Đất nước nghìn đảo đang có ý định “câu” một số cầu thủ thi đấu tại Hà Lan (Indonesia từng là thuộc địa của quốc gia này), nhằm hiện thực hóa tham vọng lọt vào vòng chung kết World Cup lần đầu tiên, kể từ khi giành được độc lập cách đây 57 năm.
Sven Taberima - một trong những cầu thủ thi đấu ở Hà Lan hiện nằm trong tầm ngắm của LĐBĐ Indonesia. |
Theo tiết lộ của các quan chức quản lý bóng đá Indonesia, hiện có tới hàng tá cầu thủ trẻ mang gốc gác Indonesia đang thi đấu cho các CLB của Hà Lan. Ông Nugraha Besoes, Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá nước này (PSSI), thích thú khẳng định rằng nếu đem được nguồn “doping” ngoại binh này về từ xứ sở hoa tuylip, thì giấc mơ World Cup của quốc gia Đông Nam Á có thể sẽ trở thành hiện thực vào năm 2014 hoặc 2018.
“Chúng tôi đã lọc ra một số cầu thủ có cha hoặc mẹ là người Indonesia, và cử các chuyên gia sang Hà Lan để theo dõi phong độ”, ông Nugraha tiết lộ. “Chúng tôi sẽ thuyết phục họ khoác áo Indonesia. Với những cầu thủ chơi bóng ở đẳng cấp cao như vậy, chắc chắn đội tuyển sẽ mạnh lên rất nhiều. Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn nếu họ đáp lại lời kêu gọi từ cố hương một cách tích cực”.
Được biết đến như là thuộc địa cũ của Hà Lan, Indonesia - trước đây còn được gọi là Hà Lan Đông Ấn - đã trở thành đội bóng châu Á đầu tiên lọt vào một vòng chung kết World Cup (năm 1938). Nhưng kể từ khi giành được độc lập cách đây 57 năm (1949), đất nước nghìn đảo luôn phải theo dõi ngày hội bóng đá hành tinh từ rất xa qua truyền hình.
Theo ông Nugraha, PSSI đang xem xét khoảng 40 cầu thủ có độ tuổi từ 17 đến 23, và nhiều người trong số này thuộc sở hữu của một số CLB hàng đầu của Hà Lan như Ajax, Feyenoord, PSV, hay FC Utrecht. Các quan chức thuộc PSSI hy vọng sẽ kịp “câu” được vài tài năng ngoại binh để tham dự giải vô địch Đông Nam Á, dự kiến tổ chức vào đầu năm tới tại Thái Lan và Singapore.
Tuy nhiên, cản trở lớn nhất có thể làm hỏng kế hoạch táo bạo trên là vấn đề quốc tịch. Luật lệ nghiêm ngặt tại Indonesia quy định bất cứ cá nhân nào muốn nhập quốc tịch phải có bố hoặc mẹ là người Indonesia, và phải dưới 18 tuổi. Tổng thư ký Nugraha lo ngại điều này sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc tuyển mộ ngoại binh lớn tuổi - những người buộc phải thay đổi quốc tịch mới có thể dự vòng loại World Cup. “Vấn đề là nếu họ không có hộ chiếu, họ sẽ không thể chơi cho Indonesia”, ông phát biểu. “Để được đặc cách nhập tịch, họ phải thay đổi mọi thứ, phải sống ở Indonesia ít nhất là 5 năm. Điều này quả thật không dễ”.
Cũng như PSSI, HLV trưởng đội tuyển Indonesia, ông Peter Withe, tỏ ra rất vui mừng đón nhận kế hoạch “câu kéo”, nhưng ông cũng lo ngại quốc tịch sẽ trở thành một vấn đề lớn. “Tôi luôn muốn làm việc với những cầu thủ tốt nhất, nhưng tôi không nghĩ nhiều người trong số họ sẽ được phép chơi cho Indonesia”, Peter Withe nhận xét. “Nếu mọi thủ tục đều phải được thực hiện đúng nguyên tắc, chúng ta sẽ không thể có được những cầu thủ tài năng đủ tư cách thi đấu cho đội tuyển quốc gia”.
Trong khi đó, HLV của đội U23 Indonesia, ông Rahim Soekasah, người được giao nhiệm vụ tuyển lựa các ngoại binh nhập tịch, tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng nhóm cầu thủ đang được đặt trong tầm ngắm có độ tuổi lý tưởng để phục vụ cho kế hoạch lọt vào World Cup. “Độ tuổi trung bình của họ là từ 17 đến 23”, Rahim tự tin phát biểu trên trang web của PSSI. “Đó là một thế hệ vàng cho kế hoạch dài hạn của chúng ta”.
Danh sách các cầu thủ mà PSSI đưa vào tầm ngắm (đều đang chơi tại giải Hà Lan): Johny Hestinga, Michael Timisela, Sven Taberima, Christian Sapusepa, Robert Timisela (Ajax Amsterdam), Mathija Marunaya, Gaston Salasiwa (AZ Alkmaar), Ignacio Tuhuteru, Raphael Tuankotta (FC Groningen), Marciano Kastirejo, Max Lohy, Stefano Lilipaly (FC Utrecht), Domingus Lim-Duan, Nelljoe Latumahina, Juan Hatumena, Petg Toisuta (FC Zwolle), Djilmar Lawansuka (Feyenoord Rotterdam).
Theo VnExpress