Roma là điểm hẹn lý tưởng mà bất kỳ một đội bóng nào khi khi danh tham dự Champions League vào đầu mùa giải 2008-2009 cũng đều mơ ước đến. Nhưng chuyến tàu đến với thủ đô cổ kính của đất nước hình chiếc ủng Italia chỉ dành cho hai hành khách.
Bánh xe 10 năm
Tròn một thập kỷ trước, những trái tim của người M.U đã trải qua những thử thách ghê gớm trước khi vỡ òa trong niềm vui chiến thắng với sự phấn khích tột độ khi đội bóng của HLV Alex Ferguson bất ngờ lội ngược dòng vô cùng ngoạn mục trước Bayern Munich của Ottmar Hitzfeld. 90 phút trên sân Nou Camp ở Barcelona, “Quỷ Đỏ” nước Anh hoàn toàn lép vế trước đội bóng sừng sỏ của nước Đức, thua cả về thế trận lẫn tỷ số (Mario Basler ghi bàn cho Bayern ngay từ phút thứ 6). Nhưng bóng đá luôn tiềm ẩn những điều bất ngờ không thể lường trước được. Teddy Sheringham và Ole Gunnar Solskjaer chỉ cần hai phút bù giờ để làm nên cuộc ngược dòng kỳ vĩ nhất trong lịch sử Cúp C1/Champions League. Người Munich không thể tin đội bóng của mình thất bại và không ít người Manchester cũng chẳng tin được đội bóng của họ lại chiến thắng.
Ký ức 10 năm trước vẫn còn nguyên vẹn trong MU |
10 năm sau cú ăn ba đó, mà Champions League chiếm phần quan trọng nhất, M.U lại đang mưu toan quay lại bánh xe lịch sử, viết nên một câu chuyện cổ tích khác. “Quỷ Đỏ” đã có trong tay danh hiệu ở giải vô địch thế giới các CLB, chức vô địch Cúp Liên đoàn Anh và mới nhất là ngôi vị số một ở Premier League. Thêm chiến thắng ở Champions League tại Roma, M.U sẽ làm nên cú “ăn bốn” ở mùa giải này. Bốn dĩ nhiên phải nhiều hơn ba, dù danh hiệu ở giải vô địch thế giới các CLB và chức vô địch Cúp Liên đoàn Anh có thể không bù đắp được cho vinh quang bị thiếu hụt ở mặt trận Cúp FA như họ từng giành được vào năm 1999 - với Cúp FA, Premier League và Champions League.
Nhưng kể ra, “ăn mấy” thì đâu có quan trọng gì so với việc “ăn” Champions League, đấu trường danh giá nhất của bóng đá châu Âu, nơi ghi danh muôn thuở những đội bóng dù chỉ một lần đăng quang. Nếu bước lên bục chiến thắng ở Olimpico, M.U sẽ sánh ngang với Bayern và Ajax, những đội đã có bốn chức vô địch Cúp C1/Champions League, và chỉ còn kém Liverpool (5 danh hiệu), Milan (7) và Real Madrid (9). Hơn nữa, chiến thắng còn giúp M.U trở thành đội bóng đầu tiên bảo vệ thành công ngôi vô địch ở Champions League, giải đấu ra đời vào năm 1992 nhằm thay thế cho Cúp C1 trước kia. Thậm chí từ trước đến nay, chưa có một quốc gia nào lên ngôi hai lần liên tiếp ở mặt trận nóng bỏng này.
Chung kết trong mơ
Lẽ ra, M.U - Barcelona sẽ là trận chung kết “trong mơ” đích thực nếu đội bóng Tây Ban Nha không thủng lỗ chỗ ở hàng phòng ngự. Mùa giải này, Barcelona của Josep Guardiola là một cỗ máy tấn công “khủng” nhất châu Âu, đã ghi 104 bàn/37 trận ở Liga BBVA và 30 bàn/12 trận tại Champions League. Nhưng trong bóng đá hiện đại, dù tấn công giỏi đến mấy thì phòng ngự vẫn cứ là nền tảng cho mọi thành công, mà chiến thắng của M.U tại Champions League mùa trước chính là tấm gương điển hình. “Quỷ Đỏ” đã lên ngôi ở Moskva không phải bằng lối đá tấn công như vũ bão mà ngược lại, bằng sự chắc chắn trong phòng thủ suốt cả chiều dài của hành trình đến vinh quang. Vậy mà, trước trận chung kết với M.U, Barcelona lại thiếu vắng trung vệ Rafael Marquez vì chấn thương và hai hậu vệ cánh Daniel Alves (phải) cùng Eric Abidal (trái) vì án treo giò. So với việc Darren Fletcher bị cấm thi đấu bên phía M.U, rõ ràng Barcelona chịu thiệt thòi quá lớn về mặt lực lượng.
Hàng thủ của Barcelona trở thành đề tài phân tích của báo giới ngay từ trước trận bán kết lượt về trên sân của Chelsea, với tiêu điểm là ai sẽ đá thay Marquez ở vị trí trung vệ. Nhưng sau trận đấu ấy, sự bàn tán còn sôi nổi gấp bội khi ba câu hỏi tương tự nhau được đưa ra cùng lúc: Ai sẽ đá thay Marquez, Alves và Abidal? Đội trưởng Carles Puyol hoàn toàn có thể dạt sang trái hai phải, nhưng kéo anh ra biên sẽ đồng nghĩa với việc tạo ra lỗ hổng lớn ở khu vực trung tâm, nơi Gerard Pique vẫn còn khá non nớt. Trong một phát biểu mới đây, HLV Ferguson của M.U đã tỏ ra tiếc nuối khi ông quyết định bán Pique trở lại nơi anh đã được đào tạo ra với giá vỏn vẹn sáu triệu euro ở mùa Hè vừa qua. Giờ thì biết đâu chính Pique lại là lô cốt vững chắc ngăn cản những đợt công thành từ phía M.U? Nếu Puyol đá cánh phải sở trường, Yaya Toure sẽ được giao đá cặp trung vệ với Pique trong khi bên cánh trái, Guardiola có thể đặt niềm tin vào lão tướng 35 tuổi Sylvinho hoặc kéo tiền vệ Seydou Keita về án ngữ vào vị trí mà Abidal để lại.
