(Bongda24h) - Châu Âu vẫn thế, hầu như các chiến dịch vòng loại chỉ còn mang tính chất thủ tục khi chẳng có lấy một bất ngờ đáng kể nào diễn ra. Đẳng cấp, sức mạnh khiến cho các "ông kẹ" thoải mái phô diễn quyền lực của mình với những đối thủ chỉ an phận làm nền cho họ tỏa sáng.
Quyền lực của kẻ bề trên
Tây Ban Nha vẫn thể hiện được đẳng cấp của mình dù cho chiến thắng của họ không thuyết phục |
Hãy cứ gắn cho Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha, Italia... cái "mác" đại gia bởi cho đến thời điểm hiện tại, khó có đội bóng nào có thể đánh bại được họ. Ở lục địa già, những "kẻ bề trên" này vẫn là số 1, quyền uy của họ vẫn là tối thượng so với phần còn lại. Tây Ban Nha với sức mạnh tuyệt đối thêm một lần nữa chứng minh triều đại của họ sẽ còn kéo dài trong một thời gian nữa. Dù chỉ có chiến thắng 1-0 trước Thổ Nhĩ Kì tại Bernabeu nhưng nó cũng đủ để ĐKVĐ châu Âu bỏ túi thêm 3 điểm. Chiến thắng mong manh này đã là trận thứ 5 liên tiếp toàn thắng ở bảng 5 đồng thời khẳng định ngôi đầu bảng cùng một tấm vé tới Nam Phi khó mà thoát khỏi tay của đội bóng xứ Bò tót.
Hà Lan thậm chí còn khủng khiếp hơn. Họ đang dìm những Iceland, Scotland hay Na Uy xuống sâu hơn của đáy bảng 9. 12 điểm sau 4 trận thắng và bỏ xa những đội bám đuổi tới 8 điểm. Cứ xem Hà Lan vùi dập Scotland 3-0 tại Amsterdam mới thấy "cơn lốc da cam" có sức tàn phá khủng khiếp như thế nào. Dù không muốn nhưng những Iceland, Scotland hay Na Uy đều đang chấp nhận một thực tế, chiếc vé tới Nam Phi đã thuộc về đội bóng xứ sở hoa tuylip. Mục tiêu thiết thực hơn đối với những đội bóng này là chiến đấu để giành vị trí thứ 2, một con đường khác để tới châu Phi năm sau.
Italia vẫn vậy thiếu sáng tạo và bế tắc trong sơ đồ 4-3-3 mà Lippi đang cố tình áp đặt. Tuy nhiên sự thực dụng của nhà ĐKVĐ thế giới luôn giúp cho Azzurri đạt được những kết quả mong muốn. Sau hai trận giao hữu thu về những kết quả thất vọng (hòa 1-1 trước Hy Lạp và thua 0-2 trước Brazil), Italia tìm lại niềm vui chiến thắng. Có lẽ ở những trận đấu chính thức, Lippi luôn biết làm cách nào để mang về những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng Montenegro quá yếu so với Italia. Sự khác biệt về đẳng cấp đã khiến cho nền bóng đá non trẻ (mới thành lập được 3 năm) không thể cản nổi bước tiến của đoàn quân áo thiên thanh cho dù họ được chơi trên sân nhà. Hay như cái cách mà Đức đè bẹp Liechtenstein cũng vậy. Không phải là đội quân của Joachim Loew quá mạnh mà chỉ đơn giản đội khách của họ quá yếu. Vậy nên chiến thắng 4-0 cũng chẳng là một điều quá đỗi bất ngờ.
Đằng sau những chiến thắng
Chỉ có Hà Lan là khẳng định được sức mạnh tuyệt đối trong khi Italia, Tây Ban Nha hay Đức đang không thể hiện được sự thuyết phục về mặt lối chơi. Những chiến thắng chỉ mang về cho những "ông lớn" này 3 điểm thay vì không phô diễn được sức mạnh thực sự của mình. Điển hình là trường hợp của Pháp. Litva chẳng bao giờ là một đối thủ xứng tầm của đội bóng áo Lam cho dù họ có được lợi thế sân nhà. Ấy vậy mà người Pháp mà điển hình là Raymond Domenech đã phải toát mồ hôi hột. Nếu không có pha làm bàn siêu đẳng của Ribery, Pháp chẳng thể bỏ túi thêm 3 điểm. Khi đó tương lai của Domenech sẽ đi về đâu khi mà sự kiên nhẫn của liên đoàn đang mất dần với ông?
Không may mắn như Domenech, những người cùng chung số phận Carlos Quieros, Victor Piturca đang đứng trước nguy cơ bị sa thải sau chuỗi thành tích nghèo nàn của Bồ Đào Nha và Rumani. Ai có thể ngờ BĐN với những ngôi sao hàng đầu châu Âu như Ronaldo, Bosingwa, Pepe, Simao đang thể trình diễn một phong độ kém cỏi. Cũng không ai nghĩ một đội bóng thuộc hàng khủng của bóng đá Đông Âu như Rumani đang chôn chân ở vị trí thứ 2 từ dưới lên tại bảng 7. Có thể là vẫn còn xa xôi nhưng nhiều người đã bắt đầu nghĩ tới viễn cảnh khi tại Nam Phi sắp tới không có sự hiện diện của một Bồ Đào Nha đầy hoa mĩ, của những chiến binh Viking ngang tàng đến từ Thụy Điển hay sự khoe sắc của "hoa hồng" Bulgaria một thời làm ngây ngất người hâm mộ.
Thêm một thực tế phũ phàng nữa chính là việc những ngôi sang đang tỏa sáng chói lọi trong màu áo của các CLB hàng đầu của châu Âu lại trở nên nhạt nhòa trong màu cờ sắc áo của đất nước mình. Ronaldo, Torres hay Mutu trở thành những nỗi thất vọng lớn khi không thể trở thành đầu tầu đưa đội tuyển của mình thẳng tiến. Trong khi đó những người chỉ là sự lựa chọn thứ 3, thậm chí là thứ 4 tại các câu lạc bộ mà họ đang chơi (trường hợp của Podolski, Pique hay Huntelaar) lại bỗng nhiên trở thành những người hùng. Mà một câu hỏi lại được đặt ra. Những trận đấu cho ĐTQG liệu có phải là một nghĩa vụ mà nó buộc những Torres, Ronaldo, Henry hay Mutu buộc phải thi hành? Khi vào sân mà không chơi với cả trái tim và bầu nhiệt huyết cao nhất, dù có cố gắng đến mấy, thành quả mà những ngôi sao này mang về cũng chỉ là những con số 0 tròn trĩnh.
Kiều Phong