Đội bóng nào cũng những chu kỳ phong độ khác nhau trong một mùa giải. SHB.ĐN đang ở thời điểm chuyên môn và tinh thần có vấn đề. Hệ quả chung, họ đang khiến niềm tin của người hâm mộ lung lay nghiêm trọng.
Vòng 8, sân Chi Lăng đã vỡ do lượng khán giả quá tải. Người Đà Nẵng chen nhau, bằng mọi cách để được vào dự không khí lễ hội bóng đá đúng nghĩa mà từ ngày đội nhà lên chuyên, họ chưa được nếm trải. Mùa giải được đá V-League 2001-2002, sân Chi Lăng cũng đông nhưng không thể bằng bây giờ. Năm 2006, SHB.ĐN từng vô địch lượt đi với số điểm ấn tượng hơn những gì thầy trò Huỳnh Đức từng lập được mùa này, vẫn không làm cho sân Chi Lăng đông đến mức vỡ.
Nhiệt kế của cái sân cùng thái độ cổ vũ biểu thị nhiều điều. Với SHB.ĐN, chỉ có niềm tin vào khả năng vô địch của đội nhà quá mãnh liệt, mới khiến người Đà Nẵng phát cuồng như thế.SHB.ĐN (trái) đang là dấu hỏi rất lớn khi đột ngột chững lại ở thời điểm đáng phải tăng tốc
Và những con số biết nói
Bắt đầu từ những thống kê. 7 vòng đấu đầu ( lúc thăng hoa nhất), họ kiếm được 15 điểm (tức trung bình 2,14 điểm/ trận); ghi 14 bàn (2 bàn/ trận). 4 vòng đấu gần đây, họ kiếm 6 điểm (trung bình 1,5 điểm/ trận), ghi được 4 bàn (1 bàn/ trận). Đấy là những chỉ số nói lên sự tụt dốc về phong độ của thầy trò Huỳnh Đức.
Phân tích kỹ hơn, có thể thấy chu kỳ đi xuống của SHB.ĐN không phải do gặp bất lợi, cả khách quan lẫn chủ quan. ¾ trận đấu được chơi trên sân Chi Lăng. Đấy là lúc mà ngoài Quốc Anh, tất cả các vị trí chấn thương đều bình phục trở lại. Khi tiếp B.Bình Dương có bất ổn (vòng 8 sân nhà) là lúc SHB.ĐN đang đạt phong độ cao nhất, họ vẫn không thắng nổi. Đá với B.BD, Nam Định, Sông Lam, quân của Huỳnh Đức đều mở tỉ số từ rất sớm. Riêng trận gặp đội bóng thành Nam, SHB.ĐN còn có lợi thế khác- hiệp 2 chơi hơn người. Sông Lam phải đưa một đội hình chắp vá vào Chi Lăng, chính họ cũng nghĩ khó có cửa lấy 1 điểm trong hoàn cảnh khó khăn bủa vây như vậy.
Có một điểm rất dễ nhận ra qua 4 trận vùa qua, SHB.ĐN chỉ thực sự nguy hiểm trong hiệp 1. Đấy cũng là thời điểm cầu thủ của họ duy trì được sự cân bằng trong lối chơi, cũng như ý thức triển khai chiến thuật BHL đề ra. Sang hiệp 2, họ hoàn toàn khác. Thắng Đồng Tháp 1-0 ở phút bù giờ, đấy là tình huống may mắn chứ không phải do họ chơi hay. Đá với Nam Định, chất “Arsenal” như 45 phút đầu tiêu tan đâu mất khi bước vào hiệp quyết định. Gặp Sông Lam, những pha tạt bóng liên hồi từ hai cánh vào chỉ theo quán tính. Dấu ấn chiến thuật của BHL trong việc xoay chuyển thế trận, dùng người cũng chưa thấy tạo nên đột biến.
SHB.ĐN đã lỡ ở cái thế “leo lưng hổ” trong cuộc đua đến ngôi vô địch nên họ rất khó đá. Gặp đối thủ nào cũng bị soi kỹ, cảnh giác cao độ. Sức trẻ của họ có hai mặt. Lúc không thành công sẽ thiếu tự tin vào bản thân mình, khó thể hiện được khả năng trong những thời điểm áp lực cao. Họ đã mất cơ hội đào sâu về điểm số khi may mắn cùng thuận lợi ủng hộ rất nhiều trong 4 vòng đấu qua. Ngược lại, B.Bình Dương, HA.GL, ĐT.LA đã có những bước chuyển rất tích cực, đánh dấu chu kỳ sáng sủa về phong độ. Có nghĩa, cục diện cuộc đua đến ngôi cao nhất đã khốc liệt hơn rất nhiều.
Những điều mà SHB.ĐN cần giải quyết nhất lúc này là lấy lại sự tự tin, phong độ để thoát ra khỏi dấu hiệu trì trệ thực sự. Họ cần một chiến thắng để củng cố niềm tin nơi khán giả nhà, đồng thời giữ lại hào khí vô địch như một tài sản vô giá đã nhọc công gầy dựng trước đó. Khán giả mà tin yêu, thì đại cuộc hy vọng mới thành.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)
Khi cái sân “biết nói”