Ronaldo đối đầu Messi, cuộc đọ sức trong mơ
Tin vui cho Barcelona là cả Thierry Henry lẫn Andres Iniesta đều đã bình phục chấn thương và sẽ có mặt trong trận chung kết. Sự nguy hiểm của Henry thì M.U đã hiểu quá rõ, khi mà “Quỷ Đỏ” từng không ít lần trở thành nạn nhân của tiền đạo người Pháp lúc anh còn thi đấu ở Premier League trong màu áo Arsenal. Còn về Iniesta? M.U cứ hỏi Chelsea thì biết. Cú ra chân rất nhanh và gọn gàng của tiền vệ ngày ở những phút bù giờ của trận bán kết lượt về tại Stamford Bridge đã giúp Barcelona “bước qua xác” Chelsea bằng lợi thế bàn thắng trên sân khách để trở thành đối thủ của M.U trong trận đấu cuối cùng của Champions League mùa giải 2008-2009. Henry sẽ là mối hiểm họa thường trực bên cánh trái hàng thủ của M.U, nơi O’Shea canh giữ. Trong khi đó, Iniesta - có phí giải phóng hợp đồng với Barcelona lên đến 150 triệu euro - sẽ là đối thủ nặng ký cho Michael Carrick ở khu vực giữa sân.
Nếu xét về các cuộc so tài giữa từng cá nhân thì cặp Carrick - Iniesta khá lu mờ so với bộ đôi Cristiano Ronaldo - Lionel Messi trên sân cỏ hay Ferguson - Guardiola trên băng ghế chỉ đạo. Mùa trước, khi M.U loại Barcelona ở bán kết, Ronaldo đã hoàn toàn lấn lướt so với Messi, khi đó vừa trở lại sau chấn thương. Trong cuộc chiến giành những danh hiệu cá nhân của bóng đá châu Âu và thế giới, ngôi sao người Argentina cũng hoàn toàn lép vế so với đối thủ đến từ Bồ Đào Nha. Nhưng năm nay, mọi chuyện sẽ khác, thậm chí khác rất nhiều, khi mà Ronaldo bớt nổi bật hơn trong khi Messi lại bùng nổ đến mức khó có thể cản anh được. Người nào giúp đội bóng của mình chiến thắng trong trận chung kết ở Roma thì sẽ có rất nhiều cơ hội chiến thắng trong cuộc đua giành Quả bóng vàng châu Âu và Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 2009. Champions League luôn là thước đo có giá trị đáng kể trong mọi cuộc bình chọn.
Mọi con đường đều dẫn đến Rome và khi đã có mặt ở Olimpico, cả M.U lẫn Barcelona chỉ còn cách thiên đường đúng một bước chân là trận chung kết. Trận đấu trong mơ của bóng đá châu Âu, giữa hai đội bóng xuất sắc hàng đầu ở mùa giải này. Sẽ là “thiên đường thứ ba” ở Champions League cho M.U dưới triều đại Ferguson, hay “thiên đường đầu tiên” cho Barcelona dưới triều đại Guardiola?
Manchester United Thành lập: 1878 SVĐ: Old Trafford (76.212 chỗ) HLV: Alex Ferguson (67 tuổi, dẫn dắt từ 1986) Thành tích: 18 lần vô địch Anh, 11 Cúp FA, 3 Cúp Liên đoàn, 17 Siêu Cúp Anh, 3 Cúp C1/Champions League, 1 Cúp C2, 1 Siêu Cúp châu Âu, 1 Cúp Liên lục địa, 1 Cúp các CLB thế giới. Đường vào chung kết Vòng bảng M.U - Villarreal (0-0, 0-0) Aalborg - M.U (0-3, 2-2) M.U - Celtic (3-0, 1-1) M.U đứng đầu bảng E với 10 điểm Vòng 1/8 Inter - M.U (0-0, 0-2) Tứ kết M.U - Porto (2-2, 1-0) Bán kết M.U - Arsenal (1-0, 3-1) FC Barcelona Thành lập: 1899 SVĐ: Nou Camp (98.772 chỗ) HLV: Josep Guardiola (38 tuổi, dẫn dắt từ 2008) Thành tích: 20 lần vô địch TBN, 25 Cúp Nhà Vua, 7 Siêu Cúp TBN, 2 Cúp Liên đoàn, 2 Cúp C1/Champions League, 4 Cúp C2, 3 Cúp C3, 2 Siêu Cúp châu Âu. Đường vào chung kết Vòng bảng Barcelona - Sporting (3-1, 5-2) Shakhtar - Barcelona (1-2, 3-2) Basel - Barcelona (0-5, 1-1) Barcelona đứng đầu bảng C với 13 điểm Vòng 1/8 Lyon - Barcelona (1-1, 2-5) Tứ kết Barcelona - Bayern (4-0, 1-1) Bán kết Barcelona - Chelsea (0-0, 1-1) |
(Theo Thể Thao Văn Hóa)