ Flemish và Walloon, mà còn là sự hỗn dung với những cầu thủ có nguồn gốc nước ngoài. Kompany là một ví dụ điển hình. Kompany có cha Congo và mẹ Bỉ, nói được cả tiếng Hà Lan và Pháp đang được các phe phái chính trị chào mời.
Cha đẻ của tiền đạo Divock Origi hay Romelu Lukaku từng thi đấu cho Kenya và Zaire, hiện nay là Dân chủ Congo. Nhiều cầu thủ khác có nguồn gốc khác nhau, chẳng hạn như Alex Witsel, Marouane Fellaini, Radja Nainggolan và Kevin de Bruyne. Điều này phản chiếu hình ảnh của ĐT Pháp tại World Cup 1998, lứa của những Zidane lên ngôi vô địch năm đó được đặt tên là "Black Blanc Beur" bởi đó là tập hợp của các cầu thủ có nguồn gốc khác nhau.
Ở vòng loại, ĐT Bỉ thi đấu thành công nhờ sự gắn kết trong đội tuyển khi mạng xã hội nước này liên tục đăng tải những hash tag #TousEnsemble (có nghĩa là #Tất cả cùng nhau - PV). Sau trận thua tan tác 0-2 ở ngày ra quân gặp Italia, Hazard cảm ơn người Ý đã dạy cho Bỉ cách làm việc tập thể. Và từ sau thất bại đó, Bỉ thắng cả ba trận tiếp theo để tiến vào tứ kết mà chẳng để lọt lưới bàn nào, ghi đến 8 bàn dể trở thành đội tuyển có hàng công "khủng" nhất tại Euro 2016 đến trước trận thua Wales.
Trong tiếng Pháp có một cụm từ để nói về thực trạng của Bỉ là "compromis à la Belge" (có nghĩa "sự thỏa hiệp của Bỉ" - PV). Điều đó có nghĩa là dù trong xã hội tồn tại sự chia rẽ khó giải quyết nhưng không giống các xứ tự trị của Tây Ban Nha, người Bỉ chọn cách giải quyết theo hướng thỏa hiệp, ôn hòa.
Và bóng đá là hiện thân cho sự thống nhất tại Bỉ!
Như Đạt (Nguồn Thesefootballtimes)