Các cầu thủ Thể Công tới giờ vẫn chưa hết hoảng hốt với Timothy và cái cách mà Đồng Tháp đã hủy diệt họ. Kể từ lúc họ ghi bàn đầu tiên cho tới bàn thứ tư, tính trung bình, cứ hơn 6 phút là lưới của đội bóng Quân đội lại bị bục 1 lỗ.
Phút 26, Timothy đi bóng, cái thân hình vạm vỡ như một tá điền va vào Anh Tuấn là lập tức trung vệ của Thể Công nằm sân, rồi đối diện với trung vệ Phước Tứ. Thường thì Tứ “khùng” rất nhanh. Các tiền đạo đối diện với Tứ rất ngại tốc độ và những cú vào bóng quyết liệt của anh. Hôm ấy Tứ vẫn nhanh, tới mức giữa suy nghĩ và hành động dường như không có khoảng cách về thời gian. Nhưng Timothy vẫn nhanh hơn. Chính sự khác biệt về tốc độ như thế đã dẫn tới một tình huống phạm lỗi của Phước Tứ trong vòng cấm, để Thể Công thua bàn thứ ba.
Cũng chỉ 3 phút sau, Timothy tiếp tục trình diễn thứ bóng đá “khủng khiếp ấy. Anh cho 2 trung vệ của Thể Công, trong đó có cầu thủ trẻ khỏe, mới tuổi đôi mươi là Phạm Minh Đức, ngửi khói, rồi tung ra cú sút nặng như búa tạ cháy lưới.
Chỉ một mình Timothy (32) cũng đủ làm tan tác hàng thủ nổi tiếng chắc chắn của Thể Công |
Lối chơi đó có vẻ đẹp của sự mạnh mẽ, vẻ đẹp của sự quyết đoán và vẻ đẹp của tính hiệu quả. Thể Công chiều hôm ấy đá với đội hình rất thấp, và chờ để tung ra những đòn đánh thọc sâu từ 2 nách. Nhưng khả năng chơi tấn công dồn dập, tinh thần hừng hực của Đồng Tháp lại như một cơn lũ, ập đến và phá hủy toàn bộ ý đồ của họ. Nói một cách hình ảnh, Thể Công hôm ấy không chết vì nắng, mà bởi lũ.
HLV Phạm Công Lộc có thể không phán đoán được Thể Công sẽ đá với 3 trung vệ theo sơ đồ 5-3-2 nhưng ông đoán định được đối phương sẽ đá chặt chẽ trong thời gian đầu của trận đấu, hạn chế sự hưng phấn của chủ nhà. Tấn công dồn dập, liên tục có thể tiềm ẩn mạo hiểm. Nhưng Đồng Tháp lại là đội bóng biết duy trì được sự cân bằng. Như đã từng nói, HLV Phạm Công Lộc khá khéo léo khi xây dựng được một lối chơi hợp lý, để hàng thủ của họ mới chỉ thủng lưới 5 bàn còn hàng công đã ghi được 13 bàn thắng. Họ tổ chức phòng ngự bằng hệ thống chứ không ỷ lại vào năng lực của mỗi hậu vệ vốn chưa phải là những ngôi sao.
Cũng phải nói thêm, ở V-League rất hiếm thấy cuộc hủy diệt với tốc độ như thế. SHB.ĐN đã có 2 chiến thắng 5 sao, đẳng cấp và bản lĩnh hơn Đồng Tháp vì có thể hủy diệt đối thủ ngay tại sân khách, nhưng họ chưa từng ghi bàn theo tốc độ cứ vài phút lại có một bàn như thế. SHB.ĐN có vẻ giỏi tiêu diệt đối phương theo cái cách đâm cho con mồi một vài nhát kiếm rồi sau đấy, đến những thời khắc quyết định mới ra nốt đòn. Cả 2 trận đấu họ ghi 5 bàn, nửa cuối hiệp hai mới là thời điểm họ nổ súng nhiều nhất (mỗi trận 3 bàn).
Dĩ nhiên, hủy diệt Thể Công mới chỉ là lần đầu tiên Đồng Tháp làm được điều đó. Nó có thể là một màn trình diễn mang tính “bỗng nhiên”. Nhưng, nếu xét tới những nhân tố con người cầu thủ hay con người HLV và cả trạng thái tinh thần của Đồng Tháp trong thời điểm hiện tại, đó lại là một kết quả khá logic.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)