Sau thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010, VFF không có Đại hội bất thường. Những đòi hỏi VFF phải tái cấu trúc như mong mỏi của dư luận và một số đối tương tham dự giải V-League lẫn hạng Nhất, cũng không dẫn đến Đại hội bất thường.
Giờ đây, những người quan tâm và thực sự mong mỏi bóng đá nước nhà sẽ thay đổi, đang trông chờ vào Đại hội thường niên sẽ khai mạc ngày 3/11 tới. Có điều, nhìn vào tiền lệ của Đại hội thường niên, đặc biệt sự không đồng thuận của 2 bên (VFF và những người sáng lập Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VPF), mỗi chúng ta đã có thể cảm nhận được rằng: cuộc cách mạng bóng đá nước ta đang diễn ra một cách nửa vời…
Bài 1: Nền bóng đá đang đứng ở đâu?
Đối với bất cứ một nền bóng đá nào, thành tích của các ĐTQG luôn phản ánh chính xác nhất đẳng cấp của nền bóng đá nước đó đang ở mức độ ra sao. Đồng thời, đó cũng là tấm gương phản chiếu trình độ của LĐBĐ nước đó cao hay thấp so với mặt bằng xã hội.
Giẫm chân tại chỗ
Buổi đầu bóng đá chuyên nghiệp, chúng ta cũng đã có đề án phát triển bóng đá nước nhà với mục tiêu lọt vào top 10 châu lục năm 2010, VCK World Cup năm 2018. Cách đây 3 tháng, Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cũng đã trình bày Chiến lược phát triển bóng đá VN giai đoạn 2011 – 2020. Có lẽ, rút kinh nghiệm “đợt một”, ông Viễn không còn dám đưa ra mục tiêu bao giờ bóng đá VN dự VCK World Cup, nhưng vẫn dũng cảm đề ra cái đích: từ nay đến năm 2020 đưa bóng đá VN lọt vào top 10 châu lục.
Tuy nhiên, thời gian 8 năm còn lại là quá ngắn, cộng với thực trạng nền bóng đá nước nhà, mục tiêu lọt vào top 10 châu lục xem ra vẫn chỉ là giấc mơ và ít mang tính thực tế. Đâu là cơ sở?
2 năm đã trôi qua nhưng thất bại cay đắng ở trận chung kết SEA Games 25 năm 2009 vẫn là dư vị buồn với người hâm mộ bóng đá VN
Tính từ thời điểm hòa nhập với bóng đá khu vực và thế giới (SEA Games 16-1991) đến nay, bóng đá VN bước chân xuống “biển” đã 20 năm trời. 2 thập kỷ, ở nhiều lĩnh vực, nhiều mặt trận khác chúng ta đã lập không ít kỳ tích, khiến vị thế đất nước được nâng lên rõ rệt trên trường quốc tế. Còn bóng đá, tuy chúng ta có quan hệ tốt với AFC nhưng với FIFA thì còn thua xa Thái Lan. Các đội bóng tên tuổi của thế giới cũng chỉ ghé Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore, chứ không mấy mặn mà với ta.
20 năm, V-League đã qua 11 mùa, nhưng chỉ một lần duy nhất chúng ta đăng quang giải đấu khu vực là AFF Suzuki Cup 2008, sau đó năm 2010 lại thất bại ở mặt trận này. Còn ở đấu trường SEA Game, chưa một lần VN vô địch. Nên nhớ, cách đây 16 năm (tức SEA Games 18 năm 1995), VN đã đoạt HCB. Đấy không phải là lần duy nhất chúng ta về nhì, năm 2009 tại Lào cũng thế. Điều đó chứng tỏ nền bóng đá của chúng ta đang giẫm chân tại chỗ. Không chỉ kém về thành tích mà chất lượng cầu thủ cũng bị xem là thua hẳn thế hệ thập niên 90 của thế kỷ trước. Cho đến thời điểm này, 2 ĐT chúng ta vẫn chưa xác lập được cho mình một lối chơi như là một trường phái, phát huy các thế mạnh và có tính bản sắc rõ ràng. Điều đó xuất phát từ thực trạng chúng ta không có sự kế thừa hệ thống chiến thuật, một phần từ việc sử dụng HLV ngoại quá nhiều, chỉ phục vụ mục đích nhất thời.
Chúng ta luôn lấy Thái Lan làm đối trọng. Có điều, họ đã 8 lần vô địch SEA Games, 3 lần vô địch AFF Cup (trước đây là Tiger Cup). Vậy mà, giấc mơ lọt vào top 10 châu lục vẫn là xa xỉ với người Thái.
Còn chúng ta, mới đây nhất, trên bảng xếp hạng FIFA tháng 10, VN đứng thứ 19 châu Á. Xem ra, việc phải vượt qua CHDCND Triều Tiên, UAE, Oman, Bahrain và ngang ngửa với Iraq, Qatar, Saudi Arabia, Uzbekistan, Iran, Australia, Hàn Quốc và Nhật Bản… là một sứ mệnh quá nặng nề. Nên nhớ, đẳng cấp của một nền bóng đá không thể hiện qua kết quả của một vài trận đấu mà nó phải tính ổn định lâu dài.
Trình độ VFF chưa theo kịp sự phát triển chung
Có thể nói so với cách đây 50 năm, xuất phát điểm của bóng đá ta, nhất là về tiềm năng con người, không đến nỗi quá thấp. Thế nhưng từ đó đến nay, đặc biệt qua 20 năm hội nhập, nền bóng đá nước nhà hầu như vẫn dẫm chân tại chỗ. Dù chúng ta đã xóa được cơ chế bao cấp để chuyển sang chuyên nghiệp đã 11 năm, tiền bạc đầu tư cho các hoạt động bóng đá cũng không ít, nhưng VFF vẫn không tạo được sự phát triển rõ nét của nền bóng đá nước nhà. Chính cựu Chủ tịch VFF Mai Liêm Trực từng phải cảm thán: “Trình độ VFF thấp hơn mặt bằng xã hội”.
Nhìn lại 2 nhiệm kỳ sắp qua, soi vào thành tích ĐTQG, VFF chỉ mới tạo dấu ấn ở ngôi vô địch AFF Suzuki Cup 2008 (nhiệm kỳ V). Nhiệm kỳ VI (nhân sự VFF cơ bản là cũ) đã để vuột mất hy vọng vàng bóng đá nam một cách đau đớn ở SEA Games 25, thất bại tại AFF Suzuki Cup 2010. Chừng đó đã đủ chứng minh việc tái cấu trúc VFF là cần thiết.
Một năm qua, chất lượng ĐTQG vẫn chưa chuyển biến tích cực. SEA Games 26 này, vẫn chưa bảo đảm gì U23 chúng ta vô địch bởi trình độ không nổi trội so với các đối thủ trong khu vực.
(Theo Thể Thao Văn Hóa)