Trước mối đe dọa ngày càng lớn của nạn dàn xếp kết quả trong làng banh nỉ chuyên nghiệp, các tổ chức quần vợt thế giới đang khẩn trương tìm biện pháp đối phó.
Đôi Arnaud Clement - Michael Llodra vô địch Wimbledon 2007
Vì thế, tại giải quần vợt Masters Paris đang diễn ra tại Pháp, ban tổ chức báo động cao đối với các nghi vấn mua bán độ. Mới đây, lại có thêm tay vợt tiết lộ rằng mình từng bị mua chuộc, đó là Michael Llodra, đương kim vô địch nội dung đôi nam của giải (cùng với Arnaud Clement).
Tay vợt 27 tuổi người Pháp Michael Llodra khiến giới chuyên môn giật mình khi tiết lộ rằng cách đây 4 năm, từng có người yêu cầu anh bán độ ở một trận đấu. Llodra chính là tay vợt từng nằm trong top 10 đơn nam thế giới và vừa cùng với đồng hương Arnaud Clement đăng quang nội dung đôi nam tại giải Wimbledon (đánh bại đôi Bob Bryan, Mike Bryan của Mỹ ở trận chung kết). Llodra kể lại sự việc cũ: “Khi đó, tôi đang ở trong phòng khách sạn và có người đã gọi điện yêu cầu tôi “nương tay” ở trận đấu tới. Nhưng tôi đã từ chối và cúp máy ngay lập tức. Tôi nghĩ rằng mình là một trong những tay vợt đầu tiên bị tiếp xúc mua chuộc”.
Trước đó, hôm 29/10, người thường xuyên đánh cặp với Llodra là Arnaud Clement cũng tuyên bố rằng anh từng bị người khác dùng tiền mua độ. Sau trận thua đối thủ người Nga Mikhail Youzhny tại giải Masters Paris, Clement tâm sự: “Chuyện tôi bị tiếp xúc mua chuộc là có thật, nhưng tôi không muốn tiết lộ nó diễn ra khi nào và ở giải nào. Đó quả thật là một vấn đề rất nghiêm trọng và nếu một tay vợt không có thứ hạng cao và tình hình tài chính ổn định, anh ta rất dễ “bán mình cho quỷ”. Tôi cũng nghe nhiều tay vợt khác tâm sự rằng họ từng bị đề nghị bán độ”.
Trước nguy cơ nạn bán độ hoành hành, ban tổ chức giải Masters Paris đã hết sức cảnh giác. Christian Bimes, Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt Pháp (FFT), tuyên bố: “Nạn dàn xếp kết quả là một mối đe dọa rất lớn đối với quần vợt, vì thế, chúng tôi sẽ xử lý mạnh tay với nó, cũng tương tự như xử lý doping”. Việc cá cược đối với các trận đấu tại giải Masters Paris cũng được cơ quan an ninh giám sát chặt chẽ nhằm tìm ra những dấu hiệu bất thường, đồng thời các tay vợt cũng bị cấm cá độ.
Rõ ràng, việc các tay vợt bị mua độ là có thật. Tuy nhiên, cuộc chiến giữa các tổ chức quần vợt với nạn bán độ dường như vẫn là một cuộc chiến không cân sức, bởi sẽ rất khó tìm ra bằng chứng quy tội một tay vợt nào đó nếu anh ta thật sự có “nhúng chàm”, tức bán độ. Tháng 8 vừa qua, Nikolay Davydenko cũng bị nghi đã bán độ sau khi thua đối thủ yếu hơn mình nhiều là Martin Vassallo Arguello tại Ba Lan nhưng không ai có đủ chứng cứ để kết tội tay vợt người Nga. Thế nên, các trận đấu của Davydenko sau đó đã được giám sát chặt chẽ. Mới đây, sau khi bất ngờ để thua đối thủ “chiếu dưới” người Croatia là Marin Cilic tại giải St Petersburg mở rộng vào tuần trước, Davydenko đã bị phạt 2.000 USD vì ban tổ chức cho rằng anh “thi đấu thiếu cố gắng”, chứ không thể khẳng định là tay vợt đang xếp hạng 4 thế giới này bán độ, dù trước đó anh này vô địch giải Kremlin Cup ngon lành.
Theo Người lao động