Tại World Cup 2002, cú đánh đầu thế kỷ của Ahn Jung-Hwan ở phút 117 đã chính thức loại Italia khỏi tứ kết. Bàn thắng đó đưa Ahn Jung Hwan trở thành anh hùng của Hàn Quốc, nhưng nó khiến anh mất nghiệp ở CLB Perugia. Ahn Jung-Hwan bị CLB Perugia sa thải ngay lập tức với lời giải thích rất “nhố nhăng” rằng tất cả vì chuyên môn chứ không phải là vì bàn thắng hủy diệt ĐT Italia. Nhưng đó là câu chuyện ở World Cup, với một cầu thủ đang thi đấu tại Serie A. Tại EURO, các CLB Serie A luôn bám cực sát mọi diễn tiến của giải đấu, đặc biệt là những… bàn thua mà ĐT Italia phải chịu. Và trong tất cả các kỳ EURO từ năm 1988 đến nay, ít nhất có 1 cầu thủ ghi bàn vào lưới ĐT Italia được các CLB Serie A mua về sau đó với quan điểm: nếu anh ta phá vỡ được phòng tuyến của ĐTQG, chắc hẳn anh ta là người tài và có thể chọc thủng lưới bất kỳ CLB nào!Nistelrooy sẽ tới Serie A?
Triết lý ấy của một số CLB Italia luôn đúng cho đến tận thời điểm này, bởi những người mà họ mua về đều là những ngôi sao, những bản hợp đồng đáng giá. Năm 1988, Italia hòa Đức 1-1 trong trận khai mạc với 1 bàn thắng của Brehme. Ngay lập tức, Inter mang về cầu thủ này và biến Brehme trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất tại Guiseppe Meazza. Sau khi vắng mặt ở EURO 1992, Italia trở lại châu Âu năm 1996 và Lazio “nẫng” được một tài năng siêu phàm, Pavel Nedved. Chính Nedved là người ghi bàn trong chiến thắng 2-1 của CH Czech và loại Italia khỏi vòng bảng. Tại Lazio, tài năng của Nedved tiếp tục tỏa sáng và dẫn anh đến với Juventus vào năm 2001. Chẳng cần phải nói ai cũng biết vai trò của Nedved như thế nào tại Juventus trong suốt 7 năm qua.
Đến năm 2000, Juventus lại thắng lớn với Trezeguet, tiền đạo đã ghi bàn thắng quyết định vào lưới Italia trong trận chung kết. EURO 2004, Ibrahimovic là một trong hai cầu ầu thủ chọc thủng lưới Italia (cùng M.Petrov), và tiền đạo người Thụy Điển lập tức bị Juventus “thôn tính”. EURO 2008, ngoài Mutu đang thi đấu tại Serie A, có 3 cầu thủ ghi bàn vào lưới Italia (van Nistelrooy, Sneijder, van Bronckhorst), liệu họ có chung “số phận” với những người trước đó?
Những “câu chuyện tình” thú vị của Juventus, Lazio, Inter với ĐTQG Italia không hề vô nghĩa. Nó là bằng chứng cho mối liên hệ giữa CLB và ĐTQG thời “cơ hội” và sự chộp giật!
(Theo Báo Bóng đá)