Xoay tua, luân phiên sử dụng cầu thủ, vẫn được hiểu theo cách thông thường là để tránh sự quá tải với một bộ phận cầu thủ. Nhưng xoay tua còn là để tránh những cuộc nổi loạn trong phòng thay đổ, để tự tạo cho mình một đội hình có chiều sâu, để sẵn sàng đương đầu với những vấn đề có thể phát sinh trong một cuộc đua đường trường.
Xoay tua là sống!
Xoay tua cũng chia các HLV ra nhiều trường phái. Có người coi nó là phương pháp không tối ưu, vì có thể khiến đội bóng trở nên mất ổn định. Nhưng có người lại theo nó, thậm chí nâng nó lên một tầm mức mới, như là chía khóa của thành công.
Thật ra, với BĐVN, nếu tính số trận đấu từ đầu mùa giải tới giờ hay cả năm, không thể nói nó là một mật độ dày đặc. Người đá nhiều nhất chỉ là 16 trận, kéo dài từ cuối tháng 2 cho tới cuối tháng 5. 16 trận (13 trận V-League) chia trung bình cho 3 tháng, lại với chế độ ăn uống dinh dưỡng hiện nay, thực sự không thể làm ai quá tải, trừ phi đó là những người không bao giờ ra sân tập luyện.
Thế cho nên, bảo xoay tua để giảm tải quả chưa chỉ ra hết bản chất vấn đề của V-League. Bởi thế, xoay tua ở đây chủ yếu để phục vụ cho mục đích thuộc khía cạnh thứ hai (như đã nói ở trên).
Nếu chỉ tính đến hết vòng đấu thứ 13, có vẻ như, những đội bóng “để ý” và “chịu khó” xoay tua là những đội bóng đang đạt được những thành quả tốt nhất. Ở đây, phải nói tới SHB.ĐN đầu tiên. Đội bóng này có 2 cầu thủ chạy cánh là Quốc Anh và Phan Thanh Phúc. Khả năng của họ được thừa nhận, đều từng là tuyển thủ quốc gia ở các cấp độ khác nhau, đều được coi là những sự lựa chọn số 1, có một khoảng cách tương đối với những người đá dự bị. Nhưng, Đà Nẵng vẫn có thể sống tốt mà không có họ. 8 trận thắng và hòa liên tiếp của SHB.ĐN là 8 trận Quốc Anh không có mặt vì chấn thương, và Phúc “gà” cũng không phải là người đá chính trong cả 8 trận đấu.
Thể Công (trái), một trường hợp của sự thất bại khi đội hình quá ổn định.
Vậy thì cốt lõi của vấn đề là gì, nên nhớ, khoảng cách giữa Phan Thanh Phúc và Quốc Anh với những người đá cùng vị trí của họ là không nhỏ? Câu trả lời ở đây chính là ở phương pháp xoay tua của HLV Lê Huỳnh Đức. Việc sử dụng thường xuyên những cầu thủ trẻ, trao cho họ cơ hội giúp họ trở nên tự tin hơn, tích lũy được kinh nghiệm để sẵn sàng đương đầu với những thử thách. Nó đồng thời cũng khiến Phúc “gà”, một cầu thủ mà cá tính của anh ta tỉ lệ thuận với kỹ thuật cá nhân, phải thay đổi ít nhiều để không đánh mất vị trí.
SHB.ĐN còn là đội bóng có chiều sâu tương đối, có dàn cầu thủ trẻ đã từng khẳng định khả năng của họ ở các giải U trước khi được đôn lên đội một. K.Khánh Hòa lại không có sự thuận lợi ấy, chỉ có vài cầu thủ có “tem, mác”, còn cầu thủ ngoại gần như vô danh, hoặc cầu thủ từ các nơi khác về đều là hàng thải. Và việc họ là đội bóng hầu như không biết lệ thuộc vào bất cứ cá nhân nào cũng đã cho thấy khả năng xoay trở của HLV Hoàng Anh Tuấn, của việc xoay tua đã giúp cho ông không phải múa tay trong bị khi các cầu thủ bị chấn thương (nhiều thời điểm, quân Khánh Hòa đau yếu tới nửa đội hình).
Không xoay tua là chết!
Bởi thế mới có chuyện, Ngọc Duy cả tuần bị ốm, rồi vẫn phải vào sân thay người trong hiệp hai trong một trận đấu ở sân Hàng Đẫy. Công Huy bị sốt cả tuần không tập cũng vẫn phải xách giày vào đá chính. Nó khiến cho Thể Công dù có đội hình đồng đều trên từng vị trí, không có sự khác biệt quá lớn giữa đội hình chính với đội hình dự bị, vẫn loay hoay như một đội bóng không có nền tảng và không có sự chuẩn bị. Kết cục là Thể Công dưới thời HLV Vương Tiến Dũng thất bại, thua 6 sau 11 trận đấu và ông phải rời đội bóng số 1 trong trái tim ông.
Có thể, thất bại ở Thể Công và trước kia với HPHN không làm thay đổi triết lý trong cách dùng người và xây dựng đội bóng trong ông Dũng. Có thể triết lý của ông vẫn thành công đâu đó, như ở XMHP chẳng hạn. Nhưng rõ ràng, khi đặt nó trong sự so sánh với phương pháp xoay tua thì nó không phải là tối ưu.
HLV Lê Thụy Hải khi tiếp quản Thể Công, có vẻ không đi theo con đường của người tiền nhiệm. 2 trận đấu ông làm không phải là sự rập khuôn hoàn toàn đội hình xuất phát cũng như cách thay người. Nó làm cho người ta nhớ lại cái thời ông ở Bình Dương luôn tự hào: “ở đội bóng của tôi, chỉ có duy nhất thủ môn thứ ba là chưa được ra sân”.
Những đội bóng nói trên, không phải là tất cả, nhưng đấy chính là những đội bóng tiêu biểu, cho sự thành công và cho cả sự thất bại của lượt đi. Thế mới biết, một đội hình “nông” hay “sâu”, đồng đều hay không, cũng nằm cả ở những triết lý bóng đá của những ông thày.
Đang có khá nhiều những cầu thủ giống như những tài năng bị lãng phí, tiềm năng bị mai một ở các CLB vì họ không có cơ hội chơi bóng, không còn được là một phần của chính sách xoay tua ở các đội bóng của họ. Đó là Văn Khải ở ĐTLA, là Công Minh, Phong Hòa ở Bình Dương, là Quang Vinh, Văn Nam ở Thể Công... |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)