Có một thực tế, khi biết mình như “hơi thở” của cả đội bóng, rất nhiều ông Tây bắt đầu có những biểu hiện làm mình làm mẩy, tự coi mình có cái quyền như “ông hoàng” …
Tất nhiên, bộ đôi ngoại binh Francois Endene và Nyom Nyom của Thể Công sẽ được nhắc như một điển hình cuả V-League. Về bình diện chất lượng, 2 ông Tây của Thể Công xứng đáng được xếp vào hàng “Top” của V-League. Dưới triều đại của Galhidi, cái tên Francois Endene được xem là một trong những nhân tố có tầm ảnh hưởng trong lối chơi của Thể Công. Thực tế là tiền đạo này đã khẳng định vai trò của mình khi ghi đến 7 bàn và không ít lần dọn cỗ cho đồng đội.
Đó cũng chính là lí do khiến Thể Công tiếp tục đặt hi vọng vào Francois. Cộng thêm cái tên mới Nyom Nyom (người mà Thể Công đã mừng như nhặt được vàng, khi đặt bút ký vội tại giải các CLB vô địch) Thực tế, bộ đôi này đã ghi tổng cộng 5 bàn cho Thể Công (3 trong đó thuộc về Nyom Nyom) một hiệu suất không cao, nhưng cũng chẳng phải kết quả quá tồi. Tuy nhiên, những biểu hiện bất ổn, trong và bên ngoài sân cỏ, có vẻ như không còn thuốc chữa. Thể Công phải buộc rốt ráo cử GĐĐH Hồ Tri Liêm và GĐKT Lê Thuỵ Hải lặn lội sang Brazil tìm Tây “xịn” để thay thế. Âu là bài học xương máu về sự nuông chiều.
Lazaro (trái) dù có tiếng là hiền lành, những cũng có ý thức quá rõ
SHB.ĐN cũng từng phải khổ sở về Tây, trong quá trình chuẩn bị cho mùa bóng mới. Sau giải đấu BTV Cup, “cục vàng” Almeida xin nghỉ phép rồi lặn một mạch hơn nửa tháng trời không thấy tăm hơi. Mọi liên lạc giữa đầu cầu Đà Nẵng và Almeida bị cắt đứt. Lê Huỳnh Đức như ngồi trên đống lửa, nơm nớp sợ các kì phùng địch thủ thừa cơ hội “nước đục thả câu”, chèo kéo vua phá lưới V-League 2 mùa liền. Thế rồi, đùng một cái “Đa” trở lại như chưa có chuyện gì. Và vừa rồi đến phi vụ tiền đạo Molina Gaston Eduardo bỏ đi biệt tích mấy ngày, rốt cuộc vẫn bình yên vô sự chỉ bị trừ lương. Sau vụ này không ít người cho rằng, Lê Huỳnh Đức vốn “khét tiếng” với chiến dịch “bàn tay sắt” lại quá nhẹ tay với Gaston.
Ở QK4, dù ở ngoài đời vốn được liệt vào dạng hiền như cục đất, nhưng Larazo cũng bắt đầu có những biểu hiện của “sao”. Chẳng hạn, trong những tình huống đá phạt, Larazo luôn giành lấy, dù công việc này được giao cho Motta, cầu thủ có khả năng đá phạt tốt nhất ở QK4. Cũng trong tình huống như thế, ở trận XMCT.TH, Larazo nhất quyết phải đá cho bằng được. Khi HLV Vũ Quang Bảo giơ tay chỉ định Motta thì Larazo vùng vằng đòi lột áo. Rốt cuộc Anh Thắng là người thực hiện quả đá phạt cuối cùng.
Đó là một vài những biểu hiện đổ bệnh của những ông Tây, trong số rất nhiều những ca “đổ bệnh” đã tồn tại của bóng đá Việt Nam. Sau mấy mùa tiến lên chuyên nghiệp, có vẻ như những căn bệnh này vẫn chưa có thuốc chữa. Hi hữu lắm, chỉ có những trường hợp mạnh tay là cắt hợp đồng. Tuy nhiên, đó là nhưng cầu thủ không còn giá trị sử dụng hết “đát”. Số còn lại chỉ “giơ cao đấm khẽ”, hoặc “vừa đấm vừa xoa”.
Tất yếu, nó đã zích zắc kéo dài nhiều năm qua và còn tịnh tiến. Lỗi thuộc về cá nhân, CLB, hay cả nền bóng đá. Hay thuộc về những quy chuẩn, những điều khoản, quy ước, quy tắc kí hợp đồng với ngoại binh…và vô vàn lí do không tên khác. Nhưng chung quy lại, có lẽ sẽ ngăn được bệnh này, nếu các CLB Việt Nam không còn phải lâm vào cảnh, phải sống và thở bằng mũi giày của các ông Tây, nhưng đến bao giờ !?
(Theo Thể thao văn hóa)