Theo mạch chuyển nhượng ở BĐVN: Khi bước đi không theo kịp thời đại
Thứ Bảy 20/06/2009 16:28(GMT+7)
Theo dõi Bongda24h trên Bản chất của bóng đá chuyên nghiệp thì rõ rồi: Dựa trên cơ sở của luật mà hành xử. Nhưng giữa chuyện biết, hiểu cho đến hành động là một khoảng cách rất xa. Điều này thể hiện rõ nhất qua diễn biến của thị trường chuyển nhượng (TTCN) cầu thủ.
Nước đến chân mới nhảy
Công Vinh chuyển đến T&T HN với giá không dưới 7 tỷ đồng, nhưng SLNA chỉ được hưởng chút ít lại quả, gọi là tiền chè thuốc. Tình huống tương tự với Minh Đức. Trước đó, những Xuân Thắng và hàng loạt các cầu thủ có xuất xứ Nghệ An cũng ra đi theo cách này. M.Nam Định cũng đang đối diện với nguy cơ mắt trắng 5 trụ cột. Còn K.KH năm ngoái thì phải đứng nhìn 4 cầu thủ con cưng của mình về với V.Ninh Bình, mà tức anh ách. Một chừng mực nào đó, chuyện mà TĐCS.ĐT gặp phải với 5 cầu thủ hay nhất của họ ở cuối năm 2008, cũng na ná như thế.
|
Công Vinh chuyển đến T&T HN với giá không dưới 7 tỷ đồng, nhưng SLNA chỉ được hưởng chút ít "lại quả" |
Người xứ Nghệ bảo, các đội bóng khác đã dùng tiền để rút ruột dòng sông Lam. Một cuộc chơi không công bằng. Nhưng rõ ràng là họ không thể cưỡng lại được, với cung cách quản lý bóng đá quá ư là cũ và lạc hậu, lụy tình. Phải, chơi cho đội bóng quê hương, mà lại là quê hương xứ Nghệ, thì hẳn phải là niềm tự hào lắm lắm. Nhưng mấu chốt quyết định lại là TIỀN. M.Nam Định còn “phủi” hơn, với lập luận: Chưa một cầu thủ nào rời thành Nam, mà thành danh cả, nên chắc chắn họ chả dại gì mà dứt áo ra đi?! Quả hết biết!
Lối tư duy này, vô hình chung khiến các SLNA, Nam Đinh và kể cả Đồng Tháp hay Khánh Hòa – những lò đào tạo có tiếng, thường xuyên rơi vào tình trạng khánh kiệt. Lứa trẻ đôn lên thì chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, còn người hay thì bị các đội bóng khác nẫng mất. Và khi mọi chuyện đã rồi, thì họ chỉ có thể “AQ” rằng: Chẳng việc gì phải cố gắng níu chân những người không còn khát vọng cống hiến. Không có một chính sách gia hạn hợp đồng, khi cầu thủ họ còn 1 hoặc đôi ba năm hợp đồng. Và điều này thật tai hại. Có thể thông cảm phần nào cho CLB, khi giá cầu thủ đã và đang leo thang đến chóng mặt, thì cơ chế tài chính eo hẹp khó cho phép họ hành động. Có trách, thì trách tại ông Trời!
Làm bóng đá kiểu ngẫu hứng
Rất nhiều các trường hợp cầu thủ, dù mới qua được hợp đồng 2 – 3 năm, thậm chí là nhiều hơn, với đội bóng mới, nhưng chỉ năm sau, lại thấy họ có tên trong danh sách đăng ký của CLB khác. Dù là dạng cho mượn, chuyển nhượng hay gì gì đi chăng nữa, thì đội bóng vẫn mang tiếng là ném tiền qua cửa sổ. Đi đầu trong trào lưu này, hẳn phải là V.Ninh Bình, khi cứ mỗi năm họ ký và thanh lý đến vài chục con người.
Sự thiếu ổn định trên băng ghế chỉ đạo và thậm chí cả cái tên ghép của đội bóng (liên quan đến nhà tài trợ), đã tác động trực tiếp đến tính lâu dài của một bản hợp đồng. Theo đó, chỉ cần đội bóng có BHL mới, là tàn dư cũ (đối tượng cầu thủ) gần như bị rũ sạch. Lý do được đưa ra là: Không thích hợp với sơ đồ - chiến thuật của BHL mới. Nhưng thay vì đưa những người này vào diện chuyển nhượng công khai, để thu hồi vốn, thì các CLB lại chỉ dùng một tờ A4, với dòng chữ: Thanh lý hợp đồng. Nắm được tâm lý này, nhiều cầu thủ, cả đời chỉ dành riêng cho việc ký và ký các bản hợp đồng, mà chẳng mặn mà việc đá đấm như thế nào. Khi cần thiết, họ sẵn sàng giở trò, để được ra đi. Tình huống gặp phải thường xuyên nhất ở các ngoại binh, khi họ đã khẳng định được chút ít tên tuổi, ở đội bóng đang khoác áo. Đó là bi kịch cho bóng đá Việt Nam. Trong điều khoản thanh lý hợp đồng trước thời hạn (mà nguyên do không bắt nguồn từ cầu thủ), thì cầu thủ chẳng thiệt thòi gì cả, thậm chí còn thu rất nhiều. Tiền “lót tay” thì đã lãnh trước đó, CLB cũ thậm chí còn phải bồi thường ít nhất 2 tháng lương, theo luật lao động. Và thế, cầu thủ thảnh thơi tìm miền đất mới, với phí hợp đồng cũng rất mới. Tính đi, tính lại, thì CLB cứ là thiệt thòi trăm đường.
(Theo TT&VH)