Cú dốc bóng từ cự ly 60m của Lazaro, vượt qua 2 trong số 3 hậu vệ giăng ra chống phản công của T&T HN, rồi ghi bàn quyết định trận đấu là một pha bóng của ý chí, tốc độ, sức mạnh và sự nhạy bén của một tay săn bàn.
Một bàn thắng trị giá bằng vàng. Một bàn thắng rất mẫu mực, đủ khiến cả những người trung lập và những CĐV đối phương cũng phải thán phục. Nhưng nó cũng chẳng phải là một sự kiện lần đầu xuất hiện ở Hàng Đẫy, hay rộng hơn là cả V-League. Bóng đá Việt Nam kể từ khi có cầu thủ ngoại đã chứng kiến hàng tá những bàn thắng như thế, thậm chí còn đẹp hơn rất nhiều.
Có một điều rất đáng nói, sau trận đấu, người ta đã nói tới chuyện các hậu vệ của T&T HN hoàn toàn có thể phạm lỗi với Lazaro, ngay từ nhịp đầu tiên cầu thủ này nhận bóng sau đường chuyền của đồng đội Mota, hoặc khi Lazaro đã dẫn bóng tới đầu vòng cấm. Chỉ cần một pha can thiệp thôi là sẽ không có bàn thắng cho Quân khu 4, sẽ không có một bàn thua biến T&T HN trở thành chiếc bánh đa nhúng nước. Nhưng Xuân Tú, hậu vệ của T&T HN đã chỉ dứ vài nhịp, rồi mải miết đuổi theo, rồi nhìn bóng găm vào lưới của thủ môn Lê Văn Sơn sau cú ra chân trái chéo góc của đối thủ.
Xuân Tú (áo vàng) đã rất non trong việc kèm Lazaro |
Nhưng có những lúc, phạm lỗi cũng là một vũ khí, nói lên đẳng cấp của một cầu thủ, nhất là những người chơi ở hàng phòng ngự. Chúng ta cũng hay nghe những bình luận đâu đó, rằng đội bóng nào đó chơi khá khôn ngoan, thường phạm lỗi ở khu vực không nguy hiểm, bên phần sân khách hoặc cùng lắm là khu trung tuyến. Tức là nó còn là ý đồ chiến thuật được xây dựng bởi HLV hẳn hoi.
Tình huống bóng nói trên trong trận T&T HN với Quân khu 4 cho thấy, bóng đá của chúng ta không “sạch sẽ” tới mức không muốn và không cần phạm lỗi. Trái lại, hình ảnh về thứ bóng đá bạo lực, với những pha vào bóng triệt hạ đối thủ trở nên khá phổ biến. Tiểu xảo cũng luôn dư thừa. Thế mới có chuyện V-League sau chừng 1/3 chặng đường đã có tỉ lệ thẻ vàng hơn 5 chiếc/trận và hàng loạt đội bóng bị phạt tiền vì dính nhiều thẻ vàng.
Thực tế này chỉ nói lên một điều, rằng có một sự hạn chế nhất định trong kỹ năng, tư duy và bản lĩnh chơi bóng ở nhiều cầu thủ. Người ta có thể nhìn thấy sự luống cuống khi Xuân Tú phòng ngự cá nhân, có phần hoảng hốt khi áp sát rồi bám đuổi tiền đạo đối phương, tới mức hoàn toàn không biết ứng xử một cách hợp lý với một tình huống quyết định.
Trong pha bóng ấy, một người như ông Phan Anh Tú không phải là một chuyên gia phòng ngự trước kia cũng phải “bức xúc”, rằng một hậu vệ đá hợp lý nhất phải là người biết phạm lỗi khi đối phương vừa nhận bóng bên phần sân Quân khu 4, hoặc chí ít cũng phải “ra chân” khi nhìn thấy hiểm họa đang ập xuống khi bóng đã tới gần sát vòng cấm.
Lâu nay, chúng ta vẫn nghe đâu đó có cầu thủ tự hào với “chiến công”, đã hạ gục được đối thủ bằng một pha giật cùi chỏ, một pha đạp thẳng vào đầu gối hay một cú quét trụ. Nhưng như thế, đâu có đáng tự hào, vì ngay cả những ai chơi bóng nghiệp dư nếu rắp tâm cũng có thể làm được.
Chỉ có thể tự hào nếu đó là một pha phạm lỗi phục vụ ý đồ chiến thuật, một pha phạm lỗi theo đúng kỹ năng và trách nhiệm của một cầu thủ phòng ngự, một pha phạm lỗi mà người ta không thấy nó là triệt hạ, một pha phạm lỗi mà trọng tài không thể rút ra chiếc thẻ đỏ và đội bóng của mình không bị thất thế mà còn được hưởng lợi.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)