(Bongda24h) –Với đấu trường Champions League, những bàn thắng sân khách mang lại lợi thế không nhỏ cho các đội bóng. Hiddink thừa hiểu điều đó và đã đặt mục tiêu ghi bàn trên sân Nou Camp. Barca có thể đang thể hiện hình ảnh của một cỗ máy chiến thắng, nhưng không vì vậy mà tất cả các mắt xích trong guồng máy đều chạy tốt. Ít nhất, The Blues cũng có thể tận dụng được khá nhiều lỗ hổng ở hàng thủ Blaugrana, từ Alves, Puyol đến “tử huyệt” Valdes.
Tuy nhiên, trước khi nghĩ đến việc ghi bàn, đội khách Chelsea cần phải bày binh bố trận sao cho không cuốn theo lối chơi của các cules ngay từ đầu, và đặc biệt, tuyệt đối không để đội chủ sân Nou Camp ghi bàn trước, bởi chiến lược đánh phủ đầu của họ vốn rất thành công từ đầu mùa. Trong tất cả những lần vượt lên dẫn trước ở mùa giải năm nay, Barca chỉ duy nhất một lần để đối phương cầm hòa, đó là trận đấu diễn ra ở vòng 2 La Liga, gặp Racing (1-1). Khi các cules đã có được cái mình cần và nhất là sự hưng phấn, khó có đối thủ nào đủ sức để kìm chân họ.
Alves: Lỗ hổng hàng thủ của Barca
Hiddink chắc chắn sẽ phải xem đi xem lại cuốn băng ghi hình trận đấu El Clasico hồi tháng 12/2008 giữa Barcelona và Real Madrid. Chiến thuật “anti-Messi & Co” (chống Messi và các đồng đội) mà HLV Juande Ramos áp dụng trong trận đấu ấy gần như là khuôn mẫu để các đối thủ Barca áp dụng trong một khoảng thời gian dài. Luôn chơi với hàng tiền vệ đóng vai trò hậu vệ dâng cao, các cầu thủ Real được Ramos quán triệt ngăn cản “Messi & Co” bằng mọi giá, kể cả những pha phạm lỗi từ xa hòng đập tan kế hoạch tấn công của Barca từ trong trứng nước. Nếu không có tình huống làm bàn từ pha bóng lộn xộn trước khung thành của Eto’o và cú phản đòn chớp nhoáng của Messi, khi toàn bộ cầu thủ Real đã dâng lên tấn công, thì có lẽ Ramos đã thành công với chiến thuật này.
Nếu đủ sức cầm cự trước Barca và không để họ ghi bàn trong khoảng 20 phút đầu hiệp một, Chelsea có thể nghĩ đến những pha phản công của mình. Và đó cũng chính là thời điểm để Hiddink chỉ đạo các học trò khoét sâu vào những điểm yếu của hàng thủ Blaugrana.
Bóng bổng và bóng chết: Nỗi sợ của Barca
Với những trung vệ như Pique, Marquez, thật khó hiểu khi biết rằng Barca có một điểm yếu cố hữu là chống bóng bổng. Pique cao 1,93m – chiều cao lý tưởng để anh trở thành một chiến hạm tiêm kích trên không, nhưng đánh đầu lại là khiếm khuyết của trung vệ này. Ngay cả những pha lên tham gia tấn công của Pique, anh cũng thường dứt điểm và ghi bàn bằng chân, không phải bằng những cú lắc đầu dũng mãnh. Trong trận đấu với Valencia hồi cuối tuần, Pique chơi cặp cùng Puyol và đây quả thực là nỗi ác mộng của Barca.
Hình dáng “lực sỹ” của Puyol dường như đã nói lên sự chậm chạp và nặng nề của anh. Có thể “Quái vật” xứ Catalan đủ sức mạnh cơ bắp để đối chọi với những pha càn lướt của Drogba, nhưng anh khó lòng đối phó với các pha phối hợp bóng bổng của Chelsea. Trong tình cảnh ấy, Barca chỉ còn biết trông cậy vào Marquez, trung vệ không chiến tốt nhất của Barca. Trong trường hợp này, nhiều khả năng Marquez cùng Pique sẽ dảm nhiệm vai trò che chắn trước cầu môn Valdes, đẩy Puyol sang hành lang cánh trái hoặc… dự bị cho Abidal.
Valdes và Puyol đều rất yếu về khả năng chống bóng bổng |
Chelsea sở hữu khá nhiều cầu thủ có khả năng sút phạt tốt, từ Drogba, Lampard, Deco đến trung vệ Alex. Đó chính là điềm báo về một ngày làm việc vất vả cho Valdes. Thủ thành người Tây Ban Nha vốn rất sợ những cầu thủ có độ quái trong các cú sút, giống như Juninho của Lyon trước đây. Chắc hẳn nỗi ám ảnh từ những bàn thua mà Juninho gây ra sẽ khiến Valdes đánh mất sự tự tin trong mỗi pha đối mặt với các cú đá phạt trực tiếp. Không những vậy, khả năng phán đoán bóng bổng của Valdes là rất yếu kém. Cứ nhìn vào tình huống anh lao ra lỡ nhịp, va chạm với Puyol để biếu không trái bóng cho Maduro ghi bàn giúp Valencia cũng đủ hiểu “tử huyệt” Valdes đang khiến Barca đứng ngồi không yên.
Alves: Hậu vệ không có khái niệm phòng ngự
Người ta nói nhiều đến “cánh phải siêu đẳng” của Barca, với sự góp mặt của hai hảo thủ sở hữu tốc độ của những chiếc xe đua công thức 1, kỹ thuật thượng thừa của những người Nam Mỹ: Messi – Alves. Song, giống như quy luật bù trừ, cánh phải Barca mạnh về tấn công nhưng lại yếu về phòng ngự. Alves chỉ chăm chăm lao lên phía trước, để mặc các đồng đội chống đỡ phía sau. Chính vì vậy, các trung vệ của Barca phải hoạt động và căng sức kiểm soát một khu vực rộng lớn ngay trước vòng cấm, đồng nghĩa với hàng loạt những lỗ hổng có thể lộ ra bất cứ lúc nào.
Trong trận hòa 2-2 với Valencia tuần vừa rồi, Pep dường như đã gặp phải một đối thủ “cao tay” hơn, đó là Unai Emery. Vị chiến lược gia trẻ tuổi của Los Che đã đẩy Alexis – một trung vệ - sang đá hậu vệ trái để đối phó với Messi và Alves. Cùng với đó, ông để Marchena (thay Albelda chấn thương) đá ở vị trí tiền vệ trụ. Hai trung vệ “biến hình” này của Bầy dơi đã khiến Alves và Messi gần như lặn mất tăm trong 90 phút của trận đấu. Alves vẫn dâng cao nhưng không đóng góp gì nhiều cho đội nhà, ngoại trừ một cú sút phạt trực tiếp đi sạt xà ngang khung thành Cesar. Ngay cả pha làm bàn của Messi cũng xuất phát từ tình huống thâm nhập vòng cấm, thay vì đột phá bên cánh phải, ngoặt bóng vào trong và dứt điểm như thường lệ.
Khi đã hóa giải được cánh phải của Barca, Emery mới chỉ đạo các học trò đánh thẳng vào điểm yếu ở vị trí trung vệ và hậu vệ phải của Barca. Tình huống Pablo đi bóng đầy sức mạnh, vượt qua cặp đôi Alves và Puyol trước khi khuất phục Valdes bằng cú cứa lòng kỹ thuật vào góc xa rất có thể sẽ lại được tái hiện đêm nay?
-
Ngô Thắng