Mùa trước, sân Vinh là ác mộng với các CĐV Thể Công nói riêng, NHM cả nước nói chung. Màn loạn đả sau trận đấu đã dẫn đến cái chết của 1 CĐV đội chủ nhà và hàng chục khán giả đôi bên đổ máu. Sau trận cầu oan nghiệt này, thành Vinh buộc phải tổ chức một loạt trận đấu không có khán giả và đến giờ, án phạt từ Tiểu ban kỷ luật của VFF vẫn là cú trảm nặng nhất cho một sự cố xảy ra trên sân bóng.
Tuy nhiên, nếu bỏ qua vết đen mùa giải 2008, sức nóng của cặp đấu Thể Công - SLNA thường được “cân đo” bằng chuyên môn. Trước năm 1999, Thể Công tự hào là cái nôi đào tạo trẻ hay nhất nước. Bằng chứng là họ đã giành phần lớn các danh hiệu U các cấp trên bình diện cả nước.
Thế nhưng, sau “cú ăn 3” năm 1998 (VĐQG, VĐ U21, VĐ U18), Thể Công không còn chăm bẵm cho công tác đào tạo trẻ nữa và đó là một trong những nguyên nhân then chốt giúp SLNA thay họ thống trị các U trẻ, đồng thời bỏ lại Thể Công ở phía sau trên cả hạng đấu cao nhất quốc nội.
Cũng từ đó, người ta bắt đầu so sánh về sức mạnh và truyền thống của hai địa phương từng là điểm sáng trong đào tạo của Việt Nam. Cuộc so kè về danh tiếng và chất lượng còn được chính những “người trong cuộc” tự đẩy thành cao trào. Quân Sông Lam khao khát chứng tỏ họ là số 1 bằng cách tìm đường lập nghiệp khắp mọi miền đất nước. Cũng cần phải thừa nhận, mức độ “lan tỏa” của các cầu thủ xứ Nghệ được trải khắp những giải đấu trong hệ thống của VFF, từ hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, chuyên nghiệp cho đến cả các sân chơi phong trào.
Ở chiều ngược lại, các cầu thủ Thể Công khẳng định theo cách khác. Họ không ra đi (và cũng không được đi) ồ ạt như các đồng nghiệp Nghệ An. Nhưng trên ĐTQG các cấp, mỗi cầu thủ Thể Công góp mặt thì đó sẽ là một thương hiệu. Hơn thế, nếu là tuyển thủ, những cầu thủ xuất thân từ đội bóng áo lính thường được tin dùng và hiếm khi có điều tiếng gì sau đó.
Chiều nay, Thể Công - SLNA lại đối đầu. Trong đội hình của cả hai, người ta vẫn thấy ở đó là cuộc chơi của hai lò đào tạo, dù quân số và tinh hoa đã bị mai một rất nhiều. Thể Công chỉ còn lại Bảo Khanh, và thủ thành số 2 Vũ Dũng trong thế hệ giàu thành tích trước 1999. Bên phần sân đối diện, SLNA cũng chỉ còn duy nhất thủ lĩnh Huy Hoàng - người khởi đầu sự nghiệp bằng chiếc HCV giải U18 toàn quốc năm 1999, nhân chứng sống cho cuộc chuyển giao thành tích ở các giải trẻ giữa Thể Công và SLNA. Thế nhưng, các cầu thủ trẻ hơn như Anh Tuấn, Văn Nam (lứa 1984), Quang Vinh, Tuấn Tùng, Xuân Thành (lứa 1987) bên phía Thể Công và Văn Quyến, Như Thuật (1984), Trọng Hoàng, Văn Bình, Ngọc Anh (1989) bên phía SLNA cũng đủ để NHM kỳ vọng vào một cuộc đọ sức mà niềm kiêu hãnh được đặt lên trước nhất.
Ba lần chạm trán gần nhất, cả hai đội đều tạo ra kết cục bất phân thắng bại trong sự so kè từng tý một. Vòng đấu trước, khi Thể Công đại thắng B.BD 4-1 ngay trên sân khách, thì ở chảo lửa thành Vinh, SLNA cũng không chịu kém khi đè bẹp XMCT.TH với tỷ số 5-1. Phải chăng, ngay cả lần đọ sức này, người chiến thắng và kẻ chiến bại có thể cũng không được phân định?
Hai đội không có cầu thủ nào bị treo giò.
Thể Công thắng 3, bại 2, SLNA thắng 3, hòa 2 trong 5 trận gần nhất.
SLNA mới thua 1 trận mùa này-ít nhất so với các đội dự giải.
SLNA: Michal, Xuân Thắng, Huy Hoàng, Kizito, Đắc Khánh, Hồng Tiến, Như Thuật, Đình Đồng, Trọng Hoàng, Văn Quyến, Din Akame.
Thể Công: Mạnh Dũng; Minh Đức, Anh Tuấn, Tuấn Tùng, Nguyễn Quốc Long, Phước Tứ, Bảo Khanh, Xuân Thành, Lima, Vanderlei, Gelson.
Dự đoán: 2-2
(Theo Baobongda)