Bài viết tham dự: “Nếu bạn là chuyên gia”
Hoàng Đức Nhã, ĐH Quốc gia Hà Nội
Sir Bobby Charlton là một trong những người khiến cả thế giới biết đến bóng đá Anh |
Nếu như người ta đã chứng minh được bóng đá được phát minh ra ở Trung Quốc thì người Anh vẫn tự hào khi họ là người đã khai sáng và phát triển bóng đá hiện đại. Cũng chính vì thế mà bóng đá Anh không thiếu những cá nhân xuất sắc. Có thể kể đến như Bobby Charlton, Bobby Moore…, những người đã đưa bóng đá Anh đến tột đỉnh vinh quang bằng chiếc cup vô địch World Cup năm 1966. Các thế hệ sau này, bóng đá Anh cũng sản sinh không ít những cá nhân kiệt xuất khác như Bryan Robson, Alan Shearer, Tony Adams… và mới đây là Steven Gerrard, Rooney… Cầu thủ giỏi thì bóng đá Anh không thiếu. Thế nhưng người Anh đã đợi đến 1 khoảng thời gian hơn 40 năm và thậm chí còn lâu hơn nữa để 1 lần nữa mang chiếc cup vô địch thế giới về cái nơi mà bóng đá hiện đại đã sinh ra. Vậy do đâu? Người ta có thể nói ngay lí do đầu tiên là do họ không có nhiều huấn luyện viên tầm cỡ thế giới.
Bóng đá Anh từ trước khi bổ nhiệm Sven Goran Eriksson lên chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia chỉ chuyên dùng “hàng nội”. Đó là những cái tên như Kevin Keegan, Glenn Hoddle, Terry Venables… Những cái tên mà chắc chắn nếu tìm trên bản đồ các huấn luyện viên vĩ đại trên thế giới thì tìm mãi cũng chả thấy. Cho đến khi liên đoàn bóng đá Anh “liều” bổ nhiệm Steve McClaren lên chiếc ghế nóng thì ông này cũng gây thất vọng. Và sau đó, người Anh đặt mục tiêu tuyển về 1 huấn luyện viên ngoại để dẫn dắt đội tuyển và Capello đã được lựa chọn. Điều này có thể xem là điều không lấy gì làm hay ho bởi những nền bóng đá hàng đầu trên thế giới như Đức, Ý, Pháp, Brazil,… luôn tìm cho mình những huấn luyện viên người bản địa. Và những quốc gia đó cũng không bao giờ thiếu những huấn luyện viên có đẳng cấp để dẫn dắt đội tuyển quốc gia đi đến những thành công.
Nhưng HLV ngoại Sir Alex Ferguson mới được tin tưởng ở Premiership |
Ở tầm đội tuyển quốc gia là như thế, ở tầm câu lạc bộ, một hình ảnh càng ảm đạm hơn đối với các huấn luyện viên nội. Tứ đại gia của Premier League có 4 huấn luyện viên đều là những cái tên đến từ các quốc gia khác. Đó là HLV Alex Ferguson của Manchester United, HLV Arsene Wenger của Arsenal, HLV Rafael Benitez của Liverpool và HLV Guus Hiddink của Chelsea. Thậm chí những câu lạc bộ này, khi muốn thay huấn luyện viên thì những tên tuổi họ hướng đến cũng không có huấn luyện viên nào là người Anh. Đó là điều người Anh chắc chắn không thể không đắn đo bởi vinh quang mà các câu lạc bộ Anh mang lại cho đảo quốc sương mù đều do các huấn luyện viên ngoại dẫn dắt. Còn các huấn luyện viên nội thì chỉ dẫn dắt các câu lạc bộ thuộc dạng chiếu dưới như HLV Martin O'Neill của Aston Villa, HLV Sam Allardyce của Blackburn Rover… Điều đó khiến người hâm mộ không mấy ngạc nhiên khi chứng kiến tình trạng Pháp hóa ở Arsenal hay Tây Ban Nha hóa ở Liverpool.
Xét về khía cạnh huấn luyện viên thì bóng đá Anh còn thua các nền bóng đá hàng đầu khác trên thế giới. Chính vì thế chuỗi thành công hiện tại của đội tuyển quốc gia Anh do 1 huấn luyện viên người Ý mang lại. Còn thành công ở cấp câu lạc bộ đều in dấu của các vị huấn luyện viên ngoại mang lại. Và nếu như nhìn về các cầu thủ hiện tại trong các câu lạc bộ của Premier League, người Anh sẽ một lần nữa phải suy ngẫm. Trong tứ đại gia bóng đá Anh, có đến 2 câu lạc bộ có “trái tim” là những cầu thủ ngoại. Đó là Ronaldo của Manchester United và Fabregas của Arsenal. Chính những cầu thủ này là khởi nguồn cho hầu hết các cảm hứng của những câu lạc bộ mà họ thi đấu. Còn Liverpool hay Chelsea, mặc dù vẫn còn đó là Gerrard, Lampard là trụ cột của câu lạc bộ nhưng những cầu thủ Anh có chỗ đứng ở đây cũng rất hạn chế. Đội hình chính của những câu lạc bộ Anh trong những trận tứ kết vừa qua cũng chỉ gói gọn lại ở Ashley Cole, Frank Lampard, Jamie Carragher, Michael Carrick, Wayne Rooney, Theo Walcott, Kieran Gibbs. Tỉ lệ 8/44 là 1 tỉ lệ vô cùng khiêm tốn. Điều đó cho thấy tầm ảnh hưởng của các cầu thủ Anh trong nhóm tứ đại gia là chưa thực sự nhiều.
Những cầu thủ nội có tầm ảnh hưởng lớn đến CLB như Gerrard ở nước Anh không nhiều |
Nếu như người Anh tự hào về sự hấp dẫn và sức mạnh của Premier League thì họ cũng cần nhìn lại về những cá nhân kiệt xuất của giải đấu này. Từ khi Fifa có danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất thế giới thì mới chỉ đến năm 2008, Premier League mới có được đại diện đầu tiên. Vinh quang này từ rất lâu vốn đã chỉ dành cho La Liga hay Serie A. Không những thế, mặc dù đang thi đấu ở giải ngoại hạng Anh nhưng Ronaldo lại là 1 người Bồ Đào Nha. Người Anh hưởng chút vinh quang này 1 cách không hề trọn vẹn. Bên cạnh đó, nếu như để ý đến danh sách đề cử cầu thủ xuất sắc nhất Premier League mùa giải năm nay, trong số 6 ứng cử viên chỉ có Ferdinand và Gerrard là cầu thủ người Anh nằm trong danh sách.
Tự hào, người Anh có quyền tự hào về lịch sử, về đội tuyển quốc gia và về giải đấu Premier League đang nhuộm màu châu Âu của họ. Thế nhưng nếu có 1 cái nhìn khái quát, về những huấn luyện viên, về tầm ảnh hưởng của các cầu thủ Anh quốc trong các câu lạc bộ lớn của họ chắc chắn họ phải suy nghĩ và trăn trở nhiều. Những điều khiến niềm tự hào của người Anh không thực sự trọn vẹn.