Lục địa Già đã từng tồn tại trong sự mông lung của quyền uy, sức mạnh và khát vọng. Nhưng cuối cùng, tất cả lại trở về với những giá trị cũ, như quy luật muôn thuở của những tia nắng, luôn vàng khi xuyên qua những tấm kính màu. Có thể Italia, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha… vẫn còn những khoảng lặng nào đó, nhưng họ vẫn là những thế lực không thể lay chuyển. Chính những tên tuổi lớn ấy là những kẻ đã lạnh lùng khiến cuộc chơi trở thành màn tập dượt nhạt nhẽo. Họ cứ thắng theo kịch bản đã định sẵn, và dù chẳng mấy hấp dẫn, chẳng quá hào nhoáng, nhưng nó đủ để phần còn lại ngậm ngùi hình dung ra những trận cầu thủ tục còn lại. ĐKVĐ châu Âu TBN chỉ thắng tối thiểu. Á quân Đức chẳng thể phổng mũi khi hạ Liechtenstein. Italia vẫn thế, cứng nhắc và cục mịch trong những chiến thắng kiểu “vừa miếng”… Nhưng họ chỉ cần có thế để khiến vòng loại trở thành nơi thử nghiệm và hoàn thiện bản thân. Sau nửa chặng đường đã đi, có thể đoán trước được kết cục của cuộc chơi.Bồ Đào Nha đã có một trận bế tắc trước Thụy Điển
Nhưng bức tranh châu Âu chẳng phải chỉ có một màu hồng. Sự u ám đã bao trùm lên một nửa châu Âu với những số phận bị đẩy vào tận cùng khốn khổ. Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Cộng hòa Czech, Romania, Bulgaria, Scotland, Na Uy và cả Pháp đều “rêu rao đời mình” trong nỗi thất vọng kéo dài lê thê. Đã đến lúc chẳng còn gì để nuối tiếc cho danh tiếng của BĐN và Thụy Điển sau một trận đấu có thể lột tả toàn diện sự bế tắc của những cái tên lừng lẫy. Cuộc chiến của những “siêu sát thủ” C.Ronaldo và Larsson được chờ đợi bao nhiêu thì kết thúc nhạt nhẽo bấy nhiêu (0-0). BĐN với những ngôi sao chỉ có 6 điểm và 6 bàn thắng, Thụy Điển khi thiếu Ibrahimovic còn tệ hơn khi mới có… 2 bàn. Họ tự trừng phạt nhau trong sự vui mừng của Đan Mạch, Hungaria, những cái tên chỉ còn là hoài niệm. Cơ hội đang khép lại dần với BĐN, Thụy Điển khi khoảng cách với chiếc vé đi Nam Phi cứ dài ra trong sự tuyệt vọng. Họ đã phải hứng chịu ảnh hưởng ngược từ những ngôi sao của chính mình…
BĐN chỉ là một tập thể tầm thường của những ngôi sao, khi C.Ronaldo, Bosingwa, Pepe… đứng riêng rẽ. Một Thụy Điển già nua, không Ibrahomovic đang tiến gần tới giới hạn tồi tệ nhất có thể. Bulgaria thiếu Berbatov cũng chỉ là đội bóng hạng hai. Bên cạnh đó, những siêu sao đang tỏa sáng ở cấp CLB bỗng nhiên thể hiện sự kém cỏi đến lạ lùng khi khoác áo ĐTQG, trong đó Bồ Đào Nha là ví dụ điển hình nhất. Rồi những Henry, Torres, D.Villa, Baros, Mutu, Marica… Họ đã ở đâu, là ai trong những khoảnh khắc quyết định cùng ĐTQG? Trong khi đó, những kẻ thất sủng ở CLB lại trở thành những người hùng khi trở về ĐTQG như Huntelaar (Hà Lan), Gekas (Hy Lạp), Podolski (Đức)… Họ đã tạo nên một hình ảnh trái ngược cho một châu Âu ngày càng trở nên kỳ lạ.
Mới đi được nửa chặng đường, nhưng bất kỳ ai cũng có thể tưởng tượng ra kịch bản thảm thương nhất dành cho Romania, BĐN, Thụy Điển, Bulgaria… khi họ chẳng thể tìm nổi chút nắng ấm cho mình. Sự thống trị của TBN, Đức, Hà Lan, Italia, Anh… có thể là vĩnh cửu, nhưng sự đe dọa từ những “thế lực ngầm” cũng không bao giờ biến mất.
Con số:
Với bàn thắng mở tỉ số vào lưới Bulgaria (1-1) ở giây thứ 35, Richard Dunne (Cộng hòa Ireland) là cầu thủ ghi bàn thắng nhanh nhất tại vòng loại World Cup 2010 tính đến thời điểm này.
Thắng Thổ Nhĩ Kỳ 1-0, Tây Ban Nha đã có 30 trận đấu bất bại kể từ tháng 11/2006. Thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ đã kéo dài quãng thời gian không thắng của họ trước Tây Ban Nha lên 55 năm.
Ghi 4 bàn vào lưới Liechtenstein, Đức đã có 16 bàn thắng tại vòng loại World Cup 2010. Họ là đội ghi nhiều bàn thắng nhất cho đến thời điểm này cùng với Bosnia (thắng Bỉ 4-2).
(Theo báo Bóng Đá)