Thái Lan quá quen thuộc nhưng hoá ra lúc nào cũng lạ vì ta luôn bị họ hiểu hơn, áp đảo hơn mỗi khi ta đụng độ nhau. Có thể ví hóm hỉnh trong mỗi cuộc chiến, họ như khuôn mặt ẩn hình trong bóng tối vậy!
Nhẵn mặt...
Trong vòng 37 ngày, chúng ta đã và sẽ chạm trán với Thái Lan tổng cộng 3 lần. Một trận hoà với tỷ số 2-2 ở T&T Cup ngày 17/11. 19 ngày sau (tối 6/12) VN thua 0-2 ở Phuket. 18 ngày sau nữa (tức tối 24/12), chúng ta sẽ bước vào cuộc chạm trán lần thứ 3 trong trận chung kết lượt đi trên sân Thái.
Cho dù họ đã ẩn mình bằng cách tung đội hình 2 trận gặp Lào ở vòng bảng, nhưng chúng ta đã quá nhẵn mặt lực lượng tinh nhuệ nhất của họ. Trấn giữ khung thành là lão tướng Kittisak. Cặp trung vệ là Chonratit Jantakam (4), Nataporn Phanrit (6). Cánh trái hậu vệ Natthaphomg Samana (12) luôn được tín nhiệm. Đối diện là Suree Sukha.
Ở khu trung tuyến, cặp tiền vệ trung tâm không ai khác ngoài Thonglao luôn là vị trí số 1. Chơi cạnh anh là Surat Sukha (15). Tiền vệ trái Sutee Suksomkit (17), cánh phải là Suchao Nutnum (8). Trên hàng công, dù cơ số 4 chân sút nhưng Teerathep Winothai (14), Teerasil Dangda (10) luôn xuất phát đầu trận.
Chúng ta không khó “cân” sức nặng các vị trí. Thonglao là linh hồn không chỉ tuyến giữa, mà toàn lối chơi của Thái Lan. Người đá cặp với anh năng lực không quá đặc biệt hơn Tài Em, Minh Phương của ta. Cặp trung vệ và tiền đạo cũng vậy. Chonratit Jantakam, Nataporn Phanrit án ngữ trước Kittisak nhiều phen lóng ngóng. Không ai đủ tầm thủ lĩnh, kiểu như Như Thành của ta. Kể cả Kittisak, sự già nua đã hằn trên gương mặt lẫn đôi chân. Xét tương quan vị trí thủ thành, có thể khẳng định chắc nịch Dương Hồng Sơn xuất sắc hơn.
Gặp Thái Lan (phải) không bao giờ là thử thách dễ dàng với ĐTVN |
Teerathep Winothai phải qua 430 phút mới ghi được bàn thắng, sau đường chuyền không có gì hoàn hảo hơn của Dangda. Tình huống đó chẳng khác gì cơ hội mà Công Vinh tạo cho Quang Hải, biến Singpore thành cựu vô địch. Một ghi bàn thắng quyết định đưa Thái vào chung kết, một có đường chuyền dẫn tới bàn thắng duy nhất của Việt Nam trước Sing, “trình” của các tiền đạo số 1 trên là như nhau. Teerasil Dangda, xét ấn tượng để lại cũng chẳng trên cơ Việt Thắng.
Nhưng hai cánh thì rõ ràng Thái Lan đáng sợ hơn chúng ta. Theo dõi 5 trận đấu qua, trong khi tiền đạo bộc lộ sự trì trệ, thì những pha tấn công biên mới là vũ khí nguy hiểm nhất của Thái. Đặc biệt, đấy là hai “gọng kìm” Sutee Suksomkit và Suchao Nutnum. Dù vẫn có những khiếm khuyết, nhưng do hai hành lang quá mạnh, cùng có một thủ lĩnh rõ ràng (Thonglao giữa sân) đã tạo cho Thái Lan sự cân đối giữa 3 tuyến. Chúng ta không có một nhân vật có tầm ảnh hưởng rõ ràng như Thonglao.
Nói thế để thấy, trận đấu tới việc khuyết tiền vệ phải Suchao do dính hai thẻ là một thách thức lớn cho những ai thế chỗ anh ta, lẫn HLV Peter Reid. Bên cánh trái, nếu chấn thương của tiền vệ Sutee Suksomkit (17) không kịp bình phục thì sức công phá của Thái càng hao hụt rất lớn. Trong trận lượt về gặp Indonesia, Arthit Sunthornphit được đưa vào thế chỗ nhưng anh này đã không đáp ứng được yêu cầu.
Nhưng vẫn khó hoá giải
Một Thonglao (và nhiều cầu thủ Thái khác) chơi như chiếc lá sắp rụng (lời ông Nguyễn Văn Vinh) khi thi đấu ở Việt Nam, nhưng mỗi lần trở về khoác áo ĐTQG là thể hiện đẳng cấp của ngôi sao lớn trong khu vực. Điều đó chứng tỏ môi trường của tuyển Thái luôn kích thích, chắp cánh sự phát tiết của các thành viên. Nó cho phép Thonglao có thể bế tắc ở những thời điểm, trong những trận đấu cụ thể, nhưng không bị hoá giải hoàn toàn kiểu như Công Vinh của ta.
Thái Lan cũng là đội lối chơi có nhịp điệu rõ ràng nhất. Họ luôn chủ động lúc nào đá nhanh, chậm, cuốn đối phương chơi theo cách của mình. Ví dụ như trận lượt về gặp Indonesia, 45 phút cuối chúng ta được chiêm ngưỡng lối đá nhanh đến chóng mặt của họ. Indonesia đã vỡ! Các phương thức tiếp cận khung thành đối phương đa dạng. Rất nhiều vị trí có thể ghi bàn.
Mặt khác, cầu thủ Thái Lan luôn ý thức và thường giữ được tâm thế cầu thủ của một đội bóng bá chủ khu vực. Trước hết đấy là bản lĩnh, kể cả khi bị đẩy vào thế khó khăn nhất (như bị Indonesia dẫn trước sớm trận bán kết lượt về), họ vẫn không sụp đổ ý chí. Điều này làm nên tính cách của họ để rồi ông “Tô” đã có ví dụ rất sinh động : “Cầu thủ chúng ta luôn nhìn Thái Lan như một con ma!”.
Đã vậy, họ lại rất tinh quái, lắm những chiêu (kể cả chơi xấu) để đẩy các đối thủ lâm vào thế bị động (tệ hơn là run sợ), trước và trong mỗi lần đối đầu. Tâm lý của chúng ta hôm gặp Thái Lan trận khai mạc căng cứng như thế nào, đủ lột tả độ quái của Thái Lan.
Tóm lại, Thái Lan với chúng ta từ cuộc đụng độ trận chung kết SEA Games 1995 đáng nhớ dến nay, chúng ta đã nhẵn mặt họ. Vậy mà, ngoài trận thua ở Tiger Cup 1998, chưa bao giờ chúng ta tìm ra được sơ hở để hạ gục được họ ở mặt trận chính, dù rất nhiều cơ hội vàng.
Đây lại là một cột mốc lịch sử để nâng tầm bóng đá Việt. Nên chăng, mở một “Hội nghị Diên Hồng bóng đá” thật nghiêm túc để lái bánh xe lịch sử. Thực ra, vẫn có thể lạc quan trước thực trạng Thái Lan bây giờ ngoài tính cách đội bóng lớn, họ thiếu những cầu thủ lớn có thể lấp lánh thành dải Ngân hà trong làng bóng đá khu vực, như trước đây. Lại có nguy cơ cùng lúc thiếu hai vị trí xung yếu, thầy trò HLV Calisto hãy tận dụng những cơ hội, dù là nhỏ nhất.
Rào cản tâm lý: Đấy là nỗi lo lớn nhất của các thế hệ cầu thủ chúng ta mỗi khi chạm trán với Thái Lan. Chúng ta luôn nhập cuộc với tâm lý tự ti, sợ hãi. Điều đó tác động đến phong độ (năng lực), bản lĩnh và sức sáng tạo của các cầu thủ bị trị trệ. Trận ra quân tại AFF Suzuki Cup, mặc dù được lên dây cót tinh thần, đã trải qua cuộc tập dượt tại T&T Cup gặp Thái nhưng cầu thủ chúng ta vẫn bị trạng thái rất rõ. Muốn vượt qua Thái, trước hết phải thắng được chính mình! |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